Tuy nhiên, việc phát triển và sử dụng vật liệu không nung trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, cần nhiều giải pháp để tháo gỡ.
Vật liệu xây không nung là loại vật liệu dùng trong xây dựng bao gồm gạch, các tấm pa-nen, thạch cao… Theo tính toán thực tế của các nhà thầu xây dựng, việc sản xuất và sử dụng vật liệu không nung, từng bước thay thế gạch đất sét nung có nhiều lợi ích. Ông Nguyễn Nam Phương - Giám đốc Công ty Xây dựng Nam San tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận xét, gạch không nung giúp tiết kiệm được tài nguyên đất nông nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu; góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm lượng phát sinh khí thải cacbon gây hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh đó việc sử dụng gạch không nung còn tiết kiệm nhân công, vật liệu, giảm giá thành cho các công trình; sử dụng 1m2 gạch không nung so với 1m2 gạch nung kiểu truyền thống giá thành giảm từ 20 đến 30%; cường độ chịu lực cao hơn; nhà ở mát mẻ hơn,...
Thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng, về vật liệu xây không nung, Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt quy hoạch Phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Bà Rịa - Vũng Tàu hướng đến việc sản xuất các loại vật liệu xây dựng có nguồn nguyên liệu tại chỗ như gạch không nung, ngói nung, cát đá xây dựng, bê tông để đáp ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Quy hoạch ưu tiên và khuyến khích phát triển các công nghệ sạch, công nghệ làm giảm ô nhiễm môi trường, các công nghệ có sử dụng phế thải, phế liệu của các ngành công nghiệp khác để giảm ô nhiễm môi trường.
Hiện Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 5 doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung, với công suất khoảng 200 triệu viên/năm. Tính đến cuối năm 2014, tổng giá trị các doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung đạt khoảng 6.100 tỷ đồng, trong đó, gần 1.200 tỷ đồng sản xuất gạch nhẹ.
Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ông Lê Ninh Trang, Trưởng phòng Giám định Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: Vật liệu sét nung đối với thị trường Việt Nam đã có hàng trăm năm, thói quen sử dụng có từ người dân, từ nhà đầu tư. Nay chuyển thói quen đó sang dùng vật liệu mới phải có lộ trình nhất định, vì muốn làm điều này bắt đầu phải từ chính sách, đến điều kiện của nhà kinh doanh, rồi thói quen sử dụng của người dân, kể cả người thi công phải thay đổi thao tác, rồi doanh nghiệp phải xây dựng thị trường. Một khó khăn nữa là việc nhiều chủ đầu tư dự án còn lúng túng trong việc đưa vật liệu này vào công trình xây dựng. Điều này khiến các nhà đầu tư không mặn mà bỏ vốn sản xuất vật liệu không nung.
Để phát triển và đẩy mạnh tiêu thụ sản xuất vật liệu xây không nung, ông Nguyễn Thế Thường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thành Chí ở xã Châu Pha, huyện Tân Thành cho rằng, đối với nhà sản xuất vật liệu không nung, Nhà nước nên khuyến khích về điều kiện đầu tư, về vốn vay có ưu đãi, bước đầu giảm các loại thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất. Hơn nữa, cần quy định theo lộ trình đến năm nào phải tuân thủ triệt để. Hiện nay một số gạch không nung sản xuất ra để làm quen theo lộ trình cho người tiêu dùng, nhưng trong tiêu chuẩn vật liệu xây dựng chưa có, đề nghị Nhà nước nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn vật liệu xây không nung, để đưa vào dự toán, từ đó mới quyết toán được công trình. Ông Phạm Văn Triêm - Chủ tịch HĐQT Tân Phước Thịnh thẳng thắn, Nhà nước nên có chính sách rõ ràng, có chế tài buộc tất cả các công trình phải xây bằng loại vật liệu này, bởi nó rất tốt lại bảo vệ môi trường cũng như giảm giá thành cho công trình. Cùng với đó, Nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp về vốn (vay với lãi xuất ưu đãi), vì nguồn vốn đầu tư cho các nhà máy rất lớn… để khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng giá có thể giảm đến 50% so với gạch nung truyền thống.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ loại vật liệu này, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi thẩm tra, thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình; thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng phải bảo đảm việc sử dụng vật liệu xây không nung theo đúng các quy định hiện hành, xem đây là yêu cầu bắt buộc. Theo đó, các công trình xây dựng mới từ 9 tầng trở lên trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu phải sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây dựng không nung đến hết năm 2015 và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50%.
Tin tưởng rằng, với những giải pháp mà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tích cực triển khai, vật liệu xây không nung sẽ dần thay thế các loại vật liệu nung ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.