Xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học toàn cầu năm 2025 - THE-WUR 2025, được thực hiện từ 2.092 cơ sở giáo dục đại học từ 115 quốc gia và khu vực.
THE cho biết có 18 tiêu chí đánh giá, chia thành 5 nhóm, gồm: Giảng dạy (Teaching), Môi trường nghiên cứu (Research Environment), Chất lượng nghiên cứu (Research Quality), Chuyển giao công nghệ (Industry), Mức độ quốc tế hóa (International Outlook). Mỗi nhóm tiêu chí chiếm 4-30% trọng số, nhiều nhất ở khía cạnh chất lượng nghiên cứu.
Trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng THE-WUR 2025, có 9 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, gồm: Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Trường Đại học Văn Lang xuất hiện ở trạng thái Reporter.
Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh có vị trí xếp hạng cao nhất tại nhóm các trường có thứ hạng 501-600.
Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Tôn Đức Thắng xếp tại vị trí nhóm các trường có thứ hạng 601-800.
Đáng chú ý, 2 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện trong bảng xếp hạng năm nay của THE là Trường Đại học Y Hà Nội (nhóm thứ hạng 801-1.000) và Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh (nhóm thứ hạng 1.201-1.500).
Các cơ sở giáo dục đại học còn lại của Việt Nam được xếp hạng là Đại học Quốc gia Hà Nội (nhóm thứ hạng 1.201-1.500) và 3 trường đứng trong nhóm thứ hạng 1.501+ là Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Đại học Oxford của Anh vẫn giữ vị trí số một trong 9 năm liên tiếp, phá vỡ kỷ lục 8 năm liên tiếp của Đại học Harvard trước đây. Giữ vị trí đầu bảng, các điểm đánh giá của Oxford vẫn tiếp tục được cải thiện đáng kể nhờ một số chỉ số liên quan thu nhập, chất lượng nghiên cứu và chất lượng giảng dạy. Tỷ lệ sinh viên quốc tế cũng là điểm giúp trường trở nên nổi bật hơn.
Tại Mỹ, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) hiện là trường được xếp hạng cao nhất của nước này và đứng ở vị trí thứ 2 với 98,1 tổng điểm đánh giá, chỉ thua Oxford 0,4 điểm.
Đại học Stanford bất ngờ rơi từ vị trí số 2 xuống vị trí số 6. Đây là thứ hạng thấp nhất của trường kể từ năm 2010 do chỉ số về chất lượng giảng dạy, môi trường nghiên cứu và triển vọng quốc tế đều giảm.
Đại học Harvard tăng từ vị trí số 4 lên số 3 và Đại học Princeton cũng vươn từ hạng 6 lên hạng 4.
THE là một trong ba tổ chức xếp hạng đại học nổi tiếng, bên cạnh QS và Shanghai Academic Ranking of World Universities (ARWU).