Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương trong năm nay, trong bối cảnh nhu cầu nội địa vững vàng và xuất khẩu tiếp tục mạnh mẽ. ADB cũng hạ dự báo lạm phát của khu vực.
Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 9/2024 được công bố ngày 25/9, khu vực này được dự báo tăng trưởng 5,0% trong năm nay, so với dự báo 4,9% hồi tháng 4/2024. Dự báo cho năm sau vẫn được duy trì ở mức 4,9%. Lạm phát ở khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương được kỳ vọng nới lỏng xuống còn 2,8% trong năm 2024, so với dự báo trước đây là 3,2%.
Triển vọng kinh tế được cải thiện phản ánh các mức tăng trưởng cao hơn dự kiến ở Đông Á, khu vực Kavkaz và Trung Á, và Thái Bình Dương. Nhu cầu toàn cầu về chất bán dẫn gia tăng, một phần do sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, đang thúc đẩy xuất khẩu, trong khi giá lương thực toàn cầu giảm và tác động chậm hơn của việc thắt chặt chính sách tiền tệ đã đưa lạm phát xuống gần mức trước đại dịch.
Ông Albert Park, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB nhận định: “Những yếu tố nền tảng kinh tế mạnh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tăng trưởng trong năm nay và năm sau. Các điều kiện tài chính dự kiến sẽ được cải thiện khi lạm phát tiếp tục giảm bớt và Hoa Kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ; điều này sẽ hỗ trợ cho triển vọng tích cực của khu vực”.
Các rủi ro đối với triển vọng này bao gồm căng thẳng thương mại trầm trọng hơn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc; sự xói mòn hơn nữa của thị trường bất động sản Trung Quốc; căng thẳng địa chính trị ngày càng tồi tệ; những tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết bất lợi tới giá cả hàng hóa cũng như an ninh lương thực và năng lượng.
Dự báo tăng trưởng cho Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất tại khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương, được giữ nguyên ở mức 4,8% trong năm nay và 4,5% trong năm sau. Sự suy yếu kéo dài trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã tác động tiêu cực tới chi tiêu của hộ gia đình trong năm 2024. Điều này phần nào được bù đắp bằng khối lượng đầu tư cao hơn, nhờ sự hỗ trợ của các chính sách tiền tệ và tài khóa kích thích, cùng với tăng trưởng xuất khẩu.
Nền kinh tế Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực được dự báo tăng trưởng 7,0% trong năm 2024, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4/2024, trong bối cảnh nhu cầu nội địa mạnh mẽ, bao gồm việc tăng chi tiêu chính phủ.
Dự báo tăng trưởng cho khu vực Kavkaz và Trung Á được nâng lên 4,7% trong năm nay, so với mức dự báo 4,3% hồi tháng 4, nhờ nhu cầu trong nước được cải thiện với sự thúc đẩy của lượng kiều hối ở một số nền kinh tế.
Dự báo tăng trưởng cho Thái Bình Dương được điều chỉnh tăng lên 3,4% so với mức 3,3% trong tháng 4, nhờ sự gia tăng lượng du khách đến khu vực này. Dự báo cho khu vực Đông Nam Á giảm 0,1 điểm phần trăm, xuống còn 4,5%, do đầu tư công giảm và xuất khẩu phục hồi chậm hơn kỳ vọng.
Cũng tại Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 9/2024, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế tích cực cho Việt Nam, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.
Về các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam, theo ADB phải kể đến dòng chảy thương mại khả quan; sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu phục hồi; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng tích cực…
Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng, nhất là khi nhu cầu mạnh mẽ đối với các mặt hàng điện tử xuất khẩu chủ lực góp phần gia tăng sản xuất. Kinh tế Việt Nam phục hồi cũng được hỗ trợ bởi sự khôi phục của các ngành dịch vụ và sản lượng nông nghiệp ổn định. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước còn yếu, khu vực dịch vụ tăng thấp và triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn làm tăng thêm sự bất ổn.
ADB dự báo, lạm phát của Việt Nam tăng nhẹ ở mức 4% trong năm 2024 và 2025, mặc dù căng thẳng địa chính trị, gồm các cuộc xung đột ở Trung Đông và Nga - Ukraina, có thể tác động tới giá dầu và có khả năng gia tăng lạm phát.