Như vậy, bản chất của PTTC là việc áp dụng các công cụ và kỹ thuật phân tích các dữ liệu được cung cấp trong các báo cáo tài chính, nhằm rút ra những đánh giá hữu ích, có ý nghĩa cho việc ra quyết định. Quá trình PTTC có thể được mô phỏng theo nhiều cách khác nhau, phụ thuộc vào các mục tiêu đặt ra. PTTC có thể được sử dụng như một công cụ đánh giá quản lý. Do vậy, PTTC làm giảm đi sự tín nhiệm vào linh cảm, sự chuẩn đoán và trực giác thuần tuý. Điều này góp phần thu hẹp phạm vi không chắc chắn trong quá trình ra quyết định.
Bản thân từng số liệu tài chính đứng đơn lẻ rất khó sử dụng, nói khác đi, các số liệu tài chính đơn lẻ không mang ý nghĩa tự thân. Ví dụ, khi ta nói thu nhập ròng (net income) của công ty ABC năm 2000 là 321 triệu USD, dường như đây là một mức thu nhập khổng lồ. Tuy nhiên, chúng ta sẽ đánh giá khác đi khi thấy rằng, nó chỉ chiếm 0,5% doanh thu của Công ty trong năm đó, từ góc nhìn của PTTC.
Như vậy, có thể khẳng định, PTTC giúp các đối tượng sử dụng báo cáo tài chính có cái nhìn sâu hơn, toàn diện hơn về tình hình tài chính của doanh nghiệp.
2. Một số công cụ phân tích báo cáo tài chính
Có 4 công cụ phân tích được sử dụng khá phổ biến là:
(1) Thay đổi phần trăm và giá trị
Đây là một trong 4 công cụ chủ yếu được sử dụng để phân tích các báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Công cụ phân tích này cho thấy mức độ thay đổi của chỉ tiêu năm sau so với năm trước, từ đó cho thấy mức độ cải thiện trong hoạt động quản lý. Giá trị thay đổi là chênh lệch giữa giá trị năm sau so với giá trị năm gốc. Còn phần trăm thay đổi được tính bằng cách chia giá trị của năm so sánh cho giá trị của năm gốc.
Mặc dù giá trị thay đổi năm sau so với năm trước là lớn, nhưng việc thể hiện dưới dạng số tương đối (phần trăm) làm tăng thêm tính hiệu quả của phân tích. Ví dụ, doanh thu của công ty năm nay tăng hơn so với năm trước là 1 tỷ đồng, ý nghĩa của số tăng này sẽ khác nhau khi phân tích 2 trường hợp, doanh thu năm trước là 10 tỷ đồng và doanh thu năm trước là 100 tỷ đồng.
(2) Phần trăm xu hướng
Thay đổi của các khoản mục trên báo cáo tài chính từ năm gốc đến các năm sau đó thường được gọi là phần trăm chỉ xu hướng, vì nó chỉ xu hướng của sự thay đổi. Việc tính phần trăm chỉ xu hướng bao gồm hai bước. Một là chọn một năm làm năm gốc và gán cho các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính của năm gốc giá trị là 100%. Hai là tính toán các khoản mục trên báo cáo tài chính của năm sau theo phần trăm (%) của khoản mục tương ứng của năm gốc. Việc tính toán này được thực hiện bằng cách chia khoản mục của năm sau cho khoản mục tương ứng của năm trước, sau đó nhân với 100%
(3) Phần trăm cấu thành
Một trong những công cụ không kém phần quan trọng là phân tích phần trăm cấu thành. Phần trăm cấu thành thể hiện quy mô tương đối của mỗi một khoản mục trong tổng số. Nó được tính bằng cách lấy từng khoản mục chia cho một chỉ tiêu tổng số. Chẳng hạn, mỗi khoản mục trên Bảng cân đối kế toán có thể được thể hiện là một số phần trăm của tổng tài sản. Điều này có thể cho biết ngay được quy mô tương đối của tài sản lưu động so với tài sản cố định, quy mô của từng khoản mục tài sản trên tổng tài sản cũng như quy mô tương đối của các khoản tài trợ từ chủ nợ ngắn hạn, chủ nợ dài hạn và chủ sở hữu.
(4) Các tỷ lệ
Có lẽ công cụ quan trọng nhất và hiệu quả nhất trong phân tích các báo tài chính doanh nghiệp là phân tích các tỷ lệ tài chính. Công cụ này có thể được sử dụng để khắc phục các nhược điểm của các công cụ trên. Các tỷ lệ tài chính giúp các nhà quản trị xác định được những điểm mạnh và điểm yếu tài chính của doanh nghiệp mình. Các tỷ lệ tài chính cho phép các nhà quản trị hai cách để thực hiện những so sánh có ý nghĩa từ các dữ liệu tài chính của doanh nghiệp: (1) xác định các tỷ lệ theo thời gian để nhận biết xu hướng; và (2) so sánh các tỷ lệ của doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác.
3. Thực trạng phân tích tài chính tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành Da - Giầy.
Đối với các DNNN, người sử dụng các báo cáo tài chính không ai khác chính là các nhà quản trị doanh nghiệp. Theo suy nghĩ của họ, các báo cáo tài chính không cần đủ sức hấp dẫn để thu hút sự quan tâm của các đối tượng bên ngoài. Chúng ta có thể hiểu thực trạng công tác phân tích tài chính tại các DNNN thuộc ngành Da Giày qua 2 vấn đề sau:
Thứ nhất, loại hình báo cáo tài chính và công tác lập các báo cáo tài chính.
Hiện nay, hầu hết các DNNN chỉ lập và sử dụng 2 loại báo cáo tài chính là Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả kinh doanh. Cả hai loại báo cáo này đều được lập theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Mặc dù Báo cáo lưu chuyển tiền tệ khá quan trọng và hữu ích cho các nhà quản lý doanh nghiệp, nhưng loại báo cáo này vẫn gần như không được thành lập và sử dụng trong hệ thống báo cáo tài chính của các DNNN thuộc ngành Da Giày. Tại một số doanh nghiệp thuộc ngành Bưu chính viễn thông, mặc dù đã ý thức được về ý nghĩa của loại báo cáo này, song tác dụng của nó vẫn chưa được khai thác nhiều bởi các nhà quản lý.
Thứ hai, phương pháp và khả năng áp dụng các công cụ phân tích.
Sự thiếu khả năng và không chú trọng đến công tác phân tích các báo cáo tài chính là một thực tế tại các DNNN thuộc ngành Da Giày Việt Nam hiện nay. Thậm chí có một số doanh nghiệp chưa từng thực hiện công tác PTTC. Các nhà quản lý của những doanh nghiệp này chủ yếu dựa vào linh cảm và trực giác thuần tuý. Số còn lại có quan tâm đến công tác PTTC, nhưng chưa thực sự đầy đủ và do vậy, họ chưa thể tận dụng hết những ý nghĩa rất thiết thực của việc PTTC đối với công tác quản lý doanh nghiệp.
Hiện nay, số các doanh nghiệp Da Giày có thực hiện công tác PTTC thường chỉ áp dụng công cụ “Thay đổi phần trăm và giá trị”. Còn 3 công cụ khác đã được đề cập ở trên hầu như chưa được sử dụng, đặc biệt là công cụ phân tích các tỷ lệ. Chúng ta cùng xem xét ví dụ minh họa cho việc áp dụng công cụ thay đổi phần trăm và giá trị của một số doanh nghiệp Da Giày: (Xem bảng)
Như đã đề cập, sử dụng công cụ phân tích này, các doanh nghiệp có thể dễ dàng nhận biết mức độ thay đổi của chỉ tiêu năm sau so với năm trước, từ đó cho thấy mức độ cải thiện trong hoạt động quản lý. Như vậy, tính toán % thay đổi doanh thu, lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng năm hiện tại so với năm trước thể hiện tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp. Điều này giúp doanh nghiệp hiểu rằng, nếu tỷ lệ tăng doanh thu và lợi nhuận lớn hơn tỷ lệ lạm phát thì doanh nghiệp tăng trưởng thực sự.
Tuy nhiên, phương pháp này có rất nhiều hạn chế, đặc biệt là nó không biểu đạt được mối liên hệ giữa các khoản mục khác nhau trong các báo cáo tài chính. Hơn nữa, phương pháp này không mang ý nghĩa khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh. Một thực tế là các DNNN quan tâm quá nhiều đến khả năng sinh lợi trực tiếp; mà dường như họ lãng quên một số tỷ lệ tài chính mà gián tiếp ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh như vòng quay tài sản hay đòn bẩy tài chính...
Trong báo cáo tài chính của các DNNN thuộc ngành Da Giày, các nhà quản lý tài chính có tính toán một số chỉ tiêu tài chính như tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu, thu nhập trên vốn chủ sở hữu, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu và vòng quay phải thu. Tuy nhiên họ chỉ dừng lại ở việc tính toán những con số mà không tìm hiểu bản chất hay những nguyên nhân tạo ra con số đó. Phân tích các tỷ lệ tài chính là công cụ hữu ích nhất và hiệu quả nhất để hiểu rõ bản chất của các chỉ số tài chính cũng như mối liên hệ giữa chúng và sự ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh
Hiện nay, các DNNN sản xuất da giày là nhóm ngành thường có tài khoản phải thu rất lớn, bao gồm phải thu nội bộ và thu bên ngoài. Mặt khác, vay ngắn hạn của những doanh nghiệp này cũng lớn tương ứng. Vậy phải chăng có mối liên hệ nào giữa hai chỉ số trên? Để làm rõ câu hỏi này cũng như những hạn chế trong cách PTTC của các DNNN nói chung và nhóm các DNNN sản xuất da giày nói riêng, xin được đưa ra một ví dụ sau (số liệu của công ty da giày X): Xem bảng.
Từ biểu số liệu trên ta thấy, vòng quay phải thu của Công ty Da Giày X rất thấp. Năm 2003 số ngày phải thu của Công ty là 365/1,25 = 292ngày. Điều này nói lên rằng Công ty bán chịu nhiều hoặc bán chịu trong thời gian rất dài. Kết hợp với số liệu của tài khoản phải thu, chúng ta nhận thấy rằng Công ty da giầy X thường xuyên sử dụng chính sách tín dụng (credit policy) để tăng doanh thu. Do đó, để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty da giày X ngày càng sử dụng nhiều hơn các khoản vay ngắn hạn. Tuy nhiên, chỉ số khả năng trả lãi vay phản ánh sự không hiệu quả của việc vay nợ để tài trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Qua những phân tích trên chúng ta thấy rõ hơn vai trò của PTTC cũng như tầm quan trọng của việc áp dụng các công cụ phân tích tài chính đối với các nhà quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các DNNN thuộc ngành Da Giầy, khi mà nhìn chung, hoạt động của hệ thống các doanh nghiệp này còn kém hiệu quả. Sử dụng tốt các công cụ phân tích tài chính là cách thức hiệu quả để ngày càng nâng cao khả năng quản lý tài chính của doanh nghiệp. Để làm được điều này, trước hết, các cán bộ quản lý tài chính phải có hệ thống kiến thức đầy đủ và phải hội tụ đầy đủ các kỹ năng, kỹ thuật phân tích. Đây là những khó khăn thực tế mà các DNNN thuộc ngành Da Giày đang gặp phải. Bên cạnh đó, các nhà quản lý doanh nghiệp cần phải quan tâm hơn, thúc đẩy hơn và phải có chính sách, chiến lược đúng trong quản lý doanh nghiệp nói chung và quản lý tài chính nói riêng để doanh nghiệp mình có thể đứng vững trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong xu hướng hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.