Bác bỏ thông tin "Cơ quan thuế có quyền truy cập vào tài khoản cá nhân để truy thu thuế"

Cơ quan thuế không có quyền truy cập tài khoản ngân hàng của cá nhân để truy thu thuế.

Thời gian qua trên mạng xã hội lan truyền thông tin “Từ ngày 1/1/2025 cơ quan thuế có quyền truy cập vào mọi tài khoản cá nhân để truy thu thuế về thương mại điện tử”.

Trước thông tin gây xôn xao dư luận, Tổng cục Thuế đã khẳng định đây là thông tin không chính xác.

Bác bỏ thông tin "Cơ quan thuế có quyền truy cập vào tài khoản cá nhân để truy thu thuế"
Thông tin cơ quan thuế có quyền truy cập vào mọi tài khoản cá nhân để truy thu thuế về thương mại điện tử là giả mạo

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, tất cả cá nhân nếu có phát sinh hoạt động kinh doanh thì đều có trách nhiệm tự kê khai, tự nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thuế, trong đó bao gồm hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Như vậy, theo quy định trên và Nghị định 126/2020/NĐ-CP, cơ quan thuế chỉ có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan bao gồm: Sàn giao dịch thương mại điện tử, Ngân hàng thương mại, Đơn vị vận chuyển…cung cấp các thông tin liên quan phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp của người nộp thuế và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Cơ quan thuế không có quyền truy cập tài khoản ngân hàng của cá nhân để truy thu thuế.
Theo quy định, người bán hàng online sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm

Tổng cục Thuế giải thích thêm, theo quy định về pháp luật quản lý thuế hiện hành, cá nhân kinh doanh nếu có phát sinh doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Số thuế phải nộp được xác định theo tỷ lệ % trên doanh thu. Tỷ lệ % (thuế suất) áp dụng đối với cá nhân kinh doanh theo lĩnh vực ngành nghề quy định tại biểu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/06/2021 của Bộ Tài chính.

Theo đó, cá nhân bán hàng online nộp thuế TNCN với thuế suất 0,5%, thuế GTGT với thuế suất 1%; cá nhân có thu nhập từ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số, dịch vụ khác nộp thuế TNCN với thuế suất 2%, thuế GTGT với thuế suất 5%...

Trên cơ sở thông tin thu thập được từ nhiều nguồn, cơ quan thuế thực hiện rà soát, đối chiếu thông tin người nộp thuế đã kê khai để xác định những người không thực hiện việc khai, nộp thuế hoặc khai không đầy đủ số thuế phải nộp và thực hiện xử lý truy thu, xử phạt theo quy định.

Cơ quan thuế không có quyền truy cập tài khoản ngân hàng của cá nhân để truy thu thuế.
Người dân tải ứng dụng eTax của ngành thuế để khai, tra cứu thông tin nộp thu

Theo dữ liệu từ 439 sàn cung cấp cho cơ quan thuế, hiện nay cả nước có gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỷ đồng. Thu thuế từ lĩnh vực này liên tục tăng trong 3 năm qua. Cụ thể, số thu năm 2024 khoảng 116.000 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 83.000 - 97.000 tỷ đồng ghi nhận trong hai năm trước đó.

Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với 2023.

Ngoài các cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử, cơ quan thuế cũng siết quản lý thu thuế từ các nhà cung cấp nước ngoài. Hiện có 123 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử.

Lũy kế từ tháng 3/2022 - thời điểm cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... giữ khoảng 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.

Ngọc Châm