Hiệp hội gỗ và lâm sản dự tính, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ dự kiến trong các năm 2010, 2015 và 2020 sẽ lần lượt đạt ở con số 3 tỷ USD; 4,5 tỷ USD và 7 tỷ USD. Như vậy, từ nay đến năm 2020, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ 4 đến 5 triệu m3 gỗ.
Hiệp hội gỗ cũng cho biết, có thể thời gian tới, thị trường nguyên liệu gỗ cho Việt Nam sẽ bị thu hẹp bởi hiện nay, các nước xuất khẩu gỗ nguyên liệu đang xem xét lại chuỗi giá trị ngành gỗ. Do vậy, có nhiều khả năng thời gian tới, các nước này sẽ ban hành các chính sách giảm hoặc không xuất khẩu gCheỗ tròn và gỗ xẻ. Đây sẽ là một bất lợi lớn cho ngành chế biến đồ gỗ Việt Nam và đòi hỏi ngành phải sớm có những phương án để giảm dần sự phụ thuộc này.
Về xuất khẩu, hai tháng đầu năm 2010, xuất khẩu đồ gỗ đạt 619 triệu USD (tăng 59% so với cùng kỳ năm 2009). Theo đó, ngành gỗ trong nước đang có được những tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam trong năm 2010.
Từ năm 2010, Mỹ và EU đặt ra rất nhiều quy định nghiêm ngặt, đặc biệt là đạo luật Lacey của Mỹ (có hiệu lực từ 1/4/2010) đối với đồ gỗ nhập khẩu từ các thị trường, trong đó có một lượng không nhỏ từ Việt Nam.
Một trong những yêu cầu trong đạo luật Lacey của Mỹ là phải chứng minh được nguồn gỗ hợp pháp. Nhưng, để đảm bảo yêu cầu của các nước nhập khẩu, ngành công nghiệp gỗ nhất thiết phải sử dụng nguồn gỗ hợp pháp. Đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp gỗ Việt Nam. Muốn làm được điều này, các doanh nghiệp cần phải biết đầy đủ và chi tiết về nguồn gốc, xuất xứ, số lượng và chủng loại gỗ xuất khẩu hàng năm. Đồng thời phải nắm bắt rất rõ đơn đặt hàng theo mẫu mã thiết kế và thị trường tiêu thụ. Đây là một vấn đề tương đối phức tạp đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ có thể phải đối mặt với những vụ kiện phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) của các nhà sản xuất nội địa Mỹ. Được biết, Mỹ là thị trường chiếm nhiều thị phần nhất trong số ba thị trường xuất khẩu chính của đồ gỗ Việt Nam trong năm 2010, với 44% thị phần.
Trước tình hình này, các chuyên gia cho biết, một số biện pháp mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm là đa dạng hóa các thị trường để nhỡ bị kiện ở thị trường này thì không quá ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên tránh bán hàng với giá quá thấp, bởi vì điều này có thể khiến thị trường Mỹ cho rằng doanh nghiệp có những hoạt động kinh doanh không lành mạnh. Doanh nghiệp nên có một hệ thống sổ sách kế toán minh bạch để khi bị yêu cầu, có thể cung cấp kịp thời các số liệu rõ ràng cho phía điều tra.