45 năm - hành trình một thương hiệu

Không chỉ riêng nguời dân Hà Nội mà đối với người tiêu dùng cả nước, sản phẩm “Dệt kim Đông Xuân” đã ăn sâu vào tiềm thức gần nửa thế kỷ qua. Bây giờ, có dịp đi về các địa phương, cho dù những sản phẩ


Từ lịch sử…
Cách đây 45, Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, con chim đầu đàn của ngành Dệt kim Việt Nam lúc đó, với nhãn hiệu “cánh én xuân” đã được khánh thành và đi vào hoạt động.
Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, toàn Nhà máy chỉ có 150 CBCNV, họ là những anh bộ đội Cụ Hồ, những chị dân công hoả tuyến, những thanh niên xung phong và những tri thức trẻ đã tựu tập về cùng chung lưng đấu cật với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa xây dựng Nhà máy. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, Nhà máy đã cho ra đời những sản phẩm dệt kim đầu tiên, góp phần phục vụ các chiến sỹ nơi chiến trường. Chính vì thế, CBCNV Nhà máy đã vinh dự được bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm. Kết thúc kế hoạch 2 năm (1959-1960), do có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong hoạt động sản xuất, Nhà máy đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 và ngày 15/02/1961 lịch sử, CBCNV Nhà máy lại được vinh dự đón Bác Hồ về thăm lần thứ 2.
Năm 1964, khi giặc Mỹ leo thang ném bom miền Bắc, Nhà máy lại được cấp trên giao nhiệm vụ sản xuất 100% các mặt hàng phục vụ quốc phòng. Ngoài mặt hàng quần áo dệt kim truyền thống, Nhà máy đã cải tiến công nghệ để tự làm ra các sản phẩm quân dụng đặc chủng cho quân đội. Với khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, người bên súng, súng bên máy, bám máy, bám việc, giặc đến thì đánh, giặc đi thì tiếp tục sản xuất, trong 2 năm 1964-1965, một lần nữa, Nhà máy lại được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3. Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ năm 1967, phong trào thi đua lập công cùng các chiến sỹ ngoài tiền tuyến của CBCNV được nhân lên gấp bội. Năm đó, Nhà máy đã hoàn thành 300% kế hoạch sản xuất, một lần nữa, Nhà máy lại được Bác Hồ gửi thư khen và vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 2.
Tổng kết cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Nhà máy đã chi viện sức người, sức của cho chiến trường, với hơn 20 triệu sản phẩm các loại, tương đương 2.500 tấn hàng hoá; 420 thanh niên công nhân ra mặt trận. Trong đó, 25 người đã anh dũng hy sinh, 57 người để lại một phần xương máu trên chiến trường Nam Bộ…Có thể nói, thời kỳ này, các thế hệ CBCNV Nhà máy đã góp sức làm nên truyền thống vẻ vang của Dệt kim Đông Xuân trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

… Đến hiện tại
Chiến tranh chấm dứt, giang sơn đã thu về một mối, cả nước bắt tay xây dựng CNXH…cũng là lúc đất nước gặp muôn vàn khó khăn và Nhà máy cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng đến năm 1986, tinh thần đổi mới và mở cửa với thế giới bên ngoài của Đại hội Đảng lần thứ VI, đã tạo ra hướng phát triển mới cho Nhà máy. Từ kết quả lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, thực hành tiết kiệm, Nhà máy đã tạo dựng được nguồn vốn trên 13 tỷ đồng để đầu tư, đổi mới trang thiết bị, chủ động vươn tới thị trường mới. Do đó, ngay từ những năm 1987, ngoài việc xuất khẩu sang thi trường các nước Đông Âu và Liên Xô cũ, Nhà máy còn bắt đầu thiết lập quan hệ và xuất khẩu sang các nước Tây, Bắc Âu và Nhật Bản. Chính nhờ sự nhạy bén trong kinh doanh, mà sau khi Liên Xô tan rã, không ít doanh nghiệp lâm vào tình cảnh bế tắc, thì Nhà máy vẫn chủ động duy trì và ổn định sản xuất, từng bước phát triển vững chắc  và mở rộng các thị trường mới Tây Âu, Nhật Bản...
Để phù hợp với tình mới, ngày 19/8/1992, Bộ Công nghiệp nhẹ đã quyết định chuyển đổi hoạt động của Nhà máy sang hình thức công ty, với tên giao dịch quốc tế là DOXIMEX. Điều đó đã tạo điều kiện cho Đông Xuân chủ động hơn trong sản xuất và kinh doanh. Vì vậy, trong vòng 15 năm từ năm 1989 đến năm 2003, Công ty đã xuất khẩu được gần 50 triệu sản phẩm với giá trị thu về gần 60 triệu USD. Đặc biệt, trong mấy năm trở lại đây, với việc thực hiện dự án “Đầu tư thiết bị công nghệ và đảo chuyển địa điểm sản xuất”, giá trị sản xuất công nghiệp của Công ty không ngừng tăng lên, tăng trưởng bình quân 11,89%/năm. Riêng năm 2003, tăng 19,5% so với năm 2002; doanh thu năm 2003 đạt 104,83 tỷ đồng, tăng 25,88% so với năm 2002 và được xếp vào “Câu lạc bộ doanh nghiệp 1.000 tỷ đồng” của Tổng công ty Dệt may Việt Nam ; lương bình quân người lao động đạt trên 1,3 triệu đồng/tháng (2003). Như vậy, nếu so với mức vốn được Nhà nước giao năm 1991, thì đến năm 2003, Công ty đã bảo toàn và tăng vốn Nhà nước lên 1,71 lần, vốn  bổ sung tăng lên 12 lần, vốn tự đầu tư, mở rộng sản xuất tăng 33 lần; giá trị tổng sản lượng tăng 5,13 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng 3,45 lần, lợi nhuận trên vốn tăng 3,22 lần và thu nhập của người lao động tăng 3,75 lần.
Hiện tại, Công ty đang khẩn trương hoàn thiện Dự án đầu tư mở rộng sản xuất và đảo chuyển cơ sở, nhằm bảo vệ môi trường với tổng kinh phí ước trên 255 tỷ đồng. Nếu không có gì thay đổi, dự án sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2004, góp phần đưa năng lực sản xuất tăng gấp 2-3 lần so với hiện nay. Cùng với việc đầu tư, đổi mới thiết bị sản xuất, trong những năm qua, Công ty cũng đã xây dựng cho mình được các bộ tiêu chuẩn về quản lý chất lượng (ISOO 9001 và ISO 9000-2000…sẵn sàng và đáp ứng mọi yêu cầu khi hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong quá trình 45 năm xây dựng và trưởng thành, Công ty đã nhiều lần được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ, Tổng Liên đoàn LĐVN tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó, phải kể đến danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và các Huân chương Lao động khác…. Ngoài ra, vinh dự lớn lao là Công ty đã 2 lần được đón Bác Hồ về thăm. Đó là niềm vinh dự và tự hào của toàn thể CBCNV Công ty trên bước đường phấn đấu và phát triển của mình. 

  • Tags: