Theo đó, các nhà xuất khẩu bột mì sẽ phải được Chính phủ Ấn Độ cấp phép xuất khẩu trước khi tiến hành giao dịch. Quy định mới này sẽ được áp dụng từ ngày 12/7 tới đây và có hiệu lực cho đến khi có thông báo mới.
Thông báo của Chính phủ Ấn Độ nêu rõ “Tình trạng gián đoạn nguồn cung toàn cầu về lúa mì và bột mì đã khiến giá các mặt hàng này biến động và có thể kéo theo các vấn đề liên quan đến chất lượng. Do đó, Chính phủ Ấn Độ cần đảm bảo chất lượng bột mì được xuất khẩu từ Ấn Độ”.
Trước đó, Ấn Độ đã tạm ngưng xuất khẩu lúa mì nguyên hạt vô thời hạn kể từ giữa tháng 5 nhằm kìm hãm đà tăng vọt của giá loại ngũ cốc này trên thị trường nội địa. Giá lúa mì tại Ấn Độ tại thời điểm ban hành lệnh cấm xuất khẩu lên tới 465 USD/tấn, cao gần gấp 2 lần so với mức giá hỗ trợ tối thiểu của chính phủ nước này. Bên cạnh gạo, lúa mì là loại ngũ cốc chính của người dân Ấn Độ.
Năm 2021, sản lượng lúa mì của Ấn Độ đạt 109 triệu tấn và lượng lúa mì xuất khẩu của nước này đạt 7 triệu tấn. Đợt nắng nóng gay gắt diễn ra hồi tháng 3 và tháng 4 vừa qua có thể khiến sản lượng lúa mì của nước này trong năm nay giảm tới 20% so với năm 2021. Điều này dẫn đến những lo ngại rằng thị trường lúa mì nội địa Ấn Độ sẽ rơi vào trạng thái hỗn loạn và nước này cần có những động thái can thiệp để điều tiết và đảm bảo nguồn cung trong nước.
Tuy nhiên, động thái tạm ngưng xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ cũng vấp phải phản ứng từ nhiều quốc gia khác trong bối cảnh căng thẳng nguồn cung lúa mì trên toàn cầu ở mức nghiêm trọng dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.
Một số nhà phân tích cho rằng việc Ấn Độ, quốc gia có sản lượng lúa mì cao thứ hai thế giới, ngưng xuất khẩu lúa mì gây ra cú sốc cung cho thị trường lúa mì nói riêng và thị trường lương thực thế giới, khiến giá lúa mì trên thị trường quốc tế neo ở mức cao. Thực tế cho thấy, sau khi Ấn Độ ngưng xuất khẩu lúa mì nguyên hạt, nhu cầu đối với bột mì tại các quốc gia vốn phụ thuộc vào lúa mì của Ấn Độ đã tăng vọt.
Động thái cấm xuất khẩu lúa mì và bột mì của Ấn Độ làm “nóng” thêm xu hướng bảo hộ lương thực trên thế giới kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra. Gần đây nhiều quốc gia đã tạm ngưng hoặc kiềm chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực, thực phẩm để đảm bảo nguồn cung nội địa khi giá nông sản tăng vọt.