Đó là chia sẻ của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind trong “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ” diễn ra mới đây tại Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng giữa hai nước trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind tới Việt Nam. Sự kiện có sự tham gia của Tổng thống Ấn Độ - Ram Nath Kovind, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng 70 doanh nghiệp hàng đầu Ấn Độ và 200 công ty Việt Nam.
Giới thiệu những tiềm năng sẵn có của nền kinh tế Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Về hợp tác đầu tư, tính đến hết tháng 9/2018, tổng vốn đăng ký đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam đạt 877 triệu USD, với 201 dự án đầu tư, đứng thứ 29/129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, dược phẩm, thiết bị điện...
Việt Nam hiện có 8 dự án đầu tư sang Ấn Độ với tổng vốn đăng ký là 6,16 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng, xuất khẩu mỹ phẩm, các sản phẩm tin học.
“Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác sâu rộng, toàn diện và hiệu quả hơn với Ấn Độ trên nền tảng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, gắn kết thế mạnh tiềm năng của mỗi nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Ram Nath Kovind đánh giá cao về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Theo ông, Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng trong thời gian vừa qua, giúp giảm tỷ lệ đói nghèo từ 70% vào những năm 90 xuống còn ít hơn 10% vào thời gian gần đây.
Tổng thống Ấn Độ cho rằng, việc tăng GDP bình quân đầu người tăng từ 100 USD/tháng vào năm những năm 90 lên 2.000 USD/tháng trong những năm gần đây là một trong những thành tựu to lớn của Việt Nam.
Nhận định về triển vọng đối với quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ trong tương lai, Tổng thống Ram Nath Kovind khẳng định, hai nước có thể hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, nền kinh tế số, năng lượng tái tạo, y tế, hàng không dân dụng.
Bên cạnh đó, Tổng thống Ram Nath Kovind cho rằng, hai nước có thể hợp tác cả trong lĩnh vực mới như công nghệ, kinh tế số và các ngành truyền thống như nông nghiệp, dược phẩm. Ngược lại, Ấn Độ cũng muốn học hỏi từ Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị, du lịch… Tổng thống Ram Nath Kovind kỳ vọng.
Chia sẻ những giải pháp, hướng đi để xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, hai bên cần tăng cường đầu tư trên các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu, đẩy mạnh kết nối hàng không và hàng hải, hạn chế và từng bước xóa bỏ các rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước.
Với dân số tiệm cận 100 triệu người, Việt Nam là một thị trường có sức mua tăng trưởng nhanh với sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu; là nền kinh tế mở và đang tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư Ấn Độ tăng cường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào thị trường Việt Nam, điển hình trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin, xây dựng kết cấu hạ tầng...
Đó là những lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu. Hai nước cần tăng cường kết nối cả về song phương và khu vực, kết nối về hạ tầng như đường hàng không, đường bộ, hàng hải và kết nối số. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ”, “Ấn Độ số”, “100 thành phố thông minh”... sẽ tạo nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp hai nước.
Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, các doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam đã cùng nhau thảo luận những vấn đề liên quan tới cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, hóa chất nông nghiệp, thực phẩm, chế biến thực phẩm; lĩnh vực y tế và dược phẩm; năng lượng, năng lượng tái tạo, dầu khí và cơ sở hạ tầng; dịch vụ, công nghệ thông tin, truyền thông, giáo dục, hàng không và du lịch…
Theo số liệu của Việt Nam, năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều ước đạt 7,63 tỷ USD. Tính đến tháng 9/2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 8,3 tỷ USD (tăng 47,1% so với cùng kỳ). Hai nước đang hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD thời gian tới.