Ðầu tư phát triển bền vững vùng nguyên liệu thuốc lá tại Gia Lai

Vừa qua, Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai để bàn về giải pháp phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá. Đoàn đã đi khảo sát thực tế vùng nguyên liệu thuốc lá tại địa bàn huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai.
Vinataba
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng tham quan các sản phẩm thuốc lá  do Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam sản xuất 

Cây thuốc lá mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân

Gia Lai là một trong những tỉnh có diện tích trồng nguyên liệu thuốc lá lớn nhất của các đơn vị trong Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam và trồng tập trung chủ yếu tại địa bàn các huyện Krong Pa, Ayun Pa, Ia Pa.

Hiện tại, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đang có 2 đơn vị đầu tư trồng cây thuốc lá tại tỉnh Gia Lai gồm Công ty Thuốc lá Bến Tre và Công ty cổ phần Hòa Việt, trong đó, Công ty Cổ phần Hòa Việt đang đầu tư và hợp tác đầu tư vùng trồng với Công ty Liên doanh thuốc lá BAT-VINATABA tại tỉnh Gia Lai. Tổng diện tích đầu tư của các đơn vị của Tổng công ty trên cả nước năm 2023 khoảng 5.561 ha, trong đó tại Gia Lai là 1.193 ha.

Tại buổi làm việc, Ông Nguyễn Duy Lộc, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, tại huyện Krông Pa, sản xuất thuốc lá nguyên liệu được coi là thế mạnh của huyện, chiếm 1/3 tỷ trọng giá trị sản lượng nông nghiệp. Thuốc lá là loại cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập cho người nông dân và nguồn thu ngân sách lớn cho huyện.

Vinataba
Kỹ thuật viên Công ty Cổ phần Hòa Việt báo cáo quy trình trồng, chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây thuốc lá

Câu chuyện thuốc lá Krông Pa được biết đến khi năm 1991, Công ty Nguyên liệu Thuốc lá Nam (nay là Công ty Cổ phần Hòa Việt) đầu tư mô hình trồng thử nghiệm cây thuốc lá vàng sấy ở Krông Pa. Qua thử nghiệm cho thấy, cây thuốc lá rất phù hợp với đồng đất và khí hậu nơi đây. Bởi thế mà từ 3 ha trồng thử nghiệm năm 1991, đến nay Krông Pa đang sở hữu diện tích thuốc lá lớn nhất tỉnh. Vụ đông xuân 2022 - 2023, Gia Lai có khoảng trên 3.000 ha, riêng huyện Krông Pa đã có đến 2.200 ha, trong đó 2.000 ha thuốc lá sợi vàng và 200 ha thuốc lá nâu, sản lượng ước đạt trên 5.500 tấn thuốc lá sấy khô.

Vinataba
Bà con nông dân đang phân loại lá cây thuốc lá sau thu hoạch

Còn những "nút thắt" cần tháo gỡ

Tỉnh Gia Lai đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá vàng sấy và thuốc lá nâu trên địa bàn các huyện Krông Pa, Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa cho 25 đơn vị (hiện 1 đơn vị đã ngừng hoạt động và 1 đơn vị tạm ngừng hoạt động trong năm 2024).

Diện tích các đơn vị đầu tư trồng cây thuốc lá trong toàn tỉnh niên vụ 2023 - 2024 đạt 4.933,5 ha, định hướng trong những năm tới tiếp tục ổn định diện tích 5.000 ha, trong đó tập trung đầu tư nâng cao năng suất đạt 2,5 tấn/ha.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa có nhà máy chế biến nguyên liệu thuốc lá, do vậy, phần lớn các doanh nghiệp đầu tư nguyên liệu thuốc lá trên địa bàn tỉnh sau khi phân loại, kiểm tra sản phẩm sẽ được vận chuyển về các nhà máy chế biến nguyên liệu thuốc lá ở các tỉnh khác cách xa nên ảnh hưởng đến chất lượng cũng như thất thoát nguyên liệu thuốc lá. Điều này sẽ phát sinh chi phí lớn để thuê nhân công xử lý, giảm chất lượng sản phẩm, thất thoát nguyên liệu và ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị.

Nhằm ổn định, phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị và tránh thất thoát trong quá trình vận chuyển nguyên liệu thuốc lá trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế của địa phương, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, chỉ đạo Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đầu tư nhà máy chế biến nguyên liệu thuốc lá và mô hình lò sấy thuốc lá bằng điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Vinataba
Công ty Cổ phần Hòa Việt sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc cho cây thuốc lá

Chia sẻ tại buổi làm việc, Ông Hà Quang Hòa, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cho biết: Công tác đầu tư, mở rộng diện tích trồng thuốc lá hàng năm gặp một số khó khăn do giá thành sản xuất nguyên liệu thuốc lá có xu hướng ngày càng tăng, làm giảm hiệu quả kinh tế so với các cây trồng khác tại địa phương, dẫn đến tính cạnh tranh của cây thuốc lá ngày càng thấp, không khuyến khích được nông dân mở rộng diện tích trồng.

Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển công lao động sang các lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ, du lịch... đã gây nên tình trạng thiếu lao động trầm trọng khi sản xuất nguyên liệu thuốc lá. Nguồn vốn ban đầu để trồng mới cây thuốc lá lớn so với năng lực tài chính của nông dân (dự kiến cần đầu tư khoảng trên 200 triệu đồng để sản xuất 1 ha cây thuốc lá).

Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, đối tác tại các vùng trồng thường xảy ra. Nhiều tổ chức, cá nhân không đầu tư, tổ chức thu mua gom nguyên liệu làm rối loạn thị trường, gây nhiều thiệt hại và rủi ro cho các doanh nghiệp đầu tư và thu mua nguyên liệu theo đúng quy định của Nhà nước.

Diện tích trồng cây thuốc lá bình quân hộ nông dân còn ít và manh mún nên việc áp dụng cơ giới hóa, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để ổn định năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng thuốc lá còn nhiều khó khăn và bất cập.

Vinataba
Đơn vị sản xuất trình bày quy trình thu hoạch và phân loại sản phẩm lá thuốc

Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương thực hiện đúng các quy định của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP trong việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư, thu mua của các doanh nghiệp theo đúng pháp luật.

Từng bước thay thế nguyên liệu ngoại nhập

Sau khi đi thực tế và nghe các đơn vị liên quan báo cáo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá: Để phát triển vùng trồng nguyên liệu thuốc lá Việt Nam ổn định và bền vững; đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng nguyên liệu thuốc lá nội địa nhằm giảm bớt phụ thuộc và từng bước thay thế nguyên liệu ngoại nhập cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ các bộ, ngành và địa phương với các đơn vị sản xuất nguyên liệu, đơn vị sản xuất thuốc lá điếu nhằm tạo môi trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh công bằng.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng giao Cục Công nghiệp nghiên cứu phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc lá thuốc lá tại vùng nguyên liệu Thuốc lá Việt Nam, trong đó có vùng trồng tại Gia Lai đã được Bộ Công Thương giao thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghiệp cấp Bộ nhằm truy xuất chính xác nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu thuốc lá ở trong nước và nhập khẩu.

Đồng thời, phải thực hiện việc theo dõi, quản lý, kiểm tra tình hình đầu tư, tăng cường hoạt động giám sát đối với vùng trồng nguyên liệu trong nước thông qua hoạt động kiểm tra tại các vùng trồng từ đầu vụ và kết thúc vụ.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng giao Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam sớm hoàn thiện các dự án đầu tư, tăng cường đầu tư trong lĩnh vực nguyên liệu và phụ liệu thuốc lá nhằm đảm bảo đáp ứng đầy đủ về nhu cầu nguyên liệu và phụ liệu, chú trọng phát triển nguyên liệu nội địa để chủ động sản xuất, thay thế nhập khẩu.

Nghiên cứu áp dụng các quy trình kỹ thuật vào trồng trọt, chăm sóc, hái sấy tiên tiến nhằm tăng năng suất và chất lượng nguyên liệu nhằm cung cấp nguyên liệu chất lượng cao cho các nhà máy sản xuất thuốc lá điếu trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ kinh phí đào tạo cán bộ kỹ thuật trồng cây thuốc lá và đào tạo nghề cho nông dân.

Thanh Tú