5 bước cần thuộc lòng khi mua điện thoại cũ cho năm mới

Mua smartphone hay điện thoại cũ là một cách giúp tiết kiệm được một khoản chi phí lớn, tuy nhiên nó lại đòi hỏi người mua một chút kiến thức về công nghệ cũng như sự tỉnh táo khi chọn lựa..

1. Kiểm tra số IMEI:

IMEI là một trong những mã số quan trọng nhất của điện thoại, từ mã số này, bạn có thể biết được thiết bị của mình có nguồn gốc từ đâu và có đúng là hàng chính hãng hay không. Cách kiểm tra IMEI khá đơn giản, bạn chỉ cần vào ứng dụng quay số của điện thoại, nhập vào mã *#06* và một dãy số sẽ xuất hiện.

Kiếm tra số Imei (Ảnh: Zing News)

Tiếp đó, hãy tiến hành so sánh số IMEI này với số IMEI của chính nó trên phần Setting (Cài đặt) của điện thoại xem có trùng nhau không. Một số mẫu điện thoại có in số IMEI ở mặt sau (Ví dụ như iPhone) hoặc có tem dán in đoạn IMEI ở dưới phần pin của máy. Hãy tiến hành so sánh với cả những số IMEI ở các vị trí này.

Số Imei trên vỏ máy Iphone (Ảnh: Zing News)

Nếu tất cả các số IMEI đều trùng nhau, chiếc điện thoại của bạn đã vượt qua “vòng gửi xe”. Nếu có bất kỳ sự sai khác nào, đó là một biểu hiện bất thường. Rất có thể chiếc điện thoại đó đã bị tráo linh kiện.

2. Kiểm tra ốc vít, tem dán:

Người mua cần phải xem xét thiết bị này có được giữ nguyên linh kiện như ban đầu không. Đây là vấn đề quan trọng nhất khi mua máy cũ. Người bán có thể nói rằng hàng của họ chưa bao giờ được tháo ra nhưng bạn vẫn phải cẩn thận kiểm tra từng chi tiết để xác minh điều này. Một trong những cách cơ bản nhất là kiểm tra độ sắc nét của ốc vít.

Kiểm tra các ốc vít (Ảnh: Dienmayxanh)

Đối với những điện thoại có thể mở vỏ máy ở mặt sau ra thì người mua nên kiểm tra những chiếc ốc vít ở mặt này có sắc nét và có vết xước nào không. Nếu máy đã bị bung chắc chắn ốc trông sẽ cũ, bị sờn hay thậm chí là khó thấy được các cạnh ốc.

Bên cạnh đó, khi lựa chọn máy đã qua sử dụng, người mua cũng nên xem tem dán trên thân máy có bị đè lên tem khác hay không. Thông thường các nhà phân phối chỉ dán một tem nhỏ lên ốc hoặc thân máy, vì vậy những máy dán tem tất cả các ốc vít có thể chỉ là để nguỵ trang.

3. Kiểm tra rung, kết nối:

Bạn cũng có thể kiểm tra chế độ rung và loa ngoài khi nhận cuộc gọi và tin nhắn. Một số tình trạng hay gặp như máy có chuông nhưng không rung, không gửi được tin nhắn hoặc khi rung bị tắt nguồn. Sau đó, bạn có thể nhờ người bán bật chức năng Wifi và Bluetooth lên để tiến hành kết nối khoảng 30 phút xem coi chất lượng của các kết nối này có ổn định hay không.

Kiểm tra độ rung, wifi, bluetooth

4. Kiểm tra khả năng nghe, gọi:

Tiếp đến là khả năng nghe gọi, bạn có thể thử gọi điện trong một vài phút với SIM của một trong ba nhà mạng lớn ở Việt Nam. Cách làm này vừa có thể kiểm tra được chất lượng bắt sóng của thiết bị, vừa kiêm tra được loa trong của máy.

Thử chức năng nghe, gọi

5. Sạc thử pin:

Cuối cùng, người mua nên sạc thử pin trong khoảng 10 đến 15 phút để kiểm tra tốc độ sạc và nhiệt độ. Nếu có hiện tượng nóng máy và chập thì máy không còn tốt nữa. Kiểm tra chân đồng tiếp xúc pin, đa số pin “xịn” thì màu đồng này hơi mờ chứ không sáng bóng.

Sạc thử pin

Ngoài ra, còn một số tips dành riêng cho 2 dòng điện thoại Sony và Apple:

Đối với riêng điện thoại Sony: Kiểm tra khả năng chống nước:

Vào bàn phím số của máy, bấm *#*#7378423#*#* để vào “Menu Service” của Sony. Tiếp theo chọn vào phần “Sevice Tests”. Chọn tiếp vào “Pressure Sensor”, đây là phần giáp kiểm tra mức áp suất tác động lên máy. Lúc này trên màn hình của máy sẽ hiện lên các số. Hãy lấy tay bóp mạnh vào mặt trước và sau của của máy. Nếu các thông số đó dao động trong một khoảng nhất định, điều này chứng tỏ máy vẫn kín và chống nước tốt.

Kiểm tra khả năng chống nước của điện thoại Sony

Đối với riêng dòng điện thoại Iphone – Apple: Kiểm tra khóa Icloud:

- Đầu tiên bạn cần truy cập vào www.icloud.com/activationlock.

- Nhập IMEI hoặc số Serial của thiết bị muốn kiểm tra vào ô trống dài.

- Nhập đoạn mã captcha, sau đó bấm Continue để kiểm tra.

(IMEI và số Serial của thiết bị có thể kiểm tra bằng cách vào Settings > General Setting > About.)

Nếu tình trạng là Off nghĩa là chiếc máy chưa bị khóa iCloud và người dùng có thể hoàn toàn yên tâm đăng nhập tài khoản mới để sử dụng. Còn nếu tình trạng là On, thì có nghĩa là máy đã bị khóa iCloud (Find My iPhone đang bật) và cần liên hệ chủ cũ để tắt đi.

Kiểm tra tình trạng khóa Icloud của Iphone

Lâm Thùy (tổng hợp)