5 nguyên tắc xây dựng Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu

Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương xây dựng phù hợp với định hướng tại Chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050, đồng thời bám sát 5 nguyên tắc cơ bản.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc Hội nghị trao đổi, thống nhất để hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc Hội nghị trao đổi, thống nhất để hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP

Cẩn trọng trong xây dựng Nghị định liên quan đến mặt hàng chiến lược của quốc gia

Phát biểu khai mạc Hội nghị trao đổi, thống nhất để hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP diễn ra chiều nay (2/10), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, cùng với khí đốt và điện, được xem như “bánh mì” của nền kinh tế. Chính vì vậy, xăng dầu được xác định là mặt hàng kinh doanh có điều kiện trong các văn bản quy phạm pháp luật từ trước đến nay. 

“Điều kiện đặt ra ở đây là làm thế nào để vừa bảo đảm được cơ chế thị trường, vừa bảo đảm được cơ chế quản lý của Nhà nước, hay nói cách khác là vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, Bộ trưởng cho hay. 

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đây là lần thứ tư Bộ Công Thương lấy ý kiến các Bộ, ngành cả bằng văn bản và trực tiếp; cũng là lần thứ tư Bộ đã trình lên Chính phủ một dự thảo Nghị định sửa đổi các Nghị định về kinh doanh xăng dầu để có được phương án hoàn hảo nhất, phù hợp nhất với tình hình hiện nay. Sau Hội nghị hôm nay, rất có thể sẽ còn lần thứ năm, thứ sáu. Điều này cho thấy sự cẩn trọng của cả Bộ Công Thương và Chính phủ đối với việc xây dựng Nghị định mới này.

Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương (chủ trì Ban soạn thảo) xây dựng phù hợp với định hướng tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là thực hiện cơ chế thị trường đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu nhằm hướng tới mục tiêu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đáp ứng cho nhu cầu sử dụng trong nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc Hội nghị

Dự thảo xây dựng dựa trên 5 nguyên tắc: 

(i) Xây dựng môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. 

(ii) Kế thừa những ưu điểm của cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện hành và bổ sung mới các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn kinh doanh xăng dầu. 

(iii) Giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp. 

(iv) Bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp 

(v) Cắt giảm thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

“Ở đây cần lưu ý là giảm sự can thiệp của Nhà nước chứ không phải bỏ sự can thiệp đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Vai trò của Nhà nước trong việc định hình, quản lý thị trường này vẫn phải được thể hiện trong các quy định pháp luật cũng như trong thực tiễn. Mặt khác, cần cố gắng làm sao để những thủ tục gây phiền hà cho doanh nghiệp, làm tăng chi phí không cần thiết thì phải bỏ. Phải cố gắng phân cấp, phân quyền để ai làm gì tốt thì để họ làm và một việc chỉ cho một người, một đơn vị chủ trì, qua đó việc vận hành sẽ nhanh chóng, hiệu quả hơn”, Bộ trưởng phân tích thêm.

Làm rõ một số nhóm vấn đề

Dù đã quán triệt và thực hiện khá nghiêm túc các nguyên tắc này, đến nay vẫn còn một số ý kiến khác nhau liên quan đến các Bộ, ngành, các cơ quan, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ.

Đối với Bộ Tài chính, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, các nhóm vấn đề cần tập trung thảo luận bao gồm: Việc công bố giá xăng dầu; Cơ chế điều hành giá xăng dầu; Xử lý số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu; Nguồn kinh phí phục vụ mua thông tin giá sản phẩm xăng dầu thế giới để làm căn cứ cho các thương nhân đầu mối thực hiện tính toán; Nhiệm vụ khi nhận chuyển giao từ Bộ Tài chính.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, các nhóm vấn đề cần tập trung thảo luận bao gồm: Quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu; Sự cần thiết, vai trò của thương nhân phân phối trong hệ thống kinh doanh xăng dầu; Số ngày dự trữ lưu thông, cơ chế điều hành, quản lý xăng dầu dự trữ lưu thông.

Đối với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, các nhóm vấn đề cần tập trung thảo luận bao gồm: Bổ sung biên chế để Bộ Công Thương thực hiện một số nhiệm vụ khi nhận chuyển giao từ Bộ Tài chính; Nhiệm vụ chuyển giao từ Bộ Tài chính. 

Đối với Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ, nhóm vấn đề cần tập trung thảo luận về các thủ tục hành chính tại Dự thảo Nghị định.

“Mong đại diện các Bộ ngành có mặt tại Hội nghị sẽ phát biểu với tiếng nói đại diện cho ngành, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định để Bộ Công Thương có cơ sở tổng hợp, tiếp thu, giải trình và báo cáo với Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo các đơn vị thuộc các Bộ, ngành liên quan, các cơ quan chức năng đã đến dự Hội nghị quan trọng này.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đứng ở góc độ là ngành chủ trì, tham mưu, Bộ Công Thương sẽ cố gắng tính toán để việc xây dựng, ban hành Nghị định trước hết phải tuân thủ quy định của pháp luật; thứ hai là phải quán triệt thực hiện nghiêm những quan điểm, đường lối của Đảng; và thứ ba là phải từ thực tiễn những bài học xương máu, kể cả thành công và chưa thành công để khái quát lên thành những quy định của pháp luật. 

Liên quan đến các ý kiến góp ý tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương sẽ trân trọng tiếp thu và thể hiện tốt nhất trong Dự thảo lần này đối với những ý kiến xác đáng, phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định của luật pháp hiện hành và phù hợp với thực tiễn trong công tác quản lý, kinh doanh xăng dầu của nước ta trong những năm qua, đồng thời đảm bảo trọn vẹn đối với những ý kiến khác.

Thảo My