5 ngân hàng lớn hút dòng tiền gửi tiết kiệm mạnh nhất 6 tháng đầu năm 2023

4 ngân hàng nhà nước tiếp tục giữ phong độ "quán quân" trong nhóm với số dư tiền gửi tiết kiệm khách hàng đều trên 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm đến 65% tổng số tiền gửi tiết kiệm khách hàng của toàn hệ thống.

Kết quả kinh doanh quý II/2023 cho thấy, lượng tiền gửi tiết kiệm vào các ngân hàng có mức tăng trưởng không đều. Theo thống kê từ 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, tính đến 30/6/2023, tổng lượng tiền gửi khách hàng đã tăng 8,1% so với cuối năm 2022, đạt hơn 9 triệu tỷ đồng. 

Dẫn đầu trong nhóm tiếp tục là 4 ngân hàng nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank) với số dư tiền gửi tiết kiệm khách hàng đều trên 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm đến 65% tổng số tiền gửi tiết kiệm khách hàng của toàn hệ thống, tương ứng đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng.

Trong đó, ngân hàng Agribank tiếp tục dẫn vị trí quán quân về tiền gửi với gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 3,8% so với đầu năm. Đây cũng là ngân hàng sở hữu chi nhánh, phòng giao dịch lớn nhất trên toàn quốc (gần 2.300 chi nhánh).

Xem thêm: "Mức lãi suất tiết kiệm của ngân hàng Agribank mới nhất tháng 8/2023" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Nắm giữ vị trí á quân với hơn 1,54 triệu tỷ tiền gửi tiết kiệm khách hàng là ngân hàng BIDV, tăng khoảng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Số tiền gửi này chiếm đến hơn 3/4 trong 2,01 triệu tỷ đồng nợ phải trả của ngân hàng.

Các vị trí tiếp theo đều thuộc về 2 ngân hàng quốc doanh khác là Vietcombank và VietinBank khi tăng lần lượt 6,7% và 4,9%, đều ghi nhận hơn 1,3 triệu tỷ đồng.

Ở vị trí thứ 5 với gần 502 nghìn tỷ đồng là Ngân hàng Sacombank, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Sacombank tiếp tục giữ vị trí đầu bảng trong nhóm ngân hàng tư nhân về tiền gửi tiết kiệm. Sacombank cũng là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm cao nhất trong nhóm cổ phần, với mức tăng trưởng hơn 110% so với cùng kỳ năm trước.

tiền gửi tiết kiệm
 Agribank tiếp tục dẫn vị trí quán quân về tiền gửi với gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 3,8% so với đầu năm. Nguồn: Tổng hợp từ BCTC.

Những gương mặt khác góp mặt trong nhóm có lượng tiền gửi tiết kiệm cao nhất gồm: MB (475 nghìn tỷ đồng), ACB (432 nghìn tỷ đồng), SHB (409 nghìn tỷ đồng), VPBank (387 nghìn tỷ đồng) và Techcombank (381 nghìn tỷ đồng). Nhờ tốc độ tăng trưởng tiền gửi gần 28% kể từ cuối năm ngoái, VPBank đã vượt qua thứ hạng của Techcombank. 

Bên cạnh đó, còn có các ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng hai con số về tiền gửi là SHB (13,3%), VPBank (27,9%), Nam A Bank (16,3%), VietABank (19,8%), Kienlongbank (17,1%) và BaoVietBank (12,1%).

HDBank ghi dấu ấn là ngân hàng có lượng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong nửa đầu năm 2023 với mức tăng 43,5% so với đầu năm, đạt gần 310.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, có 2 ngân hàng có số dư tiền gửi sụt giảm so với đầu năm, gồm NCB (giảm 1,4%) và PG Bank (giảm 0,1%).

Phần lớn các ngân hàng ghi nhận lượng tiền gửi tiết kiệm tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm do lãi suất huy động nhiều lần điều chỉnh giảm nhưng vẫn ở mức cao. Lợi nhuận của hầu hết ngân hàng đều tăng trưởng chậm lại, trong khi nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Lan Anh