Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), vào tháng 5 năm 2021, 27 quốc gia thành viên của ICPEN đã gửi thư yêu cầu Apple và Google phải có trách nhiệm làm rõ việc các nhà cung cấp ứng dụng thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân người tiêu dùng qua các ứng dụng được bán trên cửa hàng của hai đơn vị này.
Sự can thiệp này của ICPEN đã dẫn đến việc thay đổi chính sách của hai kho ứng dụng lớn nhất thế giới là Apple và Google, theo đó các nhà cung cấp ứng dụng sẽ phải chỉ ra thông tin cá nhân nào của người tiêu dùng sẽ được lưu giữ và thông tin nào sẽ được chia sẻ với bên thứ ba. Việc cung cấp thông tin rõ ràng và toàn diện cho người tiêu dùng sẽ cho phép người tiêu dùng so sánh và đưa ra lựa chọn mua/ tải về các ứng dụng trên cơ sở cách các nhà cung cấp sử dụng dữ liệu cá nhân.
Mạng lưới thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng quốc tế (ICPEN) bao gồm sự tham gia của các cơ quan chính phủ, các tổ chức thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng từ 65 quốc gia, trong đó có Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) - Bộ Công Thương, nhằm cung cấp một diễn đàn khuyến khích việc duy trì và phát triển hợp tác giữa các thành viên trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, ICPEN cũng quan tâm và hỗ trợ các thành viên trong việc xây dựng và thúc đẩy các biện pháp, chính sách, hay các quy định pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu trong các giao dịch thương mại.
Qua khảo sát, ICPEN kết luận rằng các dữ liệu cung cấp cho người tiêu dùng về chính sách bảo vệ quyền riêng tư là chưa đủ. Các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google tạo thế chủ động cho các nhà cung cấp ứng dụng chia sẻ dữ liệu cá nhân người tiêu dùng nhưng lại không cung cấp thông tin chi tiết, rõ ràng cho người tiêu dùng về cách dữ liệu cá nhân của họ sẽ được sử dụng ra sao. Theo nhận định của ICPEN, để truy cập đầy đủ dữ liệu về điều khoản và điều kiện cho mỗi giao dịch, người tiêu dùng phải đọc một văn bản rất dài và phức tạp về chính sách của nhà cung cấp ứng dụng. Do đó, 27 thành viên của ICPEN đã thống nhất và yêu cầu Apple và Google thay đổi cấu trúc các cửa hàng ứng dụng của họ để các nhà cung cấp ứng dụng có thể cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin quan trọng về việc sử dụng dữ liệu một cách rõ ràng và toàn diện, và phải được hiển thị trên màn hình chính của ứng dụng đó.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin cá nhân và để tăng tính minh bạch cho người tiêu dùng sử dụng ứng dụng, Mạng lưới thực thi quyền riêng tư toàn cầu (GPEN) cũng hỗ trợ ICPEN gửi thư yêu cầu các cơ quan chức năng truyền tải nội dung này tới các công ty hoạt động trong lĩnh vực phát triển ứng dụng.
Theo GPEN, người tiêu dùng sẽ lựa chọn các ứng dụng dựa trên cách thức dữ liệu cá nhân của họ được sử dụng, nếu như người tiêu dùng nắm được các thông tin cơ bản về vấn đề này trước. Vì vậy, tính minh bạch là điều kiện tiên quyết cho sự lựa chọn của người tiêu dùng. Nếu thông tin rõ ràng về chính sách bảo mật của mọi ứng dụng được cung cấp vào thời điểm thích hợp, điều đó sẽ cho phép người tiêu dùng đưa ra quyết định sáng suốt về việc tìm kiếm và sử dụng ứng dụng mà họ quan tâm.
Sự kêu gọi của các mạng lưới bảo vệ người tiêu dùng tập trung vào vấn đề cốt lõi về nhận thức của người tiêu dùng, cụ thể là thông báo cho người tiêu dùng ở giai đoạn đầu, trước khi đưa ra quyết định mua/ tải xuống ứng dụng về các chi tiết thiết yếu của giao dịch và trong trường hợp này là thông tin về việc thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân. Vấn đề cốt lõi để bảo vệ người tiêu dùng là người tiêu dùng nhận thức được ý nghĩa của các lựa chọn của họ trước khi chọn tải xuống một ứng dụng và sử dụng nó.