Sau một năm 2021 đầy biến động, ông Jacques Morisset đánh giá mục tiêu đưa tăng trưởng GDP của Việt Nam về mức 6-6,5% như đã được đề ra trong kỳ họp Quốc hội mới đây là hoàn toàn khả thi nếu Việt Nam đáp ứng được hai điều kiện.
Điều kiện đầu tiên là kiểm soát tốt đại dịch. Mặc dù đây không phải nhiệm vụ dễ dàng nhưng bước đầu tiên là làm tất cả những gì có thể để kiểm soát đại dịch.
Điều kiện thứ hai là cải thiện cán cân cung-cầu. Chính phủ Việt Nam đã triển khai rất hiệu quả việc khôi phục các khu vực sản xuất, xuất khẩu và đã đạt được những kết quả ấn tượng. Do vậy, có thể nói phía cung đã phát đi những tín hiệu tích cực và vấn đề đang nằm ở phía cầu.
Nhận định về những rủi ro đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2022, chuyên gia Morisset cho rằng rủi ro lớn nhất là tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến thể mới.
Thứ hai là những rủi ro về nội tại kinh tế. Việt Nam là một nền kinh tế mở, do đó nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tình hình của nhiều quốc gia khác. Lĩnh vực xuất khẩu đã trở thành đầu tàu tăng trưởng của Việt Nam trong nhiều năm qua và sự trầm lắng của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của Việt Nam.
Một rủi ro khác liên quan đến vấn đề lạm phát. Có thể thấy, nền kinh tế hiện nay đang phải đối mặt với lạm phát nhập khẩu (do giá hàng hóa như giá dầu tăng cao và những ảnh hưởng đối với quá trình lưu chuyển hàng hóa quốc tế), trong khi giá hàng hóa trong nước lại không tăng do cầu vẫn thấp hơn cung.
Tuy nhiên, nếu cầu tăng lên thì tới một lúc nào đó rủi ro lạm phát đối với hàng hoá trong nước sẽ xuất hiện và điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải kiểm soát lạm phát một cách thận trọng hơn so với hai năm qua.
Một vấn đề nữa cũng quan trọng không kém là việc làm sao để thực hiện hiệu quả các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong giai đoạn tới.
Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, chuyên gia Morisset chỉ ra 3 động lực tăng trưởng mới. Đầu tiên là động lực tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các quốc gia trên thế giới và vào nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vì 80% doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam đều là doanh nghiệp có vốn FDI.
Lâu nay, với chi phí lao động thấp và truyền thống làm việc chăm chỉ, Việt Nam luôn có một sức hút lớn đối với các nhà đầu tư FDI. Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 cũng đã gián tiếp khiến Việt Nam trở thành một trong những điểm đến đáng tin cậy của nhiều doanh nghiệp lớn với mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Bởi vậy có thể nói Việt Nam đang tận dụng tốt xu hướng đa dạng hóa này để tiếp tục nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình.
Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ kinh tế xanh. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu song Việt Nam cũng có thể tận dụng chính cơ hội này.
Năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã triển khai trợ giá cho năng lượng mặt trời và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng mặt trời, và khu vực tư nhân Việt Nam cũng phản hồi rất tích cực.
Điều này được thể hiện thông qua việc tổng mức đầu tư của Việt Nam vào năng lượng mặt trời trong giai đoạn tháng 1-8/2020 cao hơn tổng mức đầu tư của toàn bộ các quốc gia ASEAN hay toàn bộ châu Phi. Điều này cho thấy sự năng động của khu vực tư nhân ở Việt Nam.
Động lực tăng trưởng thứ ba là nhu cầu trong nước. Khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao hơn và có tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, nhu cầu trong nước sẽ được thúc đẩy. Chuyên gia Morisset tin rằng yếu tố này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế.
[Quảng cáo]