11 tháng năm 2014: Hoạt động của một số ngành ổn định

Hoạt động của một số ngành tại Báo cáo tóm tắt tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 11 và 11 tháng năm 2014

Ngành Điện

Nhìn chung 11 tháng đầu năm 2014, ngành điện cung cấp đủ điện, an toàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với địa phương, đầu tư xây dựng các dự án cấp điện đáp ứng tiến độ yêu cầu của nhà đầu tư, triển khai đúng tiến độ. Hệ thống điện vận hành liên tục, tối ưu, có dự phòng. Các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh điện năng đều đạt theo kế hoạch, cụ thể:

Điện sản xuất của cả nước tháng 11 năm 2014 ước đạt 11,93 tỷ kWh, tăng 13% so cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2014, điện sản xuất ước đạt 128,57 tỷ kWh, tăng 12,9% so cùng kỳ, trong đó điện sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ước đạt 57,55 tỷ kWh, tăng 11,1% so với cùng kỳ.

Điện thương phẩm tháng 11 ước đạt 11,13 tỷ kWh, tăng 12,5% so cùng kỳ; trong đó, điện cấp cho công nghiệp xây dựng tăng 12,06%, điện cấp cho thương nghiệp và khách sạn nhà hàng tăng 20,7%, điện dùng cho quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 13,82%, điện cấp cho Nông, Lâm nghiệp và Thủy sảntăng 53,08%. Điện thương phẩm 11 tháng năm 2014 ước đạt 117,35 tỷ kWh, tăng 11% so cùng kỳ. Công suất cực đại trong tháng 11 ước đạt 21.726 MW. Tỷ lệ nguồn phát điện trong tháng 11: 39,1% từ thủy điện; 30,3% từ nhiệt điện khí; 28,7% từ nhiệt điện than, 1,3% từ mua Trung Quốc, còn lại từ các nguồn khác.

Ngành Dầu khí

Trong tháng 11 và 11 tháng năm 2014, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của ngành dầu khí tiếp tục ổn định. Tăng trưởng sản lượng một số sản phẩm chính như sau: dầu thô khai thác tháng 11 ước đạt 1,7 triệu tấn, tăng 22,3% so với cùng kỳ, tính chung 11 tháng ước đạt 15,9 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ; sản lượng khí đốt thiên nhiên tháng 11 ước đạt 0,9 tỷ m3, tăng 24% so với cùng kỳ, tính chung 11 tháng đầu năm, sản lượng khí đốt đạt 9,3 tỷ m3, tăng 5,9% so với cùng kỳ; sản lượng khí hóa lỏng (LPG) tháng 11 ước đạt 55,6 nghìn tấn, bằng 89,6% so với cùng kỳ, tính chung 11 tháng, sản lượng khí hóa lỏng (LPG) ước đạt 594,5 nghìn tấn, bằng 92,5% so với cùng kỳ. Xăng dầu các loại tháng 11 ước đạt 531,1 nghìn tấn, bằng 97,4% so với cùng kỳ 2013, tính chung 11 tháng đầu năm ước đạt 5.171,4 nghìn tấn, bằng 85,5% so với cùng kỳ.

Ngành Than và Khoáng sản

Tháng 11, than sạch khai thác của toàn ngành ước đạt 3,8 triệu tấn, 11 tháng đầu năm, sản lượng than sạch ước đạt 36,6 triệu tấn, bằng 87,2% kế hoạch năm và tương đương cùng kỳ năm 2013.

Trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã nỗ lực duy trì sản xuất ổn định, tích cực đầu tư chuẩn bị cho nhu cầu than tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt là than cho sản xuất điện, than sạch sản xuất trong tháng 11 của Tập đoàn ước đạt 3,5 triệu tấn, 11 tháng ước đạt 32 triệu tấn, bằng 93,6% so với kế hoạch năm và tăng 0,6% so với cùng kỳ. Than sạch tiêu thụ tháng 11 ước đạt 2,3 triệu tấn và 11 tháng năm 2014 ước đạt 32,8 triệu tấn, bằng 93,7% kế hoạch năm và tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, than xuất khẩu đạt 5,67 triệu tấn, bằng 57,7% so với cùng kỳ; than tiêu thụ nội địa đạt 25,45 triệu tấn, tăng 27,3% so với cùng kỳ.

Ngành Thép

Trong tháng, ngành thép sản xuất ổn định. Sản lượng sản xuất một số sản phẩm chủ yếu như sau: tháng 11 năm 2014, sản lượng sản xuất sắt thép thô ước đạt 263,4 nghìn tấn tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2013, tính chung 11 tháng ước đạt 2.741,3 nghìn tấn, tăng 1,8 so với cùng kỳ năm 2013. Sản lượng thép xây dựng ước đạt 445.000 tấn, tính chung 11 tháng đầu năm 2014 ước đạt 4,63 triệu tấn, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Lượng thép tiêu thụ tháng 11 đạt 451.000 tấn, 11 tháng đạt 4,73 triệu tấn, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2013. Ước lượng tồn kho thép thành phẩm là 378.500 tấn, tăng 2,9% so với tháng 10 và tăng 27% so với cùng kỳ…

Tháng 11, nhập khẩu thép các loại ước đạt 1,1 triệu tấn, giảm 17,2% so với tháng 10 và tăng 53,4% so với cùng kỳ, trong đó nhập phôi thép đạt 17.000 tấn, giảm 70% so với tháng 10 và giảm 77% so với cùng kỳ năm 2013 (nhập khẩu phôi tháng 11 giảm mạnh do tháng 10 lượng phôi nhập khẩu lớn vẫn đủ cho nhu cầu tiêu dùng). 11 tháng đầu năm 2014, nhập khẩu thép các loại ước đạt 10,52 triệu tấn, tăng 21,1% so với cùng kỳ, nhập phôi thép đạt 380.000 tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành Phân bón và Hoá chất

11 tháng đầu năm 2014, sản lượng phân đạm urê ước đạt 2.010,6 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2013; phân NPK khoảng 2.255,5 nghìn tấn tăng 0,4% so cùng kỳ; Trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có sản lượng phân ure 11 tháng đầu năm ước đạt 506,7 nghìn tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ, sản lượng phân NPK ước đạt 1.684,6 nghìn tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ, sản lượng phân DAP ước đạt 255,1 nghìn tấn, tăng 25,8% so với cùng kỳ. Nhập khẩu phân bón 11 tháng đầu năm 2014 giảm 14,3% về số lượng và giảm 23,5% về trị giá.

Nhu cầu phân bón phục vụ Vụ Đông Xuân miền Nam và Vụ Đông miền Bắc sẽ tăng nên hoạt động mua bán phân bón sẽ sôi động hơn, tuy nhiên do nguồn cung hàng hóa khá dồi dào cùng với giá phân bón thế giới đang ở mức thấp nên dự báo giá bán phân bón trong nước sẽ không tăng.

Ngành cơ khí, điện, điện tử

Tiêu thụ một số sản phẩm của ngành (thiết bị điện tử, điện lạnh…) vẫn chậm; tiêu thụ của ngành sản xuất môtô, xe máy giảm, do đó chỉ số tồn kho đối với xe máy tính đến tháng 11 đã tăng 55,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng ôtô 11 tháng đầu năm ước đạt 114,5 nghìn cái, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngành Dệt may

Tháng 11 so với cùng kỳ, sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 28,7 triệu m2, tăng 14,9%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 60,0 triệu m2, tăng 11,9%; sản lượng quần áo mặc thường ước đạt 272,9 triệu cái, tăng 15,0%. Tính chung 11 tháng so với cùng kỳ, sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 299,2 triệu m2, tăng 15,8%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 665,8 triệu m2, tăng 5,6%; sản lượng quần áo mặc thường ước đạt 2,73 tỷ cái, tăng 10,3%.

Xuất khẩu của ngành Dệt may Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng khá. Tính chung 11 tháng so với cùng kỳ, xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 19,18 tỷ USD, tăng 18,2%; xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 19,2%.

Hiện nay, theo định hướng chung của ngành là không phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất từ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang hướng sang các nguồn cung khác từ khối các nước ASEAN và đặc biệt là Ấn Độ. Bên cạnh việc xúc tiến thương mại từ cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Ấn Độ, ngày càng nhiều các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp Ấn Độ trong lĩnh vực dệt nhuộm hoàn tất.

Ngành Da giầy

Sản lượng giầy dép da tháng 11 ước đạt 22,5 triệu đôi, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với tháng 11 năm 2013. Tính chung 11 tháng ước đạt 228 triệu đôi, tăng 20,0% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại 11 tháng ước đạt 9,19 tỷ USD, tăng 23,0% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu túi xách, va li, ô dù của Việt Nam trong tháng 11 năm 2014 đạt 210 triệu USD, tính chung 11 tháng đạt trên 2,3 tỷ USD, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành tăng trưởng mạnh chủ yếu do sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI, khối doanh nghiệp trong nước chủ yếu là gia công. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia sản xuất, đa dạng nguồn cung nguyên liệu nhằm tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại, đồng thời cần có chiến lược nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.