Ánh sáng dẫn dụ LED: Tiết kiệm năng lượng cho đánh bắt hải sản

Thật đáng kinh ngạc khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nhiên liệu dầu cung cấp cho chiếu sáng dẫn dụ hải sản chiếm tới hơn 50% tổng chi phí cho mỗi đợt ra khơi đánh bắt.

Từ nghiên cứu đơn lẻ

Các loại bóng đèn truyền thống như đèn huỳnh quang, đèn halogen... đều cần từ 110 - 220V mới phát sáng được, trong khi đèn LED trắng chỉ cần từ 3 - 24V để phát sáng. Không những vậy, loại đèn đánh cá truyền thống có hệ số phát nhiệt rất cao, dễ gây bỏng da, làm hại mắt và giảm tầm nhìn của ngư dân. Đó là chưa kể việc phát điện bằng máy phát làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, một trong những “tội phạm” phát xạ CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

Ưu điểm của bóng đèn LED là cho ánh sáng lớn, độ bền cao và ít tiêu tốn điện năng. Với tàu sử dụng 40 bóng đèn Metal Halite, dàn đèn có trọng lượng 400kg, tiêu thụ 200 lít dầu/ngày tương đương 170 USD/ngày. Khi thay thế bằng 100 LED, trọng lượng dàn đèn chỉ còn 125kg và lượng dầu tiêu thụ tụt xuống mức 30 lít/ngày tương đương 25 USD/ngày. Với chu kỳ đánh bắt 20 ngày/tháng, lượng nhiên liệu từ 4.000 lít dầu/tháng giảm xuống còn 600 lít dầu/tháng nhờ công nghệ ánh sáng dẫn dụ LED. Như vậy, mỗi tháng tiết kiệm chi phí tới 2.900 USD. Những chuyến hải trình đánh bắt xa bờ, chi phí năng lượng dùng LED thấp hơn từ 10 đến 12 lần so với đèn truyền thống.

Đến những bước đi thực tế

Không chần chừ, một dự án sử dụng công nghệ dẫn dụ hải sản bằng LED đang được xây dựng với Tập đoàn Nam Triệu TP. Hải Phòng lồng ghép vào Dự án “Điện mặt trời đảm bảo an toàn đi biển và nâng cao khả năng đánh bắt hải sản” do

Solarlab thực hiện trong khuôn khổ Dự án Điện mặt trời Điện khí hóa nông thôn của Bộ Khoa học và Công nghệ. Ở góc độ kinh tế xã hội, đây sẽ là con đường xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững trong ngành ngư nghiệp đánh bắt hải sản.

Tiếp theo là tỉnh Quảng Trị. Để giúp ngư dân giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị đã hợp tác với Công ty Satnley Electrics triển khai ứng dụng đèn LED cho tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh được thí điểm ở hai tàu đánh bắt cá mực ở huyện Gio Linh và huyện Triệu Phong. Các chủ tàu này cho biết việc ứng dụng đèn LED vào đánh bắt xa bờ cho hiệu suất chiếu sáng cao, thu hút được cá nhiều hơn, độ bền tốt và tiêu tốn điện năng ít hơn nhiều so với các loại đèn thông thường nên tiết kiệm nhiên liệu. Trước đây, khi chưa có đèn LED, tàu phải dùng máy phát điện gần 100 KVA nhưng nhiều lần xảy ra hư hỏng do quá tải công suất. Từ khi được đầu tư đèn LED, nhờ công suất thiết bị thấp nên an toàn trong quá trình đánh bắt.

Đèn LED đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng rộng rãi trong đánh bắt hải sản như Nga, Nhật, Hàn… Ở nước ta, nhiều tỉnh đã thí điểm thành công loại đèn này trong hoạt động khai thác trên biển và đang nhân rộng. Về lâu dài, với nhiều lợi ích kinh tế và môi trường, cần nhân rộng ứng dụng đèn LED trong đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, do chi phí lắp ráp hệ thống đèn LED hiện nay tương đối cao nên để nhân rộng mô hình này thì ngư dân cần sự hỗ trợ về nguồn vốn, trong đó chủ yếu là nguồn vốn vay để thay thế các loại bóng đèn chiếu sáng đánh bắt thủy hải sản truyền thống.


Thủy Minh