Áp dụng GSP mới của EU: Doanh nghiệp cần điều chỉnh chiến lược thị trường một cách linh hoạt

Đó là khuyến nghị của ông Trần Ngọc Quân - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) với doanh nghiệp tại hội thảo Quy chế "GSP mới của EU: Cơ hội tăng cường xuất khẩu vào thị trường châu Â
Đánh giá chung về GSP mới của EU được áp dụng từ năm 2014, các chuyên gia cho rằng GSP quy định rất rõ ràng, dễ áp dụng quy chế trưởng thành và tự vệ rút ưu đãi, nhưng quy định không rõ ràng về việc cho hưởng lại GSP sau khi trưởng thành. Điều này nhiều ngụ ý rằng EU tập trung vào việc loại bớt các nước được hưởng GSP.

Thách thức từ “ngưỡng trưởng thành”

Theo danh sách trưởng thành mới được đưa ra trong Quy chế GSP mới của EU, giày dép của Việt Nam, vốn trưởng thành trong giai đoạn 2008 - 2013, đã được cho hưởng lại GSP giai đoạn 2014 - 2016. Như vậy, giai đoạn 2014 - 2016, Việt Nam được hưởng GSP đầy đủ sau 5 năm mặt hàng này bị trưởng thành và áp thuế chống bán phá giá. Trong khi đó, Trung Quốc bị trưởng thành hầu hết các mục. Tuy nhiên, sau đợt loạt bỏ một nhóm nước cho giai đoạn 2014 - 2016, đợt 2 có khả năng sẽ loại bỏ được nhiều nước hơn khi mà mẫu số để tính ngưỡng trưởng thành sẽ nhỏ lại. Đến lúc đó, các nước được hưởng GSP sẽ chỉ còn là các nước nghèo, chậm phát triển…

Mặc dù tiêu chí trưởng thành của EU nâng từ 15% lên 17,5% đối với các nhóm hàng hóa (trừ dệt may nâng từ 12,5% lên 14,5%), nhưng thách thức đối với doanh nghiệp da giày Việt Nam cũng tăng đáng kể. Nguyên nhân là do rất nhiều nước đang phát triển có trình độ cao hơn Việt Nam sẽ không được hưởng GSP của EU nữa, nên thị phần hàng nhập từ Việt Nam sẽ tăng lên trong tổng nhập khẩu được hưởng GSP của EU. Điều này, có thể khiến các mặt hàng này dễ đạt tới “ngưỡng trưởng thành” và không còn được hưởng ưu đãi GSP nữa (Các số liệu sử dụng để tính là số liệu EC công bố cho các năm 2009 - 2011 và chưa thể bóc tách phần kim ngạch không sử dụng ưu đãi GSP trong cùng một mặt hàng từ những nước được hưởng GSP).

Ông Trần Ngọc Quân - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) phân tích ước lượng sự phát triển của các mặt hàng tại hội thảo "Quy chế GSP mới của EU: Cơ hội tăng cường xuất khẩu vào thị trường châu Âu", cụ thể như sau:

Nhóm chắc chắn đạt ngưỡng trưởng thành tập trung vào mục S-2c (chủ yếu là cà phê, chè và các loại gia vị) hiện thị phần của cà phê Việt Nam theo GSP hiện hành là 12,11%, nếu áp dụng GSP mới thị phần của cà phê Việt Nam có thể lên tới 21,68% vượt ngưỡng trưởng thành; Với mục S-1b (chủ yếu là thủy sản) thị phần xuất khẩu thủy sản vào EU của Việt Nam theo GSP trong 3 năm 2009 - 2011 chiếm 9,89%, thị phần này có thể sẽ tăng lên 19,01% sau khi GSP mới có hiệu lực, vượt ngưỡng trưởng thành. Giày dép của Việt Nam vừa được EU cho hưởng lại GSP nhưng sau khi Trung Quốc không được hưởng GSP, thị phần nhóm hàng này đạt 34%, vượt ngưỡng trưởng thành.

Nhóm mặt hàng có nguy cơ chạm ngưỡng trưởng thành hoặc bị tự vệ có thể gồm: - Mục S-7a (Nhựa): Thị phần xuất khẩu nhựa vào EU của Việt Nam theo GSP hiện nay chiếm 5,72%, sau khi áp dụng GSP mới thị phần nhựa của Việt Nam chiếm 16,04% và có nguy cơ chạm ngưỡng trưởng thành 17,5%; - Mục S-11b (Quần áo và hàng may mặc): Thị phần hàng quần áo và may mặc Việt Nam vào EU theo GSP hiện hành là 7,46%, khi GSP mới có hiệu lực thị phần tăng lên 10,5%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào EU năm 2011 lại đạt 19%, nghĩa là có khả năng rơi vào ngưỡng tự vệ trong GSP.

Nhóm hàng có khả năng hưởng ưu đãi ổn định có thể gồm: + Mục S-9a (Gỗ và than từ gỗ): Thị phần xuất khẩu đồ gỗ vào EU theo GSP hiện hành là 1,39%; khi áp dụng GSP mới, thì thị phần mới là 3,92%; + Mục S-11a (Nguyên liệu dệt): thị phần nguyên liệu dệt Việt Nam vào EU hiện nay là 2,43%, theo GSP mới, thị phần hàng hóa này tăng lên 3,89%; + Mục S16 (hàng điện tử - kể cả điện thoại - mặt hàng kim ngạch hiện tại tăng trưởng rất lớn): thị phần hàng Việt Nam vào EU sau khi GSP có hiệu lực là 3,38%.

Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt tiến trình FTA

Hiện nay, Việt Nam và EU đang đàm phán FTA, với mục tiêu kết thúc đàm phán vào cuối năm 2014. Với thủ tục phê chuẩn của EU, nếu theo kế hoạch, dự kiến cuối 2016, FTA Việt Nam - EU có hiệu lực. Như vậy, nếu đúng mục tiêu đề ra, cuối năm 2016, GSP này hết hiệu lực, EU sẽ tính lại thị phần để công bố các nước được hưởng.

Với phân tích ở trên, sử dụng số liệu 2011, sau khi loại Trung Quốc khỏi diện GSP, thị phần hàng hóa của Việt Nam trong GSP sẽ tăng (không có nghĩa là thị phần hàng Việt Nam tại EU tăng tương ứng về tỷ lệ vì còn phải cạnh tranh với nhiều đối thủ).

Theo ông Trần Ngọc Quân, đối sách của doanh nghiệp Việt Nam với hàng hóa ở Nhóm 1 và 3 cần đẩy mạnh tiếp cận thị trường, tìm mọi cách để chiếm lĩnh thị trường khi mà Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam bị áp thuế MFN (hơn GSP trung bình 3,5 điểm %). Đây là cơ hội để khai thác FTA có hiệu lực nếu đàm phán kết thúc theo mục tiêu. Với hàng hóa ở Nhóm 2 cần đa dạng hóa thị trường, vừa tăng trưởng vừa phòng bị rơi vào ngưỡng tự vệ hoặc trưởng thành đề phòng FTA không kết thúc như mong đợi.

Về phần mình, các doanh nghiệp nên thường xuyên tham vấn với Bộ Công Thương nhằm nắm bắt tiến trình đàm phán FTA để có thể điều chỉnh chiến lược thị trường linh hoạt; kịp thời thông báo các vướng mắc khi tiếp cận thị trường, khi hiệp hội không thống nhất chiến lược tiếp cận EU phòng EU sử dụng biện pháp tự vệ, hoặc áp dụng quy chế trưởng thành; phối hợp với Bộ Công Thương để vận động EU tiếp tục trao GSP cho Việt Nam để đảm bảo cơ chế tiếp cận thị trường ổn định và linh hoạt.

GSP tự động mất khi có FTA với EU. Cản trở cách tiếp cận linh động của doanh nghiệp vì cách tiếp cận cộng gộp trong WTO khác FTA, doanh nghiệp đang làm quen về CO trong GSP vốn được xây dựng trên cơ sở quy định của WTO về hỗ trợ của các nước phát triển cho các nước phát triển. Nguyên tắc của WTO là không phân biệt đối xử. Nhưng GSP của EU từ năm 1995 đến nay đã chuyển dần từ cơ chế không phân biệt đối xử, không điều kiện chuyển sang cơ chế có điều kiện.