Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2017. Theo điều tra, tính đến thời điểm tháng 7/2017, doanh nghiệp có tốc độ tăng cao nhất cả về số lượng đơn vị và lao động, với gần 517,9 nghìn doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 176,3 nghìn doanh nghiệp (tăng 51,6% so với năm 2012).
Đơn vị kinh tế Hợp tác xã hiện có 13,6 nghìn doanh nghiệp, giảm 0,1% về số lượng và giảm 15,6% về lao động so với năm 2012. Các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể có 5,1 triệu cơ sở, tăng 11,2% về số lượng cơ sở so với năm 2012, bình quân mỗi năm tăng 2,1%.
Xét theo vùng kinh tế, Đồng bằng sông Hồng vẫn là nơi tập trung đông nhất số đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp với trên 1,5 triệu đơn vị. Vùng Đông Nam bộ có quy mô lớn nhất cả nước về số doanh nghiệp với 216,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 41,7% tổng số doanh nghiệp của cả nước.
Mặc dù phát triển mạnh và hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế nhưng khối doanh nghiệp FDI lại là khu vực đóng góp thấp vào ngân sách nhà nướcBáo cáo cũng chỉ rõ, khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển nhanh. Số lượng các đơn vị hoạt động trong khu vực dịch vụ, chiếm tỷ trọng cao nhất tới 81,1% và cao hơn mức 78,7% của năm 2012.
Đặc biệt, giai đoạn 2016-2017, khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã giảm dần cả về quy mô và tỷ lệ đóng góp. Tỷ lệ số DNNN giảm từ 1,01% năm 2011 xuống còn 0,53% năm 2016, thuế và đóng góp ngân sách nhà nước giảm từ 35% xuống còn 32,2%. Các DNVVN, các doanh nghiệp khối FDI phát triển mạnh và hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu hút nhiều lao động.
Tuy nhiên, kết quả Tổng điều tra chỉ ra rằng, DNNN đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước. Cụ thể, trong năm 2016, mặc dù số lượng DNNN ít nhưng thuế và các khoản đã nộp ngân sách bình quân 1 doanh nghiệp đạt cao nhất với 104 tỷ đồng/doanh nghiệp, cao hơn rất nhiều so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 18 tỷ đồng/doanh nghiệp và doanh nghiệp ngoài nhà nước là 1 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Mức thuế và các khoản ngân sách bình quân trên 1 doanh nghiệp ở các doanh nghiệp lớn đạt 57,8 tỷ đồng; doanh nghiệp vừa là 8 tỷ đồng và doanh nghiệp siêu nhỏ đóng góp ít nhất là 122 triệu đồng.
Lý giải vì sao khối DNNN giảm dần cả về quy mô và tỷ lệ đóng góp nhưng lại là khu vực đóng góp lớn nhất cho nguồn ngân sách nhà nước, ông Phạm Đình Thúy – Vụ trưởng Vụ thống kê Công nghiệp, Tổng Cục Thống kê đưa ra 03 nguyên nhân.
Thứ nhất là do chính sách thuế khác nhau giữa các ngành kinh doanh. Cụ thể, trong khối khu vực doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp ngoài nhà nước các chỉ tiêu đóng góp (thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập, VAT...) rất cao nhưng riêng đóng góp cho ngân sách nhà nước lại thấp. Bởi ở các doanh nghiệp FDI, tỷ suất lợi nhuận chiếm trên 45%. Trong khi khi đó, tỷ suất lợi nhuận của các DNNN chỉ có trên 30%. Điều này ảnh hưởng lớn đến nguồn kinh phí đóng góp vào ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp FDI.
Thứ hai, các doanh nghiệp FDI thường hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao như: điện thoại, máy tính, điện tử.... Mặc dù ngành này mang lại lãi suất kinh doanh rất cao nhưng đóng góp vào ngân sách nhà nước lại rất ít so với các khu vực khác bởi các doanh nghiệp này phải chi trả rất nhiều các khoản kinh phí khác.
Thứ ba, các doanh nghiệp FDI sử dụng chủ yếu là lao động tay nghề chất lượng cao do đó quỹ lương dành cho cán bộ công nhân cũng không hề nhỏ. Vì vậy, đây cũng là một trong những khiến doanh nghiệp FDI đóng góp ít cho ngân sách nhà nước.
Giải thích thêm về vấn đề này, bà Lê Thị Duyên Hải – Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế, Tổng Cục thuế bổ sung, ngoài chính sách thuế, sự phát triển ổn định của các doanh nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng. Theo bà Hải, các doanh nghiệp FDI sau khi được thành lập phải mất từ 3-5 năm để ổn định, phát triển. Sau 3-5 năm, các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp ngoài nhà nước mới bắt đầu đóng góp vào ngân sách của nhà nước.
“Trong khi đó, các DNNN có tuổi đời kéo dài, tăng trưởng ổn định hàng năm nên nguồn kinh phí đóng vào ngân sách nhà nước cũng duy trì ổn định theo từng năm”, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế lý giải.