Backlog từ mỏ Lạc Đà Vàng cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) có thể đạt hơn 280 triệu USD

Việc giành được hợp đồng tổng thầu EPCIC tại mỏ Lạc Đà Vang được kỳ vọng sẽ đem về lượng backlog trị giá hơn 280 triệu USD cho Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS).

Backlog từ mỏ Lạc Đà Vàng có thể đạt hơn 280 triệu USD

Vừa qua, Công ty TNHH Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) - công ty con do Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX) nắm 100% vốn đã giành được hợp đồng Tổng thầu EPCIC cho dự án phát triển mỏ dầu Lạc Đà Vàng ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam.

Mặc dù thông tin chi tiết về hợp đồng trên chưa được công bố, theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán KB Securities Vietnam (KBSV), tổng giá trị backlog thuộc về Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí từ dự án phát triển mỏ Lạc Đà Vàng sẽ ở khoảng 283 triệu USD. Theo Murphy Oil, chủ đầu tư dự án mỏ Lạc Đà Vàng, quy mô đầu tư vào dự án mỏ này là khoảng 693 triệu USD.

Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí
Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí được đánh giá hưởng lợi lớn khi các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong nước đang tăng tốc trở lại sau thời gian dài ảm đạm.

Về tiến độ triển khai các gói thầu liên quan đến chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn, trong quý 1/2024, chuỗi dự án này đã đạt được một số bước tiến khi nhà đầu tư Mitsui Oil Exploration Co., Ltd. (MOECO) đã đưa ra Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) với Dự án khai thác khí Lô B. Đồng thời, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cũng đã ký kết được các thỏa thuận nền tảng bao gồm GSPA (thỏa thuận mua bán khí giữa thượng nguồn và trung nguồn); GTA (thỏa thuận vận chuyển khí); GSA (thỏa thuận bán khí) cho riêng Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1 (chuyển đổi nguyên liệu đầu vào từ dầu sang khí).

Các hợp đồng vẫn còn vướng mắc khiến FID cho dự án đến chậm hơn so với kỳ vọng bao gồm: GSA cho Ô Môn 2,3,4 và PPA (hợp đồng mua bán điện) với Tập đoàn Điện lực (EVN) cho 4 nhà máy Ô Môn 1,2,3,4. Trong đó, theo đánh giá của KBSV, hợp đồng PPA là vấn đề vướng mắc lớn nhất.

Để tháo gỡ các vướng mắc, giúp chủ đầu tư và EVN có thể ký kết hợp đồng PPA làm cơ sở triển khai dự án, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đang chủ trì nghiên cứu, báo cáo Bộ Công Thương xem xét ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 45/2018/TT-BCT ban hành ngày 15/11/2018 (Thông tư sửa đổi), đồng thời Bộ Công Thương cũng đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí.

Theo đánh giá hiện nay của một số hãng chứng khoán, trong trường hợp FID cho cả chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn tiếp tục chậm trễ, triển vọng kinh doanh của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí vẫn tiếp tục ở mức tích cực và tổng công ty có thể tiếp tục triển khai các gói thầu có liên quan nhờ vào các thỏa thuận bổ sung có thể được ký kết sau khi hết hạn trao thầu hạn chế (LLOA) vào cuối quý 2/2024.

KBSV hiện dự báo giá trị backlog của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí liên quan đến dự án lô B trong giai đoạn 2024 - 2028 có thể đạt đến 1,55 tỷ USD.

Kỳ vọng mảng điện gió ngoài khơi và cho thuê FSO/FPSO tăng tốc

Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí
Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang sở hữu kho bãi và cầu cảng phục vụ việc gia công, chế tạo chi tiết cho các dự án điện gió ngoài khơi với quy mô lớn nhất trong khu vực.

Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cũng đã hoàn thành công việc cho dự án điện gió ngoài khơi Hải Long 2&3 tại Đài Loan (Trung Quốc) do Tập đoàn Ørsted (Đan Mạch) làm chủ đầu tư. Theo KBSV, ước tính lượng backlog còn lại cho các dự án điện gió ngoài khơi đã ký kết đạt khoảng 520 triệu USD.

Đáng chú ý, Tập đoàn Ørsted đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu đầu tư cho các đại dự án Xu Feng 1,2,3 và Wo Neng 1,2 tại Đài Loan với tổng giá trị đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD. Với lợi thế cạnh tranh trong mảng xây lắp điện gió ngoài khơi tại Đông Nam Á, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí được kỳ vọng có thể giành được thêm các hợp đồng với giá trị khoảng 1,2 tỷ USD trong giai đoạn 2024 - 2028, theo dự phóng của KBSV.

Giá cổ phiếu PVS Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Maybank Investment: Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) có thể trúng thầu 2 hợp đồng FSO" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tập đoàn Ørsted hiện cũng là khách hàng lớn nhất trong mảng cơ khí & xây dựng (M&C) cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí. Theo chia sẻ mới đây của ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, trong thời gian vừa qua, tổng công ty đã tham gia chào thầu và dự kiến đạt được kết quả khả quan đối với các dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi.

Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí vừa qua đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm mở rộng diện tích bãi chế tạo tại khu vực Cảng Hạ lưu Vũng Tàu - nơi thực hiện gia công sản xuất chi tiết cho các dự án điện gió ngoài khơi. Hiện Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang sở hữu hệ thống nhà xưởng có diện tích lên đến hơn 200 ha, trang thiết bị đồng bộ, cùng cầu cảng dài 1.000 m lớn nhất trong khu vực.

Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh chính với Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí tại khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia không có bãi cảng phù hợp, còn Thái Lan có bãi cảng nhưng quy mô nhỏ hơn đáng kể so với Việt Nam. Đồng thời, uy tín và năng lực của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã được khẳng định qua nhiều dự án xây lắp công trình dầu khí quy mô lớn.

Động lực tăng trưởng kết quả kinh doanh của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí thời gian tới còn đến từ việc nhu cầu thuê kho chứa dầu nổi FSO/FPSO khi hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trên toàn cầu lẫn trong nước đang tăng tốc.

Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông tới đây, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ trình kế hoạch góp vốn đầu tư vào các FSO/FPSO phục vụ cho dự án Lạc Đà Vàng và Lô B với tổng giá trị phần góp đạt khoảng 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2024 - 2030.

Duy Quang