Chương trình đã tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn, người dân là chủ thể triển khai và trực tiếp thụ hưởng Chương trình với phương châm xây dựng nông thôn mới: Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi; phát huy tinh thần sáng tạo và động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, khơi dậy tinh thần đoàn kết của nhân dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, khuyến khích làm giàu chính đáng.
Do Bắc Kạn có địa hình phức tạp, chia cắt, mật độ dân số thưa, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 85% nên việc tổ chức tuyên truyền khó khăn, chưa rộng khắp. Trình độ dân trí không đồng đều, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nhất là vùng sâu, vùng xa nên việc người dân tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng thể, liên quan đến nhiều nội dung, nhiều vấn đề nên công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn.
Thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Kạn có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 19 xã so với năm 2015); bình quân cả tỉnh đạt 11,84 tiêu chí/xã (tăng 3,86 tiêu chí so với năm 2015); người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới đã nhiệt tình tham gia; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, an ninh nông thôn được bảo đảm, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị tạo sự chủ động, sáng tạo, vươn lên phát triển kinh tế của người dân và các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình. Các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP tăng doanh thu từ 1,1 lần-2 lần so với khi chưa tham gia Chương trình. Một số huyện như Bạch Thông, Na Rì, Chợ Đồn, thành phố Bắc Kạn có xã đạt chuẩn nông thôn mới và bình quân tiêu chí/xã đạt khá cao.
Từ chủ trương phân công các sở, ngành, đơn vị giúp đỡ các xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời phát động phong trào “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đến nay, các cơ quan, đơn vị của Bắc Kạn đã cụ thể hóa phong trào bằng những chương trình, kế hoạch, việc làm phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, địa phương.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới một cách thiết thực, hiệu quả thông qua các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “5 không 3 sạch”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn hóa”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo”; “Cựu chiến binh thi đua làm kinh tế giỏi”; “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, xây dựng công trình “Thắp sáng đường quê”, “Tuổi trẻ Bắc Kạn chung tay xây dựng nông thôn mới”…
Trong suốt thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã huy động tối đa nguồn lực, dồn sức cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn lực từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, vốn doanh nghiệp, vốn huy động từ người dân và cộng đồng... đạt khoảng 9.722 tỷ đồng.
Kết quả xây dựng nông thôn mới mặc dù có những chuyển biến tích cực nhưng nhiều địa phương, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn, xã thuộc huyện nghèo việc triển khai nông thôn mới còn hạn chế, có sự chênh lệch. Nhu cầu xây dựng nông thôn mới của các xã trong tỉnh là rất lớn, đặc biệt là xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tuy nhiên khả năng huy động nguồn lực còn hạn chế, ngân sách của tỉnh hạn hẹp chủ yếu trông chờ từ Trung ương nên cũng ảnh hưởng phần nào đến việc hoàn thành mục tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn.
Trong những năm tiếp theo, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, điều hành và nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo công tác xây dựng nông thôn mới trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 81 thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Trong giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu có 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 174 thôn đạt chuẩn nông thôn mới; Số tiêu chí nông thôn mới bình quân/xã đạt từ 13 tiêu chí nông thôn mới trở lên, không còn xã dưới 10 tiêu chí.
Thời gian qua, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã thu được kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh có 105 sản phẩm đạt 3 sao trở lên (97 sản phẩm 3 sao; 8 sản phẩm 4 sao), vượt so với mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2018-2020 là 105/40 sản phẩm đạt 262,5 % kế hoạch và đã hoàn thành mục tiêu trước 01 năm so với mục tiêu chung của Chương trình xây dựng 03 điểm bán các sản phẩm OCOP trong tỉnh, kết nối với các điểm bán ngoài tỉnh để giới thiệu và tiệu thụ sản phẩm. Tổ chức thành công các hoạt động văn hóa, ẩm thực, quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm nông sản OCOP tỉnh Bắc Kạn nhân dịp 30/4 và 01/5 năm 2019. Xây dựng khẩu hiệu tuyên truyền về chương trình OCOP với các nội dung cụ thể như: “Cùng nhau hướng tới OCOP sản phẩm được truy xuất nguồn gốc và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”;“OCOP hướng đi góp phần xây dựng nông thôn mới giàu, đẹp, văn minh”.
Tổ chức Hội nghị tuyên truyền tại các huyện, thành phố về nội dung của chương trình OCOP qua đó nâng cao năng lực cho cán bộ cấp huyện, thành phố, cấp xã phường, thị trấn trong quá triển khai thực hiện đồng thời hướng dẫn các chủ thể kinh tế đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2019; tổ chức 22 buổi tuyên truyền chuyên đề về an toàn vệ sinh thực phẩm cho 1.300 người tham dự; tổ chức 02 cuộc thi về an toàn thực phẩm tại các huyện: Chợ Mới, Chợ Đồn.
Xây dựng 10 video clip tuyên tuyền, giới thiệu sản phẩm OCOP tiêu biểu của các huyện, thành phố để cấp cho 10 tổ chức kinh tế phục vụ công tác quảng bá sản phẩm của đơn vị. Tuyên truyền, hỗ trợ 30 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh xây dựng được web side giới thiệu về hoạt động sản xuất, quảng bá sản phẩm của đơn vị.
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức diễn đàn “Kết nối phụ nữ khởi nghiệp OCOP” năm Hội Nông dân tỉnh có các hoạt động tuyên truyền các Hội viên, tổ hợp tác, Hợp tác xã…về nội dung, ý nghĩa và hướng dẫn tham gia Chương trình OCOP.