Áp dụng thuế chống bán phá giá thép không gỉ - Một phán quyết xác đáng

Ngày 5/9/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 7896/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, In

Tiến trình điều tra công phu

Như vậy, sau hơn 1 năm tiến hành điều tra vụ chống bán phá giá liên quan đến thép không gỉ cán nguội, ta đã áp dụng biện pháp tự vệ chống bán phá giá nhằm tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng và phù hợp với chuẩn mực quốc tế đối với tất cả các doanh nghiệp.

Nhiều người tự hỏi, vì sao quá trình điều tra vụ việc nói trên lâu đến vậy, nếu tính từ khi Bộ trưởng Bộ Công Thương có Quyết định điều tra số 4460/QĐ-BCT ngày 2/7/2013? Đi sâu vào tìm hiểu ta sẽ thấy đây là vụ việc phức tạp hơn nhiều so với các vụ điều tra chống bán phá giá thông thường trên thế giới.

Sự phức tạp không chỉ nằm ở chỗ Cơ quan Điều tra (CQĐT - Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương) phải thu thập thông tin, dữ liệu, chứng cứ làm cơ sở cho đánh giá 3 vấn đề cơ bản nhất: Xác định biên độ bán phá giá; xác định có hay không sự thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước; làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa hiện tượng bán phá giá và sự thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước.

Sự phức tạp của vụ việc bắt đầu nổi lên trong giai đoạn xác định những doanh nghiệp có liên quan phải trả lời câu hỏi điều tra. Đối với doanh nghiệp chọn mẫu Trung Quốc, CQĐT đã đưa Công ty Lisco vào danh sách bổ sung phải trả lời câu hỏi vì quá trình điều tra cho thấy, công ty được chọn trước kia là Foshan Vigor Dragon Imp&Exp Co.Ltd là công ty thương mại thuần túy, không đảm bảo cho việc tính toán biên độ bán phá giá một cách đầy đủ và chính xác.

Tương tự như vậy, đối với doanh nghiệp chọn mẫu Đài Loan, Công ty YLSS được chọn bổ sung vì CQĐT thấy rằng, Công ty Sumitomo được chọn trước đó cũng là một công ty thương mại thuần túy.

Đối với doanh nghiệp Ma-lai-xi-a, Công ty Acerinox thuộc sở hữu của Acerinox S.A và không trực tiếp sản xuất hàng hóa thuộc đối tượng điều tra nhưng có mua bán hàng hóa thuộc đối tượng điều tra vào thị trường Việt Nam. Đồng thời, Acerinox là công ty có liên quan đến Công ty Bahru do cùng là công ty thuộc Acerinox S.A. Do đó, CQĐT không tính toán biên độ riêng cho công ty này mà sẽ áp dụng biên độ bán phá giá của Công ty Bahru.

Hơn thế nữa, còn có những doanh nghiệp liên quan không hợp tác, hoặc có hợp tác nhưng trả lời không đúng với yêu cầu đặt ra của Bản câu hỏi điều tra. Nói tóm lại, có rất nhiều phát sinh, làm cho khối lượng xử lý của vụ kiện lớn hơn nhiều so với dự kiến. Đồng thời, đây là lần đầu tiên cùng một lúc điều tra chống bán phá giá với 4 thị trường. Sản phẩm áp thuế chống bán phá giá cũng phức tạp với 9 mã HS; phải xác định được sản phẩm chuẩn xác, phân tích kỹ sản phẩm đó theo từng mã HS. Mỗi mã ấy sẽ có giá riêng, chi phí sản xuất riêng, và vì thế, vụ kiện phải hơn 1 năm mới kết thúc.

Quy trình minh bạch

Tính minh bạch thể hiện rõ nhất ở 2 điểm. Thứ nhất, việc điều tra đã tuân thủ đúng trình tự, thủ tục điều tra của pháp luật Việt Nam (Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 về việc chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam; Nghị định 90/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh số 20) và Hiệp định chống bán phá giá của WTO (sau đây gọi tắt là Hiệp định). Thứ hai, trong suốt quá trình điều tra, bên bị và bên nguyên đều có quyền trình bày quan điểm và tiếp cận thông tin, hồ sơ của vụ kiện một cách bình đẳng, công khai, như quy định tại Điều 17.3, Nghị định 90; Điều 6.4, 6.5 của Hiệp định.

Nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá ngày 6/5/2013 của nguyên đơn là Công ty Posco VST và Inox Hòa Bình, CQĐT đã thẩm định hồ sơ theo quy định tại Điều 19, Nghị định 90/2005/NĐ-CP; Điều 5.2, 5.3, Hiệp định, và cho rằng, hồ sơ yêu cầu bên nguyên là đầy đủ, hợp lệ theo quy định của pháp luật.

Ngay sau đó, CQĐT đã chính thức thông báo cho đại sứ quán/đại diện của 4 nước và vùng lãnh thổ có liên quan theo Điều 10.3 Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 về việc chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và Điều 5.5 của Hiệp định.

Trong điều tra, việc xác định biên độ bán phá giá; xác định có hay không sự thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước; làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa hiện tượng bán phá giá và sự thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước được tuân thủ theo Điều 3, Pháp lệnh số 20; các điều 24, 25, 26, 27, 28 Nghị định 90/2005/NĐ-CP; và Điều 2, Điều 3 của Hiệp định.

Quá trình điều tra, chúng ta đã tiến hành phiên tham vấn các bên có liên quan vào ngày 6/6/2014 theo Điều 14, Pháp lệnh số 20; Điều 29 Nghị định số 90/2005/NĐ-CP và Điều 6.2 của Hiệp định.

Có thể nói, trong tất cả các giai đoạn, từ khi nhận hồ sơ yêu cầu đến ra phán quyết áp dụng biện pháp chống bán phá giá, CQĐT nước ta đã thể hiện được tính công khai, minh bạch và bình đẳng cho tất cả các bên liên quan, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục của luật pháp Việt Nam và Hiệp định chống bán phá giá của WTO.

Phương án phòng vệ thương mại tốt nhất

Cho đến nay, các bên liên quan đã “tâm phục, khẩu phục” với kết luận của CQĐT rằng, có hiện tượng bán phá giá một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội vào thị trường Việt Nam; rằng ngành sản xuất tương ứng trong nước đã chịu thiệt hại đáng kể; rằng có mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá và sự thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Cùng với đó, mức thuế chống bán phá giá cụ thể cũng đã được phán quyết với từng doanh nghiệp của 4 quốc gia và vùng lãnh thổ kể trên, tạo một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp hiện diện thương mại trên lãnh thổ nước ta.

Các chuyên gia cho rằng, sau vụ việc này, doanh nghiệp Việt Nam có thể rút ra nhiều bài học cho mình. Đối với các vụ tranh chấp thương mại, phương án phòng vệ thương mại tốt nhất là các hiệp hội, doanh nghiệp cần có chuẩn bị tốt về nhân lực, lựa chọn người tư vấn và có sự chuẩn bị thật kỹ về hồ sơ yêu cầu điều tra để có kết quả tốt nhất.

Bên cạnh đó, để việc khởi kiện được thuận lợi và dễ dàng, doanh nghiệp nhất thiết phải tham vấn luật sư trong nước và quốc tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần phải ý thức được việc phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan điều tra để cung cấp số liệu, thông tin giúp quá trình điều tra chuẩn xác và thuận lợi. Tránh tình trạng khi cơ quan điều tra thông báo các bên liên quan, các doanh nghiệp đăng ký để có thể tiếp cận hồ sơ thì rất nhiều doanh nghiệp không quan tâm và đến khi có nảy sinh vấn đề, có quyết định áp thuế, các doanh nghiệp mới muốn tìm hiểu, tiếp cận hồ sơ, tài liệu thì đã muộn.