Tham dự Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2024 gồm có các đồng chí Lãnh đạo Bộ Công Thương, Lãnh đạo thành phố Hà Nội; Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; Đại diện các Cục, Vụ, Viện và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương; Sở Công Thương Hà Nội, các Sở, ngành liên quan; Sở Công Thương các tỉnh phía Bắc; Đại diện Sở Công Thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên và khu vực Phía Nam
Hoạt động liên kết phát triển giữa các địa phương trong khu vực ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Kể từ sau Hội nghị 28 tỉnh, thành phố khu vực Phía Bắc lần thứ IX, năm 2023 được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh, hoạt động liên kết phát triển giữa các địa phương trong khu vực ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh hơn trên các lĩnh vực: Chia sẻ thông tin về công tác quản lý Nhà nước, hoạt động sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại; Công tác kết nối giao thương hàng hoá được tăng cường, công tác phối hợp trong việc xử lý các vi phạm của lực lượng Quản lý thị trường được duy trì thường xuyên và có hiệu quả. Từ đó đóng góp tích cực vào những thành quả của ngành Công Thương các địa phương trong thời gian qua.
Hội nghị ngành Công Thương khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2024 được tổ chức nhằm Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2023 và ước 06 tháng đầu năm 2024, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2024; Thảo luận kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các Sở, ngành ở địa phương, qua đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực;
Hội nghị cũng nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư và thương mại nhằm tăng cường các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương trong khu vực; Tạo điều kiện cho cán bộ, công chức ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc tiếp xúc trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại; tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để định hướng liên kết vùng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết: 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc có lịch sử phát triển lâu dài, có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của cả nước. Ngành Công Thương có đóng góp quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của khu vực. Tuy nhiên, khoảng cách phát triển giữa các địa phương còn lớn, sự phối hợp chưa thường xuyên nhuần nhuyễn để tận dụng thế mạnh của vùng. Để khắc phục những hạn chế này, cần thiết tăng cường sự liên kết giữa các địa phương trong khu vực, cùng nhau phát triển trong bối cảnh còn nhiều phức tạp.
Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và của ngành Công Thương nói riêng tuy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chịu ảnh hưởng rất lớn của biến động địa chính trị, biến động kinh tế khó dự báo, nhưng ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã đạt được một số thành tựu nổi bật là:
Về sản xuất công nghiệp, năm 2023, 19/28 tỉnh, thành phố trong Khu vực có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước là 1,5%. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng lớn của ngành. Ước 06 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành phố có những đóng góp tích cực trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn. 11/28 địa phương có mức tăng trưởng từ 10% trở lên.
Về thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ toàn khu vực năm 2023 đạt 2.602 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 41,8% của cả nước, tăng 16,7% so với năm 2022, cao hơn mức tăng chung của cả nước (cả nước tăng 9,6%). Có 26/28 địa phương trong vùng có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước; 13/28 địa phương có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn vùng.
6 tháng đầu năm 2024, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Khu vực ước đạt 1.404 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Như vậy, thị trường trong nước tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của nước ta trong 6 tháng đầu năm.
Về xuất khẩu, năm 2023, đạt 221,5 tỷ USD, tăng 1,7% so với năm 2022, cao hơn mức giảm 4,4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chiếm khoảng 62% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. 06 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố Khu vực ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ. 24/28 địa phương trong vùng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương.
Đại diện cho các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm cho biết, Hòa Bình là tỉnh tiếp giáp với Thủ đô, cửa ngõ của các tỉnh Tây Bắc. Hòa Bình có nhiều thuận lợi xong bên cạnh đó khó khăn, thách thức vẫn nhiều. Song với sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ Công Thương hỗ trợ giúp Hòa Bình có nhiều khởi sắc tích cực.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2024 (GRDP) ước đạt 0,09%; Chỉ số công nghiệp tăng 6,5%; Kinh ngạch xuất khẩu ước đạt 969,607 triệu USD tăng 26,48% so cùng kỳ; Nhập khẩu ước đật 648,165 triệu USD tăng 17,42%. Hòa Bình đã quy hoạch bổ sung quy hoạch 21 Cụm công nghiệp, nâng tổng Cụm công nghiệp lên là 38 Cụm công nghiệp và 16 Khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị Bộ Công Thương tăng lượng sản xuất điện theo kế hoạch Chính phủ giao; sớm sửa và có sự hỗ trợ trong Nghị định số 02; có cơ chế kết nối xuất khẩu các mặt hàng từ sản phẩm nông nghiệp; chống buôn lậu, gian lận thương mại nhất là kinh doanh online.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 là thời gian ngành Công Thương cả nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, song ngành Công Thương 28 tỉnh khu vực phía Bắc đã chủ động, tích cực triển khai kịp thời các chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương, với sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, dại phương cùng nỗ lực của toàn ngành Công Thương, tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại khu vực phía Bắc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của khu vực cũng như của cả nước.
6 nội dung để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2024
Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2024, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung như sau:
Một là, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nhất là các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ, Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, để triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Hai là, phát động và tổ chức các phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, phấn đấu đạt được các mục tiêu về sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tập trung cao độ việc rà soát nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ theo thẩm quyền, đồng thời, kịp thời phản ánh với cấp trên những gì vượt thẩm quyền.
Ba là, tập trung triển khai Đề án cơ cấu lại ngành Công Thương giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch các địa phương, nhất là quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản… tạo ra dư địa và xung lực mới cho các địa phương.
Bốn là, chủ động cung cấp nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Chú trọng thực hiện tốt cung ứng xăng dầu, điện cho sản xuất và đời sống với phương châm trong bất kỳ tình huống nào cũng không để xảy ra đứt gãy nguồn cung.
Tập trung hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh bám sát tín hiệu thị trường, khai thác hiệu quả các FTA, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án xuất khẩu chính ngạch mà Bộ Công Thương đã xây dựng và đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Chuyển mạnh mẽ, dứt điểm từ tiểu ngạch sang chính ngạch, gắn với xây dựng thương hiệu hàng Việt.
Năm là, tập trung đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… trên kênh truyền thống và kênh thương mại điện tử. Rà soát, sắp xếp lại, cố gắng tạo điều kiện để thương hiệu Việt khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực bán lẻ, nâng năng lực của doanh nghiệp Việt, đạt được mục tiêu của hội nhập.
Sáu là, khẩn trương tập hợp kiến nghị đề xuất từ các doanh nghiệp, từ người sản xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện hữu. Đồng thời, đề xuất để đưa ra các cơ chế chính sách tạo đột phá, giải phóng nguồn lực trong xã hội, giải phóng nguồn lực các địa phương. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nội, hình thành, phát triển các doanh nghiệp đủ mạnh, độc lập, tự cường.
Nhân dịp này, để tiếp tục phát triển mối quan hệ gắn bó trong ngành Công Thương từ Trung ương với các địa phương nhằm tăng cường công tác hỗ trợ, phối hợp và thúc đẩy mọi hoạt động của ngành Công Thương đối với các tỉnh, thành phố trong khu vực, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã trao cờ đăng cai tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XI, năm 2025 cho Sở Công Thương tỉnh Hà Giang.