Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 108/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2024 phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng diện tích khoảng 4.947,11 km2; phía Bắc giáp tỉnh Quảng Trị; phía Đông giáp Biển Đông; phía Nam giáp tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng; phía Tây giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Tính chất đô thị Thừa Thiên Huế
Thừa Thiên Huế là đô thị loại I, thành phố trực thuộc trung ương có yếu tố đặc thù; là đô thị phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cố đô, bản sắc văn hóa Huế; đô thị đặc sắc về sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh;
Thừa Thiên Huế là cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung về kinh tế biển, kinh tế du lịch, trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm du lịch quốc tế; trung tâm về phát triển công nghiệp và cảng biển của quốc gia; trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng; là địa bàn chiến lược về quốc phòng và an ninh khu vực miền Trung và cả nước.
Mục tiêu quy hoạch
Đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2030 Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc trung ương, đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.
Đến năm 2045 Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2065 xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Festival nằm trong nhóm dẫn đầu của hệ thống đô thị Việt Nam, phát triển mạnh về văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, hướng đến hội nhập với các đô thị nổi bật tầm cỡ châu Á và thế giới; có trình độ phát triển kinh tế cao trên cơ sở hệ thống hạ tầng giao thông liên hoàn, kết nối thuận lợi với quốc tế bằng đường bộ, đường thủy, đường không và đường sắt tốc độ cao; có nền sản xuất phát triển, hệ thống dịch vụ và logistics hiệu quả.
Định hướng phát triển không gian toàn đô thị
Về mô hình, cấu trúc không gian đô thị, đô thị Thừa Thiên Huế phát triển theo mô hình “Chuỗi đô thị theo hành lang kinh tế, hành lang giao thông kết hợp với các trung tâm động lực”. Các đô thị được phát triển đồng bộ, có vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.
Cấu trúc không gian đô thị Thừa Thiên Huế gồm “Một hệ thống di sản đồng bộ, Hai không gian sinh thái cảnh quan, Ba hành lang kinh tế, Ba trọng điểm phát triển đô thị và Bốn phân vùng quản lý phát triển”, phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó:
Một hệ thống di sản gồm: Các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh; các di sản khảo cổ học; các di sản chiến tranh cách mạng nổi bật là di sản gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế; các di sản đô thị, đô thị cổ và làng cổ, nhà vườn, các không gian văn hóa lễ hội đặc trưng...;
Hai không gian sinh thái cảnh quan gồm: Không gian sinh thái đồi, núi phía Tây tỉnh từ Bạch Mã đến Nam Đông, A Lưới, Phong Điền và không gian đầm phá Tam Giang - Cầu Hai kết hợp với vùng ven biển. Liên kết không gian ven biển và không gian đồi núi qua các hành lang cảnh quan chính của sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, hệ thống sông địa phương;
Ba hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với quốc lộ 1, cao tốc đường bộ và đường sắt Bắc - Nam; Hành lang kinh tế Đông - Tây với hệ thống cảng biển gắn với các cửa khẩu qua đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ (49, 49D, 49E, 49F); Hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy các liên kết về không gian nội vùng với tỉnh Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng qua hệ thống đường ven biển, quốc lộ 49B, đường sắt tốc độ cao;
Ba trọng điểm phát triển đô thị gồm: (1) Khu vực đô thị trung tâm gồm thành phố Huế hiện hữu và vùng mở rộng phía Hương Thủy, Hương Trà; (2) Đô thị cửa ngõ phía Nam tại Chân Mây; (3) Đô thị cửa ngõ phía Bắc tại Phong Điền. Các đô thị khác được gắn kết trong các vùng sinh thái với hệ thống hạ tầng đô thị hoàn chỉnh.
Bốn vùng quản lý phát triển gồm:
Vùng không gian đô thị trung tâm, bao gồm quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thuỷ, quận Hương Trà (Phân vùng A);
Vùng không gian phía Nam, bao gồm đô thị Chân Mây, huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc - Nam Đông (Phân vùng B);
Vùng không gian phía Bắc, bao gồm đô thị Phong Điền và huyện Quảng Điền (Phân vùng C);
Vùng không gian phía Tây là huyện A Lưới (Phân vùng D).
Quy hoạch các đơn vị hành chính đô thị
Từ nay đến năm 2025: Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương với 09 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 02 quận (trong đó thành phố Huế hiện hữu chia thành quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương), 03 thị xã (thị xã Hương Thủy hiện hữu, thị xã Hương Trà hiện hữu và thị xã Phong Điền thành lập mới) và 04 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông). Trong đó thị xã Phong Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà là các đô thị trực thuộc có vai trò để bảo tồn, hỗ trợ khu vực đô thị trung tâm, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.
Từ sau năm 2025 đến năm 2030: Thành phố trực thuộc trung ương với các đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 03 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy), 02 thị xã (Hương Trà, Phong Điền) và các huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới, huyện Phú Lộc - Nam Đông); đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại III để phát triển kinh tế, bảo tồn, hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.
Từ sau năm 2030 đến năm 2045: Thành phố trực thuộc trung ương với các đơn vị hành chính cấp huyện: 04 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà), 01 thành phố (Chân Mây), thị xã Phong Điền và các huyện; tập trung xây dựng thành phố Chân Mây trở thành đô thị mới, động lực phát triển kinh tế - xã hội sau năm 2030.
Từ sau năm 2045 đến năm 2065: Ổn định và nâng cao chất lượng đô thị với mô hình khu vực đô thị trung tâm gồm 04 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà); 01 thành phố (Chân Mây); các thị xã và các huyện.
Định hướng phát triển hệ thống đô thị
Khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng trên nền tảng thành phố Huế (khớp nối đồng bộ khu đô thị mới An Vân Dương) và thị xã Hương Thuỷ, thị xã Hương Trà hiện hữu. Diện tích khoảng 108.650 ha; dân số đến năm 2030 khoảng 850 nghìn người, đến năm 2045 khoảng 1.010 nghìn người;
Khu vực đô thị trung tâm là trung tâm di sản văn hóa thế giới với quần thể di tích cố đô Huế; trung tâm tổ chức Festival, dịch vụ, du lịch, thương mại, tài chính, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ cấp quốc gia và mang tầm quốc tế; trung tâm hành chính - chính trị toàn đô thị gắn với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, logistics; là khu vực đô thị hiện hữu mở rộng, trong đó đô thị Hương Trà, Hương Thủy được phát triển thành các quận phục vụ bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận;
Định hướng phát triển Khu vực đô thị trung tâm mở rộng không gian chủ yếu về phía biển, trục cảnh quan chính là sông Hương. Tổ chức không gian theo mô hình đa trung tâm với trung tâm di sản, văn hóa là Kinh thành Huế; trung tâm hành chính, chính trị toàn đô thị, khoa học công nghệ tại khu vực An Vân Dương; Trung tâm dịch vụ, du lịch, thương mại, tài chính, y tế, giáo dục tại khu vực phía Nam sông Hương; Trung tâm phát triển công nghiệp, vận tải, logistics tại Hương Thủy và Hương Trà. Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, giá trị văn hóa phi vật thể, kiến trúc các khu vực làng truyền thống; tổ chức không gian cho hoạt động, sự kiện văn hóa. Phát triển đô thị gắn kết hài hòa với khung thiên nhiên, khung cảnh quan đã được định hình như trục cảnh quan lịch sử (Kỳ đài - núi Ngự Bình, Kỳ đài - đàn Nam Giao); không gian núi Kim Phụng, Duệ Sơn...
Đô thị Chân Mây gồm khu vực Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng về phía Bắc thuộc huyện Phú Lộc hiện hữu. Diện tích khoảng 44.700 ha, dân số đến năm 2030 khoảng 140 nghìn người, đến năm 2045 khoảng 220 nghìn người (được xác định cụ thể trong đề án thành lập thành phố Chân Mây).
Đô thị Chân Mây là đô thị cửa ngõ phía Nam kết nối với thành phố Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải Trung Bộ, một trong những trung tâm giao thương quốc tế của các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây; là thành phố thông minh, hiện đại, khu kinh tế biển gắn với cảng biển nước sâu Chân Mây, trung tâm logistics của vùng, các khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng cấp quốc gia và quốc tế; là đô thị hỗ trợ khu vực đô thị trung tâm, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận;
Định hướng phát triển đến năm 2030 xây dựng đô thị Chân Mây đạt tiêu chí đô thị loại III và trở thành thành phố trong giai đoạn 2030 - 2045. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, thu hút đầu tư hoàn thiện khu bến cảng Chân Mây và các trung tâm động lực đa chức năng về dịch vụ hàng hải, thương mại, dịch vụ, logistic; phát triển đô thị mới phục vụ công nghiệp, hoạt động cảng biển. Xây dựng phát triển Khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương, các khu du lịch ven biển trở thành điểm đến quan trọng mang tầm cỡ quốc tế với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giải trí có casino, du lịch biển, đảo, đầm phá, rừng; xây dựng tuyến đường tốc độ cao kết nối từ tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan.
Đô thị Phong Điền gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Phong Điền hiện hữu; diện tích khoảng 94.600 ha; dân số đến năm 2030 khoảng 125 nghìn người, đến năm 2045 khoảng 160 nghìn người.
Đô thị Phong Điền là thị xã cửa ngõ phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, kết nối với tỉnh Quảng Trị, đô thị công nghiệp đa ngành, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp năng lượng, trung tâm phát triển kinh tế biển; là khu vực du lịch nghỉ dưỡng gắn với biển và đầm phá, du lịch sinh thái gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền; là đô thị phát triển hài hòa giữa công tác bảo tồn các làng cổ, làng nghề truyền thống, hỗ trợ khu vực đô thị trung tâm, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận;
Định hướng phát triển đến năm 2025 thành lập thị xã Phong Điền, hoàn thiện trung tâm hành chính chính trị, các công trình văn hóa, trung tâm thể dục thể thao phục vụ đô thị. Nâng cấp Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, đầu tư xây dựng Trung tâm Y học cao cấp, sản xuất y tế. Khai thác kinh tế biển gắn với đô thị dọc theo hành lang ven biển và phá Tam Giang; mở rộng khu công nghiệp Phong Điền và hình thành mới các cụm công nghiệp địa phương; phát triển khu du lịch Thanh Tân gắn với Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, hồ Ô Lâu Thượng, các khu di tích lịch sử, văn hóa đã được công nhận trên địa bàn huyện.
Các đô thị khác
Đô thị Phú Vang diện tích khoảng 23.500 ha, dân số khoảng 160 nghìn người; đến năm 2045 xây dựng đạt tiêu chí đô thị loại IV; phát triển đô thị gắn kết với du lịch biển, đầm phá; dịch vụ thương mại; nuôi trồng, khai thác thủy sản; kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu và có khả năng chống chịu thiên tai;
Đô thị Quảng Điền diện tích khoảng 16.300 ha, dân số khoảng 108 nghìn người; đến năm 2045 xây dựng đạt tiêu chí đô thị loại IV; phát triển đô thị và du lịch dịch vụ gắn với kinh tế nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản biển và đầm phá, kinh tế trang trại; là khu vực được từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa thích ứng biến đổi khí hậu.
Các thị trấn và đô thị loại V
Thị trấn Khe Tre là đô thị loại V, trung tâm tổng hợp hỗ trợ dịch vụ cho vùng phát triển nông lâm nghiệp tại huyện Phú Lộc - Nam Đông;
Thị trấn A Lưới là đô thị loại V, trung tâm hành chính chính trị, dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục huyện A Lưới và vùng phía Tây đô thị Thừa Thiên Huế;
Các đô thị loại V khác: Đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các xã Quảng Thành (Thanh Hà), Vinh Thanh, Vinh Hiền, Lộc Sơn (La Sơn); nâng cấp các xã Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Phú, Phú Mỹ, Phú Thuận, Phú Hồ, Phú An, Hồng Vân, Lâm Đớt... theo tiêu chí đô thị loại V.
Quy hoạch cũng xác định định hướng, mục tiêu phát triển vùng không gian ven biển, đầm phá; hạ tầng đô thị thông minh; các khu chức năng về hạ tầng kinh tế… của đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.