Công nghiệp xuống đáy sâu hơn, thoát đáy sớm hơn và vượt dốc nhanh hơn

Từ 2007 trở về trước, GDP do nhóm ngành công nghiệp – xây dựng thường tăng cao hơn tốc độ chung (bình quân 1991-1995 là 12%/năm so với 8,18%, bình quân 1996 - 2000 là 10,6% so với 6,95%, bình quân 200

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tiềm ẩn từ cuối năm 2007, bùng phát vào cuối 2008, bắt đầu từ thị trường địa ốc, lan sang thị trường tài chính, lan sang kinh tế -xã hội; bắt đầu từ nước Mỹ- nước nhập khẩu của Việt Nam, nước đứng thứ 7 trong trên 70 nước đầu tư trực tiếp vào Việt Nam - lan nhanh sang hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng trên, cộng hưởng với hiệu ứng phụ của các giải pháp kiềm chế lạm phát đã làm tăng trưởng kinh tế Việt Nam bị “rơi” xuống đáy vào quý I/2009. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp – xây dựng bị ảnh hưởng và tăng trưởng “rơi” xuống đáy sớm hơn, sâu hơn. Năm 2008, tăng trưởng GDP do nhóm ngành công nghiệp – xây dựng tạo ra chỉ còn 5,98%, trong khi tốc độ chung là 6,31%; quý I/2009 tương ứng là 1,5% so với 3,1% - đáy tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp- xây dựng xuống sâu hơn đáy tăng trưởng chung.

Nhưng từ quý II/2009, nền kinh tế chung đã thoát đáy, vượt dốc đi lên, trong khi đó GDP của nhóm ngành công nghiệp – xây dựng đã thoát đáy sớm hơn, vượt dốc đi lên nhanh hơn, với tốc độ tăng cao lên qua từng quý. Nếu quý I/2009 chỉ tăng 1,5%, thì 6 tháng đã tăng 3,48%, 9 tháng tăng 4,48%, cả năm tăng 5,52% - cao hơn tốc độ tăng chung 5,32%, quý I/2010 tăng 5,65%; riêng công nghiệp tăng tương ứng từ 0,7% lên 2,42%, 3,3%, 3,98% và 5,4%, còn xây dựng tăng tương ứng từ 6,9% lên 8,74%, 9,73%, 11,36% và 7,13%.

Về giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá so sánh, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng 2 chữ số trong 18 năm liền (từ 1991 đến 2008) – một tốc độ tăng cao, tăng liên tục, tăng trong thời gian dài mà trước đó chưa bao giờ đạt được. Nhưng do tác động của khủng hoảng thế giới, cộng hưởng với hiệu ứng phụ của Việt Nam thắt chặt chính sách tài chính – tiền tệ để kiềm chế lạm phát, tốc độ tăng của giá trị sản xuất công nghiệp đã giảm dần vào nửa cuối năm 2008, đến tháng 1/2009 đã rơi xuống đáy với tốc độ giảm 8,6%. Từ tháng 2, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đã thoát đáy vượt dốc đi lên với tốc độ cao dần lên: 2 tháng tăng 2,5%, quý I tăng 3,2%, 6 tháng tăng 4,8%, 9 tháng tăng 6,3%, cả năm tăng 7,6%, trong đó từ tháng 8/2009 đến nay đã trở lại tốc độ tăng 2 chữ số.

Bốn tháng đầu năm 2010, tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp đạt 13,5%, cao gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng 3,3% của cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm nay có thể còn tăng cao hơn. Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt được ở cả 3 khu vực (khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài), trong đó, khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao hơn tốc độ tăng chung. Tăng trưởng công nghiệp đạt được ở tất cả các địa bàn trong cả nước, trong đó có một số địa bàn tăng cao hơn tốc độ tăng chung của cả nước, như Vĩnh Phúc 45,3%, Phú Thọ 30%, Đồng Nai 21,8%, Hải Dương 19,6%, Thanh Hoá 16,5%, Hải Phòng 15,4%, thành phố Hồ Chí Minh tăng 14,5%,… Tăng trưởng công nghiệp đạt được ở nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu, nhất là những sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt, có giá bán tăng cao, như vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép, đến gạch, cát, đá, sỏi,…), điều hoà nhiệt độ, tủ đá, xe chở khách, xe tải, xe máy, giấy bìa, giày thể thao, bia, xà phòng giặt, điện,…

Công nghiệp – xây dựng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn trong kinh tế thực, nên việc thoát đáy sớm hơn, vượt dốc đi lên nhanh hơn đã vừa có tác động “kéo” tốc độ tăng trưởng chung lên theo, vừa góp phần ngăn chặn và thu hút trở lại số người mất việc hoặc thiếu việc làm trong thời gian mà tăng trưởng công nghiệp - xây dựng xuống đáy, cũng như thu hút thêm số việc làm mới từ những người bước vào tuổi lao động, quân nhân xuất ngũ, học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường,…

Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng công nghiệp – xây dựng vẫn còn những hạn chế bất cập, và đứng trước những thách thức không nhỏ.

Tăng trưởng cao so với cùng kỳ có phần quan trọng là sự phấn đấu của các ngành, các cấp và các biện pháp điều hành của Chính phủ, nhưng có một phần do số gốc so sánh là cùng kỳ năm trước thấp ở mức đáy. Để duy trì tốc độ tăng cao như vậy, trong các quý tới, khi số gốc so sánh là các quý sau của năm 2009 đã cao lên là không dễ dàng. Vì vậy, để công nghiệp phục hồi được tốc độ tăng trưởng cao 16- 17% như từ 2007 trở về trước đòi hỏi phải có thời gian và đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

Tính gia công của sản xuất công nghiệp rất lớn, nhiều loại nguyên nhiên phụ liệu, còn phải nhập khẩu, do công nghiệp phụ trợ chậm phát triển vừa phụ thuộc vào nước ngoài, vừa chịu sự bất ổn của giá cả thế giới và rủi ro tỷ giá, vừa gây ra tình trạng nhập siêu liên tục, kéo dài, ngày một lớn, khi tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu cao lên.

Chi phí vay vốn còn lớn khi lãi suất vay vốn của năm nay cao gấp đôi gấp ba năm trước (khi còn cấp bù lãi suất 4%); chi phí đầu vào tăng khi giá nguyên nhiên vật liệu sản xuất trong nước và nhập khẩu tăng cao, làm cho hiệu quả và sức cạnh tranh bị giảm.

Chất lượng tăng trưởng công nghiệp còn thấp, biểu hiện trên nhiều mặt.

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm thấp hơn tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp với mức cao và kéo dài trong nhiều năm; hệ số giữa tốc độ tăng giá trị sản xuất so với tốc độ tăng giá trị tăng thêm của công nghiệp năm 2005 là 1,6 lần, năm 2006, năm 2007 là 1,7 lần, năm 2008 là 1,8 lần, năm 2009 là 1,9 lần, quý I năm 2010 là trên 2,5 lần. Điều đó một phần do cơ cấu công nghiệp có sự thay đổi (những ngành có tỷ lệ chi phí trung gian cao hơn đã tăng nhanh hơn những ngành có tỷ lệ chi phí trung gian thấp hơn), nhưng phần quan trọng và đáng quan tâm hơn là tỷ lệ chi phí trung gian của công nghiệp tăng do hiệu quả đầu tư thấp. Bình quân 10 năm qua, một đồng GDP công nghiệp tăng đòi hỏi phải có lượng vốn đầu tư là 2,54 đồng; 1 đồng vốn đầu tư vào nhóm ngành này chỉ tạo ra được 2,36 đồng GDP; hệ số ICOR là 4,36 lần, trong đó từ năm 2005 đến nay có xu hướng tăng lên đến và năm 2008 lên tới 7 lần! Nhìn chung, các chỉ số về hiệu quả đầu tư cho nhóm ngành công nghiệp- xây dựng thấp hơn các chỉ số tương ứng của toàn bộ nền kinh tế.

Một chỉ số quan trọng của chất lượng tăng trưởng là năng suất lao động. Năng suất lao động của nhóm ngành công nghiệp- xây dựng tuy cao nhất trong các nhóm ngành nhưng đóng góp cho năng suất lao động chung của toàn bộ nền kinh tế không nhiều. Nguyên nhân có nhiều: Có nguyên nhân do tỷ trọng lao động công nghiệp- xây dựng trong toàn nền kinh tế còn nhỏ (khoảng 15%). Năng suất lao động của nhóm ngành công nghiệp- xây dựng năm 2009 đạt khoảng 64,9 triệu đồng/người/năm, chỉ tương đương với 3.500 USD; Tỷ lệ số doanh nghiệp công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến mới khoảng 20%, thấp xa so với mức 30%- 40% của các nước trong khu vực.

Do năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp, nên sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập còn yếu và nhập siêu lớn trong mấy năm nay.

Một vấn đề quan trọng khác là chất thải công nghiệp gia tăng cùng với sự tăng trưởng công nghiệp, lại chưa được xử lý tốt và từ gốc, nên tác động xấu đến việc bảo vệ và cải thiện môi trường, làm cho chất lượng cuộc sống còn thấp, tăng trưởng công nghiệp không bền vững; làm cho môi trường bị ảnh hưởng xấu và việc bảo vệ, khắc phục hậu quả và cải thiện môi trường tốn kém nhiều công của hơn.

“Phi công bất phú”- không làm công nghiệp thì không giàu được. Mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cơ cấu lại công nghiệp cần được thực hiện nhanh bởi thời gian từ nay đến đó chỉ còn có 10 năm.