5 đối tượng dự kiến được hưởng Quỹ Hỗ trợ đầu tư

Tại dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất rõ về đối tượng và điều kiện nhận hỗ trợ từ Quỹ.
quy ho tro dau tu
Tại dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất rõ về đối tượng và điều kiện nhận hỗ trợ từ Quỹ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư (lần 2). Tại dự thảo lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất rõ về đối tượng và điều kiện nhận hỗ trợ từ Quỹ.

Nguyên tắc, mục tiêu hoạt động của Quỹ hỗ trợ đầu tư

Nguyên tắc hoạt động

- Quỹ hoạt động theo nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận.

- Quỹ chịu trách nhiệm trong phạm vi ngân sách hỗ trợ của Quỹ.

- Quỹ hỗ trợ đúng đối tượng đáp ứng điều kiện theo quy định tại Nghị định này.

Mục tiêu hoạt động:

Khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư .

Nhiệm vụ và quyền hạn của Quỹ hỗ trợ đầu tư

Quỹ có nhiệm vụ: Tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài sản, các nguồn ngân sách hoạt động; Thực hiện các công việc để giúp Hội đồng xét duyệt hỗ trợ đầu tư; Lập dự toán và đề nghị bổ sung (nếu có) ngân sách nhà nước; Thực hiện chế độ báo cáo, kế toán, quyết toán theo quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan;

Quyền hạn của Quỹ bao gồm: Tổ chức và hoạt động theo đúng nguyên tắc và mục tiêu hoạt động của Quỹ; Chi hỗ trợ đầu tư theo nội dung được Hội đồng xét duyệt hỗ trợ đầu tư phê duyệt.

Theo dự thảo, hạng mục hỗ trợ chi phí của Quỹ bao gồm: Hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển; Hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định; Hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Hỗ trợ chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội.

 Phương thức hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ đầu tư

Chi trực tiếp bằng tiền từ Quỹ theo các hình thức hỗ trợ đầu tư bao gồm:

- Hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

- Hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định và chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội.

- Hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

- Hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển.

doanh nghiêp ứng dụng công nghệ cao
Doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao là 1 trong 5 đối tượng dự kiến được hưởng chi phí từ Quỹ hỗ trợ đầu tư

5 đối tượng được hưởng hỗ trợ chi phí

1. Doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

2. Doanh nghiệp công nghệ cao.

3. Doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao.

4. Doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.

5. Doanh nghiệp có dự án thuộc Danh mục dự án chuyển đổi xanh ban hành tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.

Tiêu chí và điều kiện hỗ trợ chi phí

Tùy vào mỗi doanh nghiệp mà sẽ có những tiêu chí, điều kiện hỗ trợ chi phí từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư khác nhau.

* Các doanh nghiệp thuộc doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng điều kiện sau:

- Dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ cao của doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm. Doanh nghiệp công nghệ cao đạt doanh thu tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm hoặc có dự án đầu tư với quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng. Trường hợp đầu tư trong lĩnh vực chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) thì dự án có quy mô vốn tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm;

- Doanh nghiệp thuộc diện được hỗ trợ theo điều kiện về quy mô vốn đầu tư cần đáp ứng điều kiện giải ngân vốn đầu tư như sau:

+ Hoàn thành giải ngân tối thiểu 12.000 tỷ đồng trong thời hạn 05 năm hoặc 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp, điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp dự án đầu tư được cấp, điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau ngày Nghị định này có hiệu lực. Trường hợp đầu tư trong lĩnh vực chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) thì hoàn thành giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 05 năm hoặc 4.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp, điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

+ Hoàn thành tiến độ giải ngân theo quy định tại Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ pháp lý có giá trị tương đương đã được cấp, điều chỉnh đối với trường hợp dự án đầu tư được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ pháp lý có giá trị tương đương trước ngày Nghị định này có hiệu lực.

* Đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển phải đáp ứng điều kiện sau:

 - Dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỷ đồng.

- Dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển hoàn thành giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ pháp lý có giá trị tương đương.

* Đối với doanh nghiệp có dự án thuộc Danh mục dự án chuyển đổi xanh phải đáp ứng điều kiện:

- Có quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm;

- Hoàn thành giải ngân tối thiểu 12.000 tỷ đồng trong thời hạn 05 năm hoặc 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp, điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

- Đáp ứng điều kiện về ngưỡng và chỉ tiêu chuyển đổi xanh áp dụng đối với từng loại dự án trong Danh mục dự án chuyển đổi xanh ban hành kèm theo Nghị định này.

 

Xuân An