Ông Trần Mạnh Hùng, GĐ Trung tâm điều hành, khai thác của Jetstar Pacific cho biết, 8 tháng đầu năm nay hãng có 82% số chuyến bay bị chậm do các nguyên nhân khách quan như thời tiết, chim va, sét đánh, vật ngoại lai, kẹt đường băng và không lưu.
18% chuyến bay còn lại bị chậm do các nguyên nhân chủ quan như máy bay kiểm tra sửa chữa đột xuất trong quá trình khai thác, lỗi của phục vụ mặt đất...
Cụ thể, 54 vụ tàu bay bị sét đánh, 154 vụ chim va vào máy bay tập trung ở các sân bay như Phú Quốc, Đồng Hới, Vinh, tăng cao hơn so với năm trước.
Theo ông Hùng, khi máy bay bị chim va hay sét đánh, hãng đều phải dừng hoạt động để kiểm tra kỹ thuật khiến các chuyến tiếp theo bị chậm.
Điển hình, vụ việc xảy ra hôm 9/7, máy bay Airbus A320s của Jetstar Pacific từ TP.HCM đi Đồng Hới (Quảng Bình) hạ cánh lúc 13h10.Theo lịch trình, máy bay sẽ tiếp tục vận chuyển hành khách từ Đồng Hới đi TP.HCM dự kiến cất cánh lúc 13h50.
Tuy nhiên, khi hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới, phi công phát hiện có dấu hiệu chim va vào máy baynên phải dừng lịch đi TP.HCM để sửa chữa.
Các kỹ sư được điều từ TP.HCM ra Quảng Bình khẩn cấp kiểm tra kỹ thuật chiếc Airbus lúc 17h20 cùng ngày. Máy bay sau đó được được cất cánh trở lại TP.HCM vào tối cùng ngày.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho hay, các tỉnh phía Nam có đồng ruộng lớn là nơi sinh sống của chim, chim thường di cư nên thường xuyên xảy ra tình trạng chim va máy bay. Các loại chim di cư bay cao tầm 300 - 500 m thường bay cắt ngang đường cất hạ cánh nên ngành hàng không không kiểm soát được.
Ông Cường thông tin thêm, thời gian qua Tổng công ty cảng hàng không VN đã áp dụng nhiều phương pháp đuổi chim, bắn chim bằng các loại máy có sóng nhưng chưa thực sự hiệu quả.