Dòng vốn đầu tư chảy vào điện gió ngoài khơi
Tháng 11/2023, đại diện Đại sứ quán Anh tại Hà Nội cho biết, phái đoàn năng lượng Vương quốc Anh, gồm 14 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và dịch vụ năng lượng tái tạo, đã đến tiếp xúc và thảo luận cơ hội hợp tác với các đối tác tiềm năng tại Việt Nam. Phái đoàn tập trung vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, truyền tải và lưu trữ năng lượng, mong muốn lựa chọn Việt Nam là điểm đến ưu tiên nhằm mở rộng hoạt động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Gió ngoài khơi được đánh giá là nguồn năng lượng tái tạo duy nhất có khả năng chạy phụ tải nền cho hệ thống. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài 3.260 km với 28 tỉnh, thành phố ven biển, vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam vô cùng lớn.
Tổ chức Năng lượng Thế giới từng nhận định rằng, Việt Nam sẽ là 1 trong 5 trung tâm điện gió biển khu vực Đông Nam Á của thế giới cùng với Bắc Âu, Mỹ, Đông Á, Nam Mỹ.
Theo Quy hoạch điện VIII, công suất điện gió ngoài khơi đến năm 2030 đạt 6.000 MW, định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000 MW đến 91.000 MW và có thể tăng lên trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.
"Vương quốc Anh tin tưởng vào tiềm năng của thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và các bước tiến tích cực về mặt chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này trong thời gian qua. Các doanh nghiệp Anh rất mong được đóng góp vào thị trường sôi động này".
Ông Denzel Eades - Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam
Mở rộng chuỗi cung ứng công nghiệp năng lượng
Các chuyên gia cho rằng, có rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng ngành điện gió ngoài khơi, một lĩnh vực khá mới mẻ và hiện đang trong giai đoạn tương đối sơ khai của Việt Nam.
Cụ thể, các nhà thầu trong nước có thể tham gia vào công tác vận hành và bảo trì tuabin, xây dựng trạm biến áp, lắp đặt cáp biển chiếm gần 24% tổng tỷ trọng dự án. Các hạng mục khác bao gồm chế tạo trạm biến áp trên bờ và ngoài khơi, cung cấp móng monopile, dịch vụ cảng cho thi công biển…
Đơn cử, các doanh nghiệp Việt hiện có thể hoàn toàn làm chủ và chế tạo được phần chân đế cho các trụ điện gió ngoài khơi. Mỗi dự án điện gió quy mô nhỏ nhất cũng cần khoảng 30-40 trụ điện. Dự kiến mỗi năm đầu tư cho hệ thống chân đế sẽ khoảng 300.000 tấn thiết bị. Với mỗi tấn tương đương 4.000 USD cả chi phí vật tư, mỗi năm trung bình sẽ có khoảng 1,2 tỷ USD thị phần cho các doanh nghiệp chế tạo trong nước.
Một ví dụ cụ thể là, đối với Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, lũy kế 9 tháng 2023, doanh thu từ mảng xây lắp cơ khí, công trình biển (M&C) đạt tới 7.085 tỷ đồng trong tổng doanh thu thuần 12.591 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Hãng Chứng khoán Shinhan Securities Vietnam đánh giá, trong bối cảnh hàng loạt quốc gia đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, mảng điện gió ngoài khơi đang mở ra động lực tăng trưởng mới với tiềm năng lớn trong trung và dài hạn đối với Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí. Hiện nay, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã có công việc tới năm 2026 với các dự án Hải Long 2&3, Greater Changhua và Baltica 2.
Những dự án điện gió ngoài khơi mới như Fengmiao, Baltica 2,... sẽ đóng góp lợi nhuận cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí kể từ năm sau, giúp kết quả kinh doanh năm 2024 của doanh nghiệp này tăng trưởng mạnh mẽ, Shinhan Securities Vietnam nhận định.
“Năng lượng tái tạo, năng lượng mới sẽ là nội dung quan trọng của ngành năng lượng trong thời gian tới. Bởi phát triển năng lượng giờ đây không chỉ là phát triển nguồn, mà còn là phát triển thiết bị, công nghệ sản xuất năng lượng cũng như lưu trữ năng lượng, và chúng ta phải tự chủ về câu chuyện thiết bị này, tăng tỷ lệ nội địa hóa của các dự án điện”.
PGS. TS. Trần Văn Bình - Giảng viên Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội
Nội địa hóa tạo thế mạnh
Ông Stuart Livesey - Đại diện của Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (Bình Thuận) chia sẻ, theo nghiên cứu của Tập đoàn CIP, tỷ lệ nội địa hóa tại một trang trại gió ngoài khơi của Việt Nam có thể đạt trên 40%. Với chi phí dự kiến khoảng 10,5 tỷ USD cho trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn, 4,4 tỷ USD sẽ được chi tiêu cho các hạng mục được thực hiện tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển và quản lý dự án, cung cấp phần móng, trạm biến áp trên bờ và ngoài khơi, cảng xây dựng, vận hành và dịch vụ bảo trì.
Một nghiên cứu khác của Dự án Năng lượng sạch, chi phí hợp lý và an ninh năng lượng cho các nước Đông Nam Á (CASE) tại Việt Nam chỉ ra, ở các mảng Việt Nam có thế mạnh nội địa hóa cao gồm điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và điện mặt trời, lộ trình phát triển điện gió và điện mặt trời giai đoạn 2025 - 2050 có thể mang lại 160 tỷ USD lợi nhuận cho Việt Nam, tương đương 1,02% GDP trong cùng giai đoạn, xấp xỉ giá trị của ngành công nghiệp và xây dựng Việt Nam năm 2022 với 155 tỷ USD.
Theo nghiên cứu của CASE, thực hiện lộ trình này, tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng từ 45% ở thời điểm hiện tại tới gần 80% vào năm 2050 đối với điện mặt trời, và từ 37% hiện tại lên 55% vào năm 2050 đối với điện gió. Trong giai đoạn 2025 - 2050, giá trị nội địa hóa trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ước đạt 80 tỷ USD, chiếm 50% tổng tiềm năng thị trường.
Tuy nhiên loại hình nguồn điện này chưa có kinh nghiệm phát triển ở Việt Nam. Điện gió ngoài khơi có suất đầu tư rất lớn, khoảng 2 - 3 triệu USD/1 MW và thời gian thực hiện khoảng từ 6 - 8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát. Do tính chất đặc thù về kỹ thuật và công nghệ, quy mô đầu tư lớn, quy trình và thủ tục đầu tư phức tạp, việc hiện thực hóa mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VIII đối với điện gió ngoài khơi cũng là thách thức rất lớn.
Các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương, đang khẩn trương làm việc với các địa phương, nhà đầu tư để rà soát các quy định của pháp luật và căn cứ vào tình hình thực tế triển khai, khó khăn, vướng mắc của các dự án, cũng như tham khảo kinh nghiệm của các nước có thế mạnh về phát triển điện gió ngoài khơi để có đề xuất, báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, Bộ Công Thương và các chuyên gia cho rằng, cần sớm báo cáo Chính phủ để kiến nghị với Quốc hội có Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi, đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII. Riêng dự án Điện gió ngoài khơi cần đưa vào danh mục dự án quan trọng quốc gia cần được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt.