Số liệu báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị bán ra từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước: 18.875 tỷ đồng, tổng giá trị thu về: 32.143 tỷ đồng, trong đó: Thu từ bán cổ phần lần đầu tại 21 đơn vị với tổng giá trị bán ra là 13.808 tỷ đồng, thu về 21.644 tỷ đồng; Thu từ thoái vốn các doanh nghiệp với giá trị vốn là 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng. Nghĩa là trong 10 tháng đầu năm, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước mang về giá trị gần gấp đôi so với sổ sách.
Nhìn trên tổng thể, tính trong giai đoạn 2016 đến nay, số tiền thực tế thu về từ thoái vốn cao gấp 9,5 lần giá trị sổ sách của vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Kết quả ấn tượng này đạt được chủ yếu do đợt thoái vốn tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với số vốn được thoái là 3.436 tỷ đồng, đem về cho Nhà nước 109.965 tỷ đồng. Nếu loại bỏ đợt thoái vốn này, số tiền thực tế thu về là 43,801 tỷ đồng, bằng 3,4 lần giá trị sổ sách còn lại (12.822 tỷ đồng).
Sở dĩ việc thoái vốn khỏi doanh nghiệp Nhà nước có lãi, trước hết là do so với trước đây, số doanh nghiệp làm ăn có lãi đã tăng lên nhiều, trong đó trên 80% số doanh nghiệp Nhà nước làm ăn có lãi trong khi năm 2012 chỉ có khoảng 30%. Lý do thứ hai, Chính phủ kiên trì, nhất quán việc thu hẹp diện doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước, tiếp tục thoái vốn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa lần đầu và đốc thúc các doanh nghiệp này niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng cường thông tin cho các nhà đầu tư. Với các công ty nông, lâm nghiệp, Chính phủ đã ban hành chính sách cổ phần hóa...
Ngày 18/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1232/2017 phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, Công văn 991/2017 phê duyệt Danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020. Có thể nói chưa bao giờ Chính phủ ban hành danh mục bán vốn tại doanh nghiệp, danh mục IPO tới năm 2020 và công khai cho các nhà đầu tư biết như năm 2017. Đây là dữ liệu quan trọng để các nhà đầu tư cân nhắc, xây dựng chiến lược thực hiện mua cổ phần, vốn tại các doanh nghiệp mà mình quan tâm.
Vì thế, cho đến nay, Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ còn hiện diện tại 11 ngành, lĩnh vực (năm 2001 là 60 ngành, lĩnh vực), tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh. Dự kiến đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng 150 Doanh nghiệp do Nhà nước. Các Doanh nghiệp do Nhà nước sau cổ phần hóa hầu hết đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Nguyên nhân thành công thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước là bài học kinh nghiệm của Sabeco, tổng giá trị của doanh nghiệp này khi cổ phần hóa chưa đầy 3 tỷ USD nhưng chỉ sau một năm lên sàn chứng khoán phải tuân thủ các báo cáo tài chính minh bạch thì thoái 53,59% vốn đã thu về gần 5 tỷ USD. Nếu bán hết có thể thu được 10 tỷ USD. Đây là hình mẫu của sự minh bạch trong thoái vốn. Trước đây một số doanh nghiệp Nhà nước bán đi, bán lại không được là vì cổ phần hóa nhưng không niêm yết trên thị trường chứng khoán. Với những doanh nghiệp có quy mô vốn Nhà nước từ 1.800 tỷ đồng trở lên bắt buộc phải kiểm toán trước khi tiến hành cổ phần hóa. Những doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ hơn, nếu thấy cần thiết, Chính phủ vẫn tiến hành kiểm toán thẩm định giá.
Đó là 3 nguyên nhân quan trọng để các nhà đầu tư cân nhắc, xây dựng chiến lược thực hiện mua cổ phần, vốn tại các doanh nghiệp mà mình quan tâm, khiến doanh nghiệp Nhà nước khi tham gia cổ phần hóa “đắt hàng” hơn, có nhiều người mua hơn, bán được giá hơn; và quan trọng hơn cả là dễ chọn được nhà đầu tư chiến lược hơn.