Nhà trường coi đây là khâu then chốt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, kịp thời bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu đào tạo lâu dài của nhà trường.
Cán bộ là khâu then chốt, nâng cao chất lượng đào tạo
Ngày nay, xu thế toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đã và đang tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, do đó, để đáp ứng với xu thế ấy vai trò của giáo dục, đào tạo, trong đó hệ thống quản trị, quản lý, đặc biệt là đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao có ý nghĩa tiên quyết trong việc hoàn thành sứ mệnh của trường.
Với vị trí, vai trò là trường đại học công lập hàng đầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ngày 21.9.2024, EPU được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chọn trong số 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Điều này khẳng định chất lượng, uy tín của EPU với người học, xã hội và các bên liên quan.
Trường Đại học Điện lực hiện có hơn 600 viên chức, người lao động. Trong đó, có gần 50% số viên chức, người lao động có trình độ Tiến sĩ và học hàm Phó Giáo sư trở lên (4 Giáo sư, 45 Phó Giáo sư, 243 Tiến sĩ và 260 Thạc sỹ). Đặc biệt, 100% giảng viên của Nhà trường đạt trình độ chuẩn theo quy định, được bố trí giảng dạy đúng chuyên môn đào tạo.
Chia sẻ với phóng viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng, PGS.TS Đinh Văn Châu cho biết, để có được kết quả trên, nhà trường đã tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, coi đây là khâu then chốt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, kịp thời bổ sung nguồn nhân lực có năng lực, phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn cao, có năng lực đảm nhiệm công tác giảng dạy, nghiên cứu, phục vụ đào tạo lâu dài của nhà trường.
Trong năm học vừa qua, nhà trường triển khai thực hiện Đề án sắp xếp lại lại tổ chức bộ máy EPU giai đoạn 2024 - 2028 đảm bảo đúng tiến độ và quy định của pháp luật, kế hoạch tuyển dụng, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng luôn được thực hiện theo các căn cứ pháp lý được nhà nước quy định, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả.
Các viên chức được tuyển dụng đều có trình độ chuyên môn phù hợp, đáp ứng được nhu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, nhà trường luôn tạo điều kiện để các viên chức và người lao động được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo số liệu thống kê giai đoạn 2021 - 2023, nhà trường tuyển dụng được 68 viên chức. Trong đó, tuyển dụng được 45 giảng viên đạt tỷ lệ 66,18% tổng số viên chức tuyển dụng, đặc biệt tuyển dụng được 16 giảng viên có trình độ cao; tuyển dụng 23 viên chức hành chính đạt tỷ lệ 33,82% tổng số viên chức tuyển dụng. Nhiều viên chức trẻ có trình độ xuất sắc đã coi EPU là điểm phát triển tương lai.
Phấn đấu trở thành trường đại học theo hướng ứng dụng hàng đầu trong nước
Với mục tiêu lâu dài và bền vững của EPU trở thành trường đại học theo ứng dụng hàng đầu Việt Nam, mô hình tự chủ toàn diện, hội nhập với nền giáo dục tiên tiến khu vực và quốc tế. Người học được đào tạo toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động, có khả năng học tập suốt đời, có năng lực sáng tạo và khởi nghiệp. Kết quả nghiên cứu khoa học đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thời gian qua, EPU đã thực hiện thu hút nguồn nhân lực trình độ cao bằng cách ban hành kế hoạch tuyển dụng đối với các đối tượng có trình độ Tiến sĩ, học hàm Phó Giáo sư, Giáo sư phù hợp với vị trí việc làm và các chuyên ngành đào tạo của nhà trường.
Công tác đào tạo bồi dưỡng, nhà trường cử 330 lượt viên chức và người lao động đi đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, tham gia các hội thảo trong và ngoài nước. Trong đó, nhà trường tổ chức lớp Quốc phòng an ninh đối tượng 4 cho 25 viên chức và người lao động, lớp tập huấn Công tác văn thư lưu trữ với 141 viên chức tham dự; cử giảng viên tham dự lớp Chuyển đổi số trong Giáo dục và kỹ thuật xây dựng bài giảng điện tử E-learning cho giáo viên, lớp giảng viên các môn Lý luận chính trị tham gia tập huấn bồi dưỡng, tham gia đào tạo chứng chỉ phối hợp ACCA-VACPA về Báo cáo tài chính Quốc tế CertIFR bản tiếng Việt, khóa chuyển đổi số toàn diện trong trường học và kỹ thuật xây dựng bài giảng điện tử đặc biệt theo phương thức trực tuyến, từ xa…
Ngoài ra, nhà trường cử giảng viên tham gia các hội thảo, chương trình tập huấn trong và ngoài nước, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy đại học theo định hướng phát triển năng lực cho sinh viên, tham quan học tập thực tế tại doanh nghiệp. Cũng trong năm học này, Nhà trường cử 11 viên chức đi đào tạo chương trình tiến sĩ; 6 viên chức đi học Cao cấp Lý luận chính trị.
PGS.TS Đinh Văn Châu nhấn mạnh, thời gian tới nhà trường tiếp tục chủ động thu hút và bồi dưỡng nhân tài, trở thành địa điểm làm việc của những chuyên gia hàng đầu trong đào tạo và nghiên cứu về kỹ thuật, kinh tế, quản lý và kinh doanh thuộc lĩnh vực năng lượng.
"Trường Đại học Điện lực sẽ là nơi lựa chọn ưu tiên cao của các học sinh xuất sắc có hoài bão và tâm huyết để đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội. EPU sẽ là niềm tự hào được làm việc, cống hiến của viên chức, giảng viên, người lao động. Qua đó góp phần đưa nhà trường trở thành trường đại học định hướng ứng dụng uy tín trong nước, một số lĩnh vực cốt lõi hướng tới vị thế khu vực và quốc tế, tự chủ, có hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp...", PGS.TS Đinh Văn Châu tin tưởng.
Với truyền thống hơn 120 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Điện lực là trường đại học công lập đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, EPU cũng là một trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu của ngành năng lượng Việt Nam.
Sứ mệnh phụng sự xã hội bằng sự xuất sắc trong giáo dục, sáng tạo và chuyển giao tri thức, EPU luôn xác định hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển lâu dài của nhà trường.