Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vào ngày 17/2/2022. Theo đó, định hướng phát triển đô thị của tỉnh Bắc Giang đến năm 2025 gắn với chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính là: Hiện toàn tỉnh có 17 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II (TP Bắc Giang mở rộng), 2 đô thị loại IV là thị xã (thị xã Việt Yên, thị xã Chũ), 3 đô thị loại IV là thị trấn (thị trấn Thắng, thị trấn Đồi Ngô và thị trấn Vôi) và 11 thị trấn là đô thị loại V gồm 7 đô thị hiện có (Cao Thượng, Nhã Nam, Bố Hạ, Cầu Gồ, Kép, Tây Yên Tử, An Châu) và 4 đô thị thành lập mới (Phương Sơn, Bắc Lý, Biển Động, Phì Điền).
Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 32,4%, đồng thời mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang (sáp nhập huyện Yên Dũng với TP Bắc Giang); điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn; thành lập thị xã Việt Yên, thị xã Chũ.
Để thực hiện định hướng đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 233-NQ/TU ngày 25/7/2022 về chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 51-KH/TU ngày 5/4/2022 thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bắc Giang luôn coi phát triển đô thị là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị. Chú trọng phương pháp quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, có tầm nhìn dài hạn, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển.
Để đưa tỉnh Bắc Giang trở thành một tỉnh phát triển đô thị đồng bộ,với mục tiêu lâu dài, bền vững. UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án, chương trình phát triển đô thị. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung làm tốt việc khảo sát, đánh giá thực trạng, các tiêu chí, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, tiêu chuẩn đô thị, cơ cấu dân cư, địa hình thổ nhưỡng, phong tục, tập quán, văn hóa tại các vùng, khu vực để xây dựng đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và phát triển đô thị đúng hướng.
Nhằm thu hút các nguồn lực từ doanh nghiệp, nhân dân và các nguồn khác vào đầu tư xây dựng hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị.
Đồng thời, tỉnh giao Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh về việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch cho phù hợp thực tiễn, tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, khuyến khích xã hội hóa công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị; trong đó tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như phát triển nhà ở, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, khu đô thị, cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Từ đó thu hút chuyển dịch dân cư lao động từ nông thôn ra thành thị, tạo gia tăng tỷ lệ đô thị hóa, phát triển đô thị phải theo quy hoạch, kế hoạch, lộ trình, có trọng tâm trọng điểm, ưu tiên phát triển ở những khu vực có điều kiện thuận lợi về giao thông, vùng tập trung nhiều dịch vụ thương mại, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, văn hóa - thể thao, vui chơi giải trí, công nghiệp kỹ thuật cao, logistic như TP Bắc Giang và các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam…
Đặc biệt là chú trọng vào đầu tư phát triển theo chiều sâu; phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo các điểm nhấn, tiến tới xây dựng các đô thị xanh, thông minh.
Cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ việc phát triển tại khu vực đô thị mở rộng (hiện trạng là đất nông thôn) bảo đảm theo quy hoạch, kế hoạch, hiệu quả. Phát triển đô thị chú trọng vấn đề xây dựng nông thôn mới phù hợp với quá trình đô thị hóa, đô thị tạo hạt nhân cho phát triển nông thôn và nông thôn hỗ trợ cho phát triển đô thị. Trong đó, quan tâm phát triển các đô thị loại V để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết giữa thành thị - nông thôn (dân cư, văn hóa, môi trường, lao động, lương thực,...).
Ngoài ra, để đạt mục tiêu, định hướng về phát triển đô thị theo hướng mở rộng bền vững, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng KT-XH ngày càng đồng bộ, hiệu quả; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao, thì cũng cần phải đổi mới tư duy, năng lực quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ quản lý đô thị các cấp và tư duy, nhận thức của người dân (vốn đang sống ở nông thôn) để phù hợp với môi trường sống đô thị.