Doanh nghiệp Hàn Quốc tăng đầu tư dệt may, da giày

Lĩnh vực dệt may, da giày của Việt Nam được nhìn nhận là có nhiều cơ hội khi thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Để đón cơ hội, các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này.
det may
Lĩnh vực dệt may, da giày của Việt Nam được nhìn nhận là có nhiều cơ hội khi thực thi Hiệp định CPTPP

 

Thêm 2 dự án khủng

Cuối tháng 2 vừa qua, Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Hàn Quốc) đã khởi công nhà máy sản xuất giày tại Khu công nghiệp Tân Phú (Đồng Nai). Theo đó, dự án của Changshin Việt Nam có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, xây dựng trên diện tích 14,3 ha, có công suất hơn 27 triệu đôi giày/năm.

Thông tin từ chủ đầu tư cho biết, dự kiến hoàn thành việc xây dựng nhà máy vào năm 2020. Sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ thu hút khoảng 12.000 lao động.

Đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Đồng Nai tính từ đầu năm đến nay. Trước đó, Changshin Việt Nam đã có 2 cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Thạnh Phú. Lần gần nhất là hồi tháng 9/2013, Công ty đã đầu tư thêm 4 triệu USD để xây dựng xưởng sơn đế giày thành phẩm có công suất 67.500 đôi đế giày/ngày.

Đầu tư tại Đồng Nai từ năm 1995, đến nay, với 2 cơ sở đã đi vào sản xuất, Công ty Changshin Việt Nam đã có hơn 32.000 lao động, kim ngạch xuất khẩu hơn nửa tỷ USD hàng hóa/năm.

Cũng dịp đầu năm nay, tỉnh Bình Dương đã cấp phép cho Dự án đầu tư mở rộng của Công ty TNHH Kyung Bang Việt Nam (cũng của nhà đầu tư Hàn Quốc), có vốn đầu tư tăng thêm 40 triệu USD, với mục tiêu đưa năng lực sản xuất sợi cotton lên 9.000 tấn/năm, sợi blended lên 11.000 tấn/năm... Được biết, dự án này có mục tiêu sản xuất vải dệt thoi, vải dệt kim, vải đan móc, hoàn thiện sản phẩm dệt… Với vốn đầu tư tăng thêm này, Dự án của Kyung Bang Việt Nam đến nay có tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 219 triệu USD.

Vốn đầu tư Hàn Quốc còn tăng cao

Thống kê từ các địa phương tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cho thấy, Hàn Quốc luôn nằm trong tốp đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Cụ thể, trong năm 2018, tại Đồng Nai, Hàn Quốc dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh này với khoảng 40 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 234,2 triệu USD. Còn tại Bình Dương, cũng trong năm 2018, Hàn Quốc đứng vị trí thứ hai trong số các nhà đầu tư với hơn 302 triệu USD.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp như giày dép, xơ sợi, dệt, vải, điện tử, linh kiện điện tử, máy móc thiết bị… Thời gian tới, các doanh nghiệp đến từ xứ sở Kim chi dự kiến có nhiều dự án về công nghiệp hỗ trợ nhằm cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, giày dép, thiết bị máy móc...

Trao đổi trong một buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, ông Chung Minchul, Phó tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM cho hay, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh đạt hiệu quả tốt, nên họ muốn tiếp tục mở rộng đầu tư.

“Hiện có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư mới, mở rộng hoạt động đầu tư tại Đồng Nai trong lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng, thương mại dịch vụ…”, ông Chung Minchul nói.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến cuối năm 2018, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư khoảng 600 dự án vào tỉnh, với tổng số vốn đầu tư hơn 2,7 tỷ USD. Tại Bình Dương đã có nhiều dự án có quy mô vốn lớn của doanh nghiệp Hàn Quốc như: Tập đoàn Kolon đầu tư dự án với số vốn 220 triệu USD, Công ty TNHH Kyung Bang Việt Nam đầu tư hơn 219 triệu USD, Công ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam với số vốn đầu tư 128 triệu USD...

Cũng theo ông Trúc, trong năm 2018, Dự án đầu tư xây dựng văn phòng của Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Bình Dương đã đi vào hoạt động và thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc với chính quyền tỉnh. Trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, mới nhất là sự kiện 27 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, linh kiện điện tử; kiến trúc xây dựng; may mặc; nhập khẩu dụng cụ thể dục thể thao… đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bình Dương. 

“Đa số doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Bình Dương đã hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Sau các hoạt động khảo sát và xúc tiến đầu tư gần đây, dự kiến, dòng vốn đến từ Hàn Quốc còn tăng cao trong thời gian tới”, ông Trúc nhận định.

Lý do nhà đầu tư Hàn Quốc chọn Việt Nam

Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc chọn Việt Nam, bởi các lý do sau:

Thứ nhất, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, có kỹ năng, cần cù chịu khó. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần hạ giá thành sản xuất.

Thứ hai, thị trường tiêu dùng Việt Nam khá lớn, với 97 triệu dân. Việt Nam có tầng lớp trung lưu và trẻ tuổi ngày càng tăng và một nền kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh.

Thứ ba, sự ổn định về chính trị của Việt Nam giúp các doanh nghiệp có thêm sự tự tin khi đầu tư.