6 giải pháp trọng tâm phát triển ngành Công Thương khu vực phía Bắc năm 2023

Sáng 28/7, tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công Thương phối với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IX năm 2023. Thứ trưởng Phan Thị Thắng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy và Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Công Thương có lãnh đạo Cục Công Thương địa phương, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Về phía địa phương có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Bích Ngọc; đại diện lãnh đạo UBND, Sở Công Thương, cơ quan chức năng của các tỉnh/thành phố trong khu vực.

hội nghị công thương khu vực phái Bắc
Toàn cảnh Hội nghị

 

Diễn đàn cho ngành Công Thương phía Bắc kết nối cùng phát triển

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, khu vực phía Bắc có vị trí địa lý hết sức quan trọng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của cả nước. Tài nguyên thiên nhiên phong phú, như: nguồn sinh vật biển tập trung ở ngư trường trọng điểm Hải Phòng - Quảng Ninh giúp phát triển ngành thủy sản; trữ lượng khoáng sản tương đối dồi dào, cụ thể như: than đá (Quảng Ninh), đá vôi (Ninh Bình), đồng, apatit (Lào Cai), sắt (Thái Nguyên),... đủ để cung cấp nguyên liệu cho phát triển công nghiệp.

Đồng thời, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy của khu vực phát triển khá đồng bộ và liên tục được nâng cấp, đầu tư mới phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Có các tuyến đường giao thông huyết mạch chạy qua, trong đó quốc lộ 5A, 5B và quốc lộ 18 là hai tuyến giao thông huyết mạch gắn kết cả Bắc Bộ nói chung với cụm cảng Hải Phòng - Cái Lân, sân bay quốc tế Nội Bài.

Khu vực có tốc độ tăng trưởng GRDP cao so với cả nước, trong đó một số địa phương tiêu biểu như GRDP Thành phố Hà Nội năm 2022 đạt 1.196 nghìn tỷ đồng, tăng 8,89% so với năm 2021; GRDP tỉnh Quảng Ninh năm 2022 đạt đạt 269 nghìn tỷ đồng, tăng 10,28% so với năm 2021.

hội nghị công thương khu vực phía Bắc
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu khai mạc

Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IX năm 2023 được tổ chức nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2023.

Hội nghị cũng nhằm thảo luận kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các Sở, ngành ở địa phương, qua đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.

Thông qua hội nghị và chuỗi sự kiện của ngành Công Thương tại Quảng Ninh, các doanh nghiệp trong khu vực có cơ hội gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư và thương mại nhằm tăng cường các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương trong khu vực.

Sự kiện cũng tạo điều kiện cho cán bộ, công chức ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc tiếp xúc trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại; tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để định hướng liên kết vùng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

hội nghị ngành công thương khu vực phía Bắc
 Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Ông Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh là tỉnh nằm địa đầu tổ quốc với 5 đặc trưng tiêu biểu, tỉnh biên giới, duy nhất trên bộ, trên biển với Trung Quốc, là cửa ngõ để các nước như Việt Nam, ASEAN vào Trung Quốc và ngược lại. Đặc biệt, nơi đây là chiếc nôi của ngành than, công nhân mỏ, sản lượng khai thác than lớn nhất Việt Nam, chiếm hơn 90% cả nước.

Thời gian qua, được sự quan tâm của các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương, Quảng Ninh luôn coi việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tỉnh đang gấp rút hoàn thành các mục tiêu trong việc xây dựng nông thôn mới, địa phương sẽ chuẩn bị cho việc công nhận là tỉnh nông thôn mới vào tháng 9, chào mừng sự kiện 60 năm thành lập tỉnh.

Cũng theo ông Cao Tường Huy, địa phương xác định, ngành Công Thương là chủ lực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Quảng Ninh. 

Ngành Công Thương nỗ lực trong bối cảnh khó khăn

Tại Hội nghị, ông Dương Quốc Trịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đã báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của ngành Công Thương khu vực phía Bắc năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, các giải pháp nhằm đạt mục tiêu kế hoạch năm 2023.

Theo đó, về sản xuất công nghiệp, năm 2022, 23/28 tỉnh, thành phố trong khu vực có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước là 7,4%. 06 tháng đầu năm 2023, 16/28 tỉnh, thành phố có mức phục hồi trên 100% so với cùng kỳ năm 2022, là thời điểm kinh tế bùng nổ sau quyết định kịp thời của Chính phủ mở cửa nền kinh tế vào 3/2022 (mức phục hồi của cả nước là 98,8% so với cùng kỳ năm 2022). Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng lớn của ngành.

hội nghị ngành công thương khu vực phía Bắc
Ông Dương Quốc Trịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương

Về thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 của Khu vực đạt 1.954 nghìn tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2021, gần bằng mức tăng bình quân cả nước (+21,67%). Một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao như: Lào Cai (+21,8%); Hà Tĩnh (+25,6%); Thái Nguyên (+26,1%); Nghệ An (+28,3%); Điện Biên (+31,5%); Bắc Ninh (+35%).

6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khu vực đạt 1.300 nghìn tỷ đồng, tăng 28,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước (+10,8%).

Trong lĩnh vực xuất khẩu, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đạt 214,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 57,79% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 12% so với năm 2021, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (+10,05%). Một số tỉnh có mức tăng cao so với năm 2021: Lào Cai (+21,8%); Hà Tĩnh (+25,6%); Thái Nguyên (+26,1%); Nghệ An (+28,3%); Điện Biên (+31,5%); Bắc Ninh (+35%).

6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh, thành phố khu vực đạt 98,6 tỷ USD, phục hồi 93,9% so với cùng kỳ, cao hơn mức phục hồi của cả nước (87,9%). Trong đó, một số tỉnh, thành phố có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao hơn cùng kỳ và chiếm tỷ trong lớn trong toàn khu vực là: Hải Phòng đạt 13,2 tỷ USD, tăng 1,6%, chiếm 13,40%; Bắc Giang đạt 10,3 tỷ USD, tăng 8%, chiếm 10,52%; Vĩnh Phúc đạt 5,8 tỷ USD, tăng 9,8%, chiếm 5,09%....

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Cục Công Thương địa phương thẳng thắn nhìn nhận, công tác phát triển ngành Công Thương khu vực phía Bắc vẫn còn một số hạn chế.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, còn một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng thấp hoặc giảm. Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.

Các hoạt động kinh tế toàn cầu suy giảm ảnh hưởng đến sức mua, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới cũng như trong nước. Ngành năng lượng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thực hiện chuyển dịch năng lượng còn chậm. 

Công tác cải cách, xây dựng thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính ở một số lĩnh vực, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu về thời gian; hội nhập quốc tế về kinh tế tập trung nhiều vào chiều rộng, chưa tập trung đi vào chiều sâu; khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện tái cơ cấu và phát triển ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh; công tác ứng phó với các vấn đề mới, các thay đổi từ bên ngoài đôi lúc còn bị động, chưa linh hoạt…

Hội nghị lắng nghe ý kiến phát biểu của các địa phương như Sơn La, Quảng Ninh, Thành phố Hà Nội, tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Vĩnh Phúc... về một số vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước và đề xuất một số kiến nghị trong thẩm quyền của Bộ Công Thương để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững Ngành Công Thương tại các địa phương; báo cáo Chính phủ các nội dung, giải pháp vượt thẩm quyền của Bộ Công Thương.

Các kiến nghị đã được Thứ trưởng Phan Thị Thắng và đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương lắng nghe, giải đáp; đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể, thực chất để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Sáu giải pháp trọng tâm

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu của các địa phương khu vực phía Bắc, trong 6 tháng năm 2023 đã đạt được những kết quả quả đáng khích lệ, đóng góp vào phát triển chung của ngành Công Thương.

Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2023, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ. Tập trung cao để hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương năm 2023, các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành.

Thứ hai, các địa phương khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trên cơ sở phù hợp với các Định hướng phát triển 3 vùng chiến lược đã được Bộ Chính trị thông qua (Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ), Quy hoạch Tổng thể Quốc gia, các Quy hoạch ngành Công Thương làm cơ sở xây dựng Chiến lược, Chương trình hành động và các Đề án phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn giai đoạn đến năm 2030; Bố trí nguồn lực phù hợp để thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại của địa phương.

Thứ Ba, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường tạo các đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp: Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các Hiệp định.

Mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam thông qua công tác xúc tiến thương mại, công tác Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phát triển thương mại điện tử.

Tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài. 

Thứ tư, tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước: Tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước và các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ; Triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước; Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; Tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử; Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước…

Thứ năm, triển khải đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực phát triển công thương địa phương, xúc tiến thương mại, phòng vệ thương mại, quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường và các mặt hoạt động khác, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Tăng cường phối hợp với ngành công thương địa phương để triển khai các chương trình, Kế hoạch, cũng như những hỗ trợ liên quan đến thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước, xúc tiến thương mại, công tác khuyến công...

Cuối cùng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.

Nhằm tiếp tục phát triển mối quan hệ gắn bó trong ngành Công Thương từ Trung ương với các địa phương nhằm tăng cường công tác hỗ trợ, phối hợp và thúc đẩy mọi hoạt động của Ngành đối với các tỉnh, thành phố trong khu vực, Bộ Công Thương đồng ý với đề nghị của các Sở Công Thương về việc giao Sở Công Thương Hà Nội đăng cai, phối hợp với Cục Công Thương địa phương tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X năm 2024.

Nhân dịp này, Bộ Công Thương đã tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2017-2022 khu vực phía Bắc.

Thăng Long - Hoàng Dương
  • Tags: