Thời gian gần đây, nhằm tránh việc bịẤn Độáp thuế cao, các doanh nghiệp dầu ăn đã xuất khẩu dầu cọ cũng như các loại dầu ăn khác vào nước này từ các quốc gia láng giềng theo diện mặt hàng miễn thuế được quy định trong Hiệp định Thương mại Tự do Nam Á (SAFTA).
Bangladesh và Sri Lanka là hai nước được các doanh nghiệp này quan tâm chú ý khai thác nhất do đã tham gia ký kết SAFTA, một thỏa thuận thương mại tự do khu vực mà Ấn Độ là thành viên.
Hai doanh nghiệp buôn bán dầu cọ đã khẳng định sẽ bán sản phẩm ô-lê-in dầu cọ từ Bangladesh tới Ấn Độ theo dạng hàng hóa được miễn thuế.
Trong khi đó, một doanh nghiệp dầu cọ khác có trụ sở tại Malaysia cho biết các đơn đặt hàng đối với các sản phẩm đặc biệt có nguồn gốc từ dầu cọ như sản phẩm thay thế bơ cacao hay bơ loãng chiết xuất từ dầu cọ của Bangladesh và Sri Lanka để xuất khẩu tới Ấn Độ đã tăng cao.
Doanh nghiệp này cũng ước tính rằng các sản phẩm dầu cọ xuất khẩu của Indonesia, nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, vào Bangladesh trong tháng Bảy vừa qua đã tăng 1/3.
Còn theo dữ liệu từ cơ quan khảo sát Societe Generala de Surveillance, xuất khẩu dầu cọ sang Bangladesh của Malaysia, quốc gia sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới, đã tăng từ mức 3.500 tấn trong tháng Năm lên mức 36.995 tấn chỉ trong khoảng thời gian từ 1/7 – 25/7.
Theo Reuters, trong niên vụ 2018 – 2019, có khả năng Bangladesh (nước không có ngành công nghiệp dầu cọ) sẽ đáp ứng được 91% lượng tiêu thụ dầu ăn trong nước, bao gồm dầu đậu nành và dầu cọ, thông qua việc nhập khẩu từ các nước khác.
Theo các doanh nghiệp dầu cọ Ấn Độ, việc gia tăng ngày càng nhiều lượng dầu ăn nhập khẩu theo diện miễn thuế đang phá vỡ nền công nghiệp này tại Ấn Độ và làm thất bại những nỗ lực tăng giá các sản phẩm từ hạt cây có dầu địa phương.
Là nước nhập khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, tháng Ba vừa qua, Ấn Độ đã tăng mức thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm dầu cọ tinh chế lên mức 54% nhằm bảo vệ người nông dân nước này.
Cũng trong tháng Sáu, nước này đã tăng thuế lên mức 45% đối với dầu đậu nành tinh chế, dầu đậu nành thô, dầu hướng dương và dầu ăn chiết xuất từ cây cải dầu.
Hiệp hội Chế biến Đậu nành của Ấn Độ (SOPA) đã có những kiến nghị chính phủ liên bang Ấn Độ cần tạm dừng chính sách thực hiện nhập khẩu các mặt hàng theo diện miễn thuế.
Chủ tịch SOPA Davish Jain cho biết chênh lệch giá giữa các sản phẩm dầu đậu nành trong nước so với các sản phẩm dầu đậu nành nhập khẩu miễn thuế vào khoảng 11.000 rupee (tương đương 160,80 USD) một tấn.
Ông Jain khẳng định việc nhập khẩu số lượng lớn các sản phẩm dầu ăn theo diện miễn thuế sẽ tác động tiêu cực tới người dân nước này và gây ra những bất lợi đối với ngành công nghiệp này.
Ông Sandeep Bajoria, Giám đốc điều hành Tập đoàn Sunvin, doanh nghiệp nhập khẩu dầu thực vật có trụ sở tại Mumbai (Ấn Độ), cho biết trước đây các doanh nghiệp tiến hành nhập khẩu dầu ăn từ Bangladesh qua biên giới phía Đông Bắc Ấn Độ, nhưng hiện tại các tàu vận chuyển đã được chuyển hướng đến các cảng ở phía Tây, nơi có nhiều hơn nhà máy tinh chế dầu ăn lớn.
Giám đốc Điều hành của SEA, ông B.V. Mehta, cho biết một doanh nghiệp đã nhập khẩu 10.000 tấn dầu đậu nành tinh chế từ Bangladesh. Còn theo Reuters, ít nhất 4 tàu hàng chở dầu cọ từ các cảng ở Indonesia và Malaysia đã đến Bangladesh trong vòng 14 ngày qua.