Để vũ khí này ngày càng thêm sắc bén, Bác luôn đề cao sự “chân thực” nhằm tạo nên một tiếng nói có uy tín, thu phục được mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia.
Tác phẩm đầu tay ‘Bản án chế độ Thực dân Pháp”, với 12 chương, trong đó có 11 chương tố cáo những tội ác của Thực dân Pháp tại Đông Dương và các thuộc địa khác của Pháp, Tác phẩm đã làm trùm mật thám, Toàn quyền Đông Dương hay Bộ trưởng Bộ Thuộc địa của Pháp phải tâm phục khẩu phục, khi những câu chuyện được Bác thu thập từ thực tế, từ thông tin của hệ thống báo chí đương thời đã được chế độ kiểm duyệt gắt gao của Thực dân Pháp cho phép xuất bản, và từ chính những tài liệu công khai của nhà cầm quyền Pháp.
Sự chân thực, tính chính xác của những câu chuyện có thể kiểm chứng được đã làm cho các bài báo trong “Bản án chế độ Thực dân Pháp” có sức lay động, thức tỉnh người dân thuộc địa, làm rung động cả hệ thống cầm quyền các cấp ở Đông Dương và chính quốc, nhưng chúng cũng không thể bắt bẻ hay khép tội Người được.
Tiếp tục trên đại lộ “chân thực”, người thầy của nền báo chí cách mạng nước ta đã rèn rũa đội ngũ báo chí nước nhà, đặt những viên gạch đầu tiên định hình quan điểm, phong cách cho báo chí cách mạng nước ta. Trong 7 điều Bác căn dặn các nhà báo, thì điều đầu tiên là “viết phải có căn cứ”.
Người giải thích rõ hơn: “Nhà báo viết phải chân thực - chân thực là sức mạnh vì nó có lòng tin. Mỗi bài viết của phóng viên phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc. Bài viết phải đem lại cho người đọc lượng thông tin cao và chính xác. Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra, không nói ẩu, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”.
Khi giữ trọng trách cao nhất của Đảng và Nhà nước, Bác vẫn không ngừng quan tâm, chăm lo cho đội ngũ làm báo nước ta. Xem Báo ảnh Việt Nam số 7/1965, thấy có bài “Càng leo cao càng ngã đau”. Bác góp ý ngay: "Báo chí viết phải thật chính xác. Ai leo cao? Ai ngã đau?”. Khi xem tranh áp - phích đăng ở bìa 4 Báo ảnh Việt Nam số 4/1968 với nội dung “Hà Nội chào mừng Huế, Sài Gòn”, Bác phê bình: “Tranh vẽ như thế không đúng! Tại sao trong ba cô gái, cô gái Hà Nội lại to hơn và nổi bật hơn hai cô kia?”.
Với nhà báo Hồ Chí Minh, sự chân thật không chỉ là ghi nhận chính xác các chi tiết, sự kiện, mà còn là con mắt, cách nhìn nhận, sự nhạy cảm của nhà báo trước các vấn đề của xã hội, đất nước, mà Bác nêu rõ cần phải “không bôi đen, không tô hồng” sự thật. Đã có lần Bác phê bình báo chí: “Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích, mà ít nói hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta...”.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, khi mọi người đều có thể sản xuất và “xuất bản” thông tin trên mạng xã hội, thì nền tảng “chân thực” của báo chí mà Bác Hồ dày công xây dựng, đã trở thành điểm sáng, ghi dấu trong lòng bạn đọc. Khi cần một thông tin có thể xác thực, có thể kiểm chứng, mọi người sẽ tìm đến báo chí như một kênh thông tin đáng tin cậy nhất.