Bài 1: Kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương vấn đề nổi bật trong xu thế toàn cầu
Nhờ những nỗ lực, cố gắng, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, năm 2011 nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong tăng trưởng, ổn định vĩ mô, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao vị thế quốc tế. (Vũ Văn Ninh 2011)
Nhìn tổng thể, kinh tế cả nước vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng; GDP cả năm đạt gần 5,9 % (Xếp thứ tư khu vực và hàng 28 thế giới); các ngành kinh tế chủ yếu tiếp tục đà phục hồi. Xuất nhập khẩu đạt kết quả vượt trội với tổng kim ngạch qua ngưỡng 200 tỉ USD (bằng 170% GDP cả nước); riêng hàng hóa xuất khẩu đạt 96 tỉ USD (tăng 33%). Nhờ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu (25%), tỉ lệ nhập siêu giảm xuống còn 10,5%, là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Một chiều hướng mới xuất hiện là tổng vốn đầu tư xã hội so với GDP đã từ trên 41,1% giảm xuống còn 34%. Thu ngân sách vượt 13,4% so với dự toán; bội chi ngân sách 4,9%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2% và tạo thêm 1,6 triệu việc làm.(Vũ Văn Ninh 2011, Cao Viết Sinh 2011).
Mặc dù có những kết quả khả quan; song tại Hội nghị với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cuối tháng 12 năm 2011; lãnh đạo Chính phủ vẫn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế lớn trên các mặt
(i) Mức tăng giá CPI quá cao (so với năm 2010 tăng trên 18%; vượt gần 2,6 lần chỉ tiêu Quốc hội đề ra);
(ii) Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chưa hiệu quả; mặt bằng lãi suất còn cao (huy động 14%, cho vay 18-20%), khả năng tiếp cận vốn tín dụng hạn chế, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ;
(iii) Tăng trưởng chưa bền vững, cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, chất lượng tăng trưởng chưa cao, chủ yếu phụ thuộc vào vốn đầu tư; hiệu quả đầu tư thấp; còn nhiều vấn đề xã hội gây bức xúc.
Phân tích thực trạng đất nước, các nhà nghiên cứu cho rằng; nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng GDP tuy duy trì tương đối cao nhưng có xu hướng giảm dần. Động thái tăng trưởng cùng với gia tăng đầu tư và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong vòng 20 năm qua đã thể hiện sự phát triển thiếu bền vững và những bất hợp lý trong cơ cấu của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, lạm phát luôn cao hơn nhiều so với bình quân của các nước khu vực và kinh tế thế giới. Những cân đối vĩ mô (thâm hụt cán cân vãng lại, thâm hụt tài khóa, chênh lệch tiết kiệm trong nước và đầu tư xã hội, dữ trự ngoại tệ quốc gia...) chưa vững chắc tồn tại nhiều năm. Bước vào năm 2011, những biến động bất lợi của nền kinh tế thế giới, nhất là giá dầu, nguyên liệu và giá lương thực đã làm tình hình kinh tế trong nước và cuộc sống của đa số người dân càng trở nên khó khăn hơn (Cao Viết Sinh 2011)
Tình thế khó khăn của nền kinh tế là kết quả tích hợp tồn tại kéo dài nhiều năm, được bộc lộ rõ nét kể từ khi gia nhập WTO. Mặc dù có sự gia tăng đột biến của đầu tư nước ngoài và hoạt động ngoại thương, song tốc độ tăng trưởng GDP lại liên tục sút giảm. Phân tích quan hệ tăng trưởng GDP, đầu tư và chỉ số gia tăng giá cả (CPI) kể từ năm 1996 đến nay cho thấy, nếu giai đoạn 1996-2000 mức tăng vốn đầu tư bình quân hàng năm 11,5%, thì 5 năm sau đó lên 14,1% và những năm 2006-2010 đạt trên 15,4%. Cho dù đầu tư ngày một lớn, nhưng nhịp độ tăng trưởng GDP lại có chiều hướng sụt giảm (bình quân từ trên 7,51%/năm những năm 2000-2005 xuống 7,02 % ở giai đoạn 5 năm sau).Tương quan này thể hiện một nghịch lý đáng lo ngại trong xu thế tăng trưởng GDP dựa mạnh vào tăng vốn đầu tư, hệ lụy dẫn đến là hiệu quả đầu tư thấp, lạm phát và bất ổn tăng nhanh (Trần Đình Thiên 2011).
Thực tế lạm phát và bất ổn định vĩ mô nhiều năm cho thấy, trong bản thân cơ cấu nền kinh tế còn tồn tại nhiều bất cập; cách tiếp cận ngắn hạn, nặng về hành chính và đối phó với tình thế chưa phải là cách xử lý triệt để cội nguồn của tình trạng lạm phát, phân bổ nguồn lực không hợp lý và quản lý kém hiệu quả. Nhiều nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách có chung nhận xét, các yếu tố của mô hình tăng trưởng theo chiều rộng đã đến mức tới hạn; động lực tăng trưởng phụ thuộc vào gia tăng vốn đầu tư, số lượng lao động đã yếu và đang giảm dần. Trong khi dư địa và động lực tăng trưởng theo chiều rộng giảm và yếu dần, thì động lực tăng trưởng theo chiều sâu (năng suất và hiệu quả sử dụng nguồn lực) chưa được cải thiện để bù đắp; hệ lụy dẫn đến là, tiềm năng tăng trưởng kinh tế giảm và bản thân nền kinh tế tự nó không còn khả năng duy trì tăng trưởng cao như những năm trước.
Cùng với duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng theo chiều rộng; chủ trương, chính sách và cách thức quản lý, điều hành nền kinh tế ở các cấp, các ngành chưa thay đổi kịp thời; chậm khắc phục các điểm nghẽn kìm hãm gia tăng năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và nhất là của các doanh nghiệp. Gia tăng vốn đầu tư với chính sách tài khoá và tiền tệ mở rộng liên tục nhiều năm được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô trong những năm qua (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - 2011).
TS Vũ Thành Tự Anh, thuộc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nhận xét; cấu trúc lưỡng thể của nền kinh tế Việt Nam không bền vững vì nó vi phạm nguyên tắc cơ bản nhất của phân bổ nguồn lực. Theo ông, tính lưỡng thể này biểu hiện rõ trong khu vực có tính hội nhập mang tính cạnh tranh quốc tế (gồm các doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp, nông lâm thủy sản xuất khẩu) và khu vực thứ 2 phụ thuộc vào bảo hộ, kém cạnh tranh và thâm dụng nhập khẩu (chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước). Tính lưỡng thể trong nền kinh tế dẫn đến không nhất quán, thậm chí xung đột chính sách, khiến nguồn lực khan hiếm không được dùng vào khu vực có hiệu quả nhất, dẫn đến mất cân đối nghiêm trọng ở một số lĩnh vực và bất ổn vĩ mô.
Rõ ràng là, khu vực được bảo hộ là doanh nghiệp nhà nước đã được đầu tư nhiều nhưng kém hiệu quả đã tăng thêm gánh nặng nợ nần. Mặt khác, không tạo thêm được việc làm và đóng góp vào tăng trưởng sản xuất, GDP giảm thấp đã dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội và kết quả tất yếu là làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát. Thực tế khó khăn và những mất cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế sau khi gia nhập WTO đã tạo sự đồng thuận rộng rãi về nhu cầu cấp thiết phải cải cách cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Tháng 10 năm 2011, Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã quyết định, tập trung ưu tiên tái cơ cấu 3 lĩnh vực quan trọng nhất. Đó là, tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác.
Tái cơ cấu kinh tế là nhiệm vụ to lớn, khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ ở tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và có thể phải kéo dài nhiều năm trên nguyên tắc thực hiện tăng trưởng hợp lý, bền vững và ưu tiên chất lượng. Tăng trưởng hợp lý, liên tục được coi là công cụ quan trọng để đạt mục tiêu kinh tế xã hội, chứ không phấn đấu vì mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá. Trong báo cáo tại kỳ họp Chính phủ mở rộng cuối tháng 12 năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh, tái cơ cấu đầu tư về bản chất đó là đổi mới căn bản cơ chế và cách thức huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư xã hội; giảm tỷ trọng đầu tư công đi đôi với tăng cường huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác.
Để tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, các nhà phân tích cho rằng, cần phải đổi mới tư duy và hành động chính sách một cách có hệ thống và toàn diện; đổi mới một cách cơ bản cơ chế, nâng cao hiệu lực thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp theo hướng tách chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước và chức năng giám sát độc quyền và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh của các cơ quan hành chính nhà nước.
Trong tái cơ cấu thị trường tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đến mục tiêu cũng cố, tiếp tục phát triển để đến năm 2020 hình thành được hệ thống tín dụng đa năng theo phương hướng hiện đại, hoạt động an toàn và hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về quy mô, sở hữu, loại hình, dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và quản trị tiên tiến phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng; có năng lực cạnh tranh cao hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính-ngân hàng của nền kinh tế.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á- Thái Bình Dương có chiều hướng giảm, nhưng các nước đang phát triển vẫn tạo được cơ hội cho xuất khầu và đầu tư. Tổ chức JETRO Nhật Bản nhận xét, cho dù chịu những tác động nặng nề của thiên tai, song năm 2011, dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng. Theo quan chức JETRO, doanh nghiệp Nhật Bản không bi quan về môi trường đầu tư mà rất quan tâm đến đầu tư vào thị trường Việt Nam (cuối tháng 11, đã có trên 272 dự án mới đổ vào Việt Nam; số này cao gấp 1,8 lần năm 2007, là năm có số dự án đầu tư cao nhất) (JETRO 2011).
Trong bối cảnh biến động toàn cầu và sự vươn lên của các nước khu vực, đối mặt với những khó khăn và mất cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế; đồng thuận rộng rãi về nhu cầu cải cách cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng ở nước ta đã tạo được sự nhất trí cao trong giới nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách quốc gia. Những khó khăn, hạn chế mang tính cơ cấu trong nền kinh tế là kết quả của quá trình tích lũy nhiều năm với việc duy trì tình trạng lưỡng thể trong hoạt động doanh nghiệp với những chính sách thiên vị, cạnh tranh thiếu bình đẳng mang lại lợi ích độc quyền cho một số nhóm lợi ích. Để tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng thành công, điều cần không phải là những biện pháp cải cách mang tính bề mặt khó mang lại hiệu quả và khu vực dân doanh vốn bị yếu thế khó vươn lên. Hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong tái cơ cấu nền kinh tế, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có thể vươn lên và nền kinh tế nước nhà sẽ vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển bền vững.
Tài liệu tham
1.Vũ Văn Ninh - Đề cương trình bày tại kỳ họp Chính phủ mở rộng tháng 12/2011;
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư 2011 - Định hướng tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Hà Nội, tháng 12 năm 2011;
3. Cao Viết Sinh - Một số định hướng về tái cơ cấu nền kinh tế (2011);
4.Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 23 tháng 12 năm 2011;
5. JETRO - Phát biểu trao đổi tại tọa đàm với các doanh nghiệp Aichi Nhật Bản. Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2011;
6.Trần Đình Thiên - Việt Nam 2012, áp lực thực tiễn và áp lực hành động. Hà Nội, 12/2011;
7.Vũ Thành Tự Anh 2011- Thoát khỏi tình trạng lưỡng thể;
8.Thế giới 2012 The Economist Vietnam CEO Corp. Nhà xuất bản Thông tấn 2011.
Bài 2: Việt Nam trong phát triển kinh tế khu vực, từ góc nhìn phân tích và quản lý
TCCT
Trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp; phục hồi kinh tế chậm với nguy cơ bất ổn vĩ mô, khủng hoảng nợ công cùng với giá dầu thô, lương thực, thực phẩm và các nguyên vật liệu cơ bản tiếp tục gia t