Gia nhập chuỗi cung ứng của nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng là một cánh cửa mới đối với các nhà sản xuất dệt may của Việt Nam.
Thị trường gọi tên denim
Các thương hiệu Zara, H&M hay Levi’s sẽ sử dụng vải denim (loại vải thô, bền, được dệt đan chéo một cách chắc chắn bằng 100% vải cotton) sản xuất tại Việt Nam. Đây là thông tin khá bất ngờ vì nhiều năm qua, các thương hiện này dù sản xuất rất nhiều hàng ở Việt Nam nhưng lại nhập khẩu nguồn vải denim từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc…
Tình hình thay đổi khi các hợp đồng này sẽ được thay thế bằng liên doanh giữa Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú và Advance Denim Limited (Hồng Kông). Ông Phạm Xuân Trình, Tổng Giám đốc Phong Phú, cho biết: “Tháng 9 tới đây, các nhà mua hàng sẽ đến nhà máy làm việc. Chúng tôi đang hoàn thiện mẫu để chuẩn bị giới thiệu với họ. Hy vọng sẽ sớm bắt đầu bán hàng cho họ”.
Theo ông Trình, liên doanh giữa Phong Phú và Advance Denim Limited là một bước đi cụ thể hóa chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bên cạnh việc gia tăng thị phần trên thị trường nội địa. Mục tiêu của Phong Phú là trở thành nhà cung cấp vải denim số 1 của Việt Nam cho cả thị trường nội địa và châu Âu, Mỹ. Ở giai đoạn 1 của nhà máy liên doanh, năng lực sản xuất sẽ đạt khoảng 12 triệu mét vải mỗi năm.
Theo Euromonitor, sản phẩm may mặc từ vải denim chiếm khoảng 80 tỉ USD trong ngành công nghiệp xuất khẩu của toàn cầu. Tại Việt Nam, lĩnh vực sản xuất vải denim cũng đang thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sản xuất loại vải này chưa chiếm tỉ trọng lớn về xuất khẩu trong ngành dệt may Việt Nam. Đặc biệt, sản phẩm sản xuất từ vải denim chỉ chiếm 10-20% trong cơ cấu chủng loại sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, cho rằng nếu như chuỗi cung ứng ngành dệt may Việt Nam đang gặp khó khăn trong khâu dệt và vải, thì lĩnh vực sản xuất vải denim đang làm chủ được nguồn nguyên liệu. Trong đó, tỉ lệ nội địa hóa và khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm quần jean lên đến 55-60%.
Lĩnh vực sản xuất vải denim đã hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh trong ngành dệt may Việt Nam, vì đã có thể cung ứng nội khối về vải, sợi... Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn khá khiêm tốn.
Tham gia chuỗi cung ứng quốc tế
Doanh thu của Zara năm 2018 đạt gần 1.700 tỉ đồng, gấp gần 6 lần năm 2016 nhờ tâm lý chuộng hàng hiệu bình dân của người tiêu dùng Việt. Sau 3 năm có mặt trên thị trường Việt Nam, thương hiệu thời trang này thu về gần 3.100 tỉ đồng, với biên lợi nhuận gộp bình quân hằng năm khoảng 40%. Còn H&M có lợi nhuận 2 năm góp mặt tại thị trường Việt Nam lần lượt là 13 tỉ đồng và 15 tỉ đồng. Thương hiệu này hiện có 7 cửa hàng, gấp hơn 3 lần Zara, gồm 3 cửa hàng tại Hà Nội và 4 cửa hàng tại TP.HCM.
Do đó, việc cung cấp vải cho các thương hiệu trên là cơ hội lớn về cả doanh thu lẫn thương hiệu cho các nhà sản xuất vải của Việt Nam. Việc bắt tay với các đối tác nước ngoài như Advance Denim để tham gia chuỗi cung ứng của các thương hiệu thời trang quốc tế là hướng đi đáng được quan tâm.
Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), chuỗi cung ứng Việt Nam còn thiếu khâu sợi, dệt nhuộm và vải nguyên liệu. Tuy nhiên, để có thể tăng hiệu quả đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài cần có những hợp tác thực sự, tránh tình trạng chỉ hợp tác đơn thuần giữa bên bán và bên mua mà không có sự chia sẻ, chuyển giao công nghệ sản xuất. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ đầu tư công đoạn cuối là lắp ráp, đóng gói sản phẩm nhằm tận dụng lợi thế xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.
Trong khi đó, vào thời điểm hiện tại Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU (EVFTA) chưa tạo sự bùng nổ về đơn hàng dệt may xuất khẩu. Năm 2018, giá trị xuất khẩu dệt may sang EU chỉ đạt 4 tỉ USD, trong tổng giá trị xuất khẩu 36 tỉ USD của toàn ngành. Thị phần của Việt Nam rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 2% tổng mức chi nhập khẩu hàng dệt may của EU.
Ở phân khúc cao cấp, hàng hiệu, phần lớn nguồn cung do các hãng lớn của chính EU cung cấp, dệt may Việt Nam chưa tham gia được vào chuỗi giá trị này. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM (Agtek), dù EU là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 (sau Mỹ), nhưng nhiều doanh nghiệp chưa được tiếp cận trực tiếp với khách hàng. Bởi nhiều năm qua, doanh nghiệp bán lẻ ở các thị trường lớn như Mỹ, EU... đều có hệ thống phân phối, có thương hiệu riêng, buộc doanh nghiệp Việt phải đi qua khâu trung gian hoặc gia công.
Xuất khẩu dệt may năm 2019 đặt mục tiêu 40 tỉ USD. Sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 18,1 tỉ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ, trong đó EU là 1 trong 5 thị trường xuất khẩu chính với kim ngạch 2,56 tỉ USD, tăng 4,52%. Tuy nhiên, dệt may Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguyên phụ liệu, đặc biệt là vải. Năm 2018, xuất khẩu dệt may đạt 36 tỉ USD, nhưng chi nhập vải đã lên tới gần 13 tỉ USD.
Với EVFTA vừa ký kết, có hiệu lực vào đầu năm 2020, xuất khẩu dệt may sang EU sẽ được giảm thuế, nhưng chỉ với điều kiện đáp ứng được quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi”, tức là từ khâu sản xuất vải đến may mặc phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc nhập từ EU. Đại diện EU cho biết, dệt may không chịu hạn ngạch nhập khẩu vào EU, nhưng phải chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ mới có cơ hội giảm thuế.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), những doanh nghiệp dệt may có tỉ trọng xuất khẩu lớn sang EU và xây dựng được chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, liên kết trong nội ngành tốt sẽ được hưởng lợi lớn nhất. Trong đó, có thể kể đến một số công ty như TNG (có tỉ trọng xuất khẩu sang EU chiếm trên 50%), May 10 (35%), May Sài Gòn (41%), May Sông Hồng (30%), May Việt Tiến (14%), Dệt May Thành Công (3,64%).