92,6% doanh nghiệp cả nước đã triển khai hóa đơn điện tử

Thông tin từ họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính về kết quả bước đầu và những vấn đề cần giải quyết khi triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc cho biết, tính đến ngày 24/5/2022 đã có 92,6% tổng số doanh nghiệp đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC.

Với mục tiêu đến ngày 1/7/2022 toàn bộ người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã phê duyệt việc tổ chức thực hiện triển khai áp dụng HĐĐT theo lộ trình 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ) từ ngày 21/11/2021. Giai đoạn 2 triển khai tại địa bàn 57 tỉnh, thành phố còn lại từ tháng 4/2022.

Để công tác triển khai HĐĐT thành công, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã từng bước chuẩn bị hoàn tất về cơ sở vật chất cũng như hạ tầng kỹ thuật: Ban hành các kế hoạch triển khai chi tiết; huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị tại các tỉnh, thành phố trên cả nước để tham gia chỉ đạo và trực tiếp triển khai; thành lập Trung tâm điều hành và hỗ trợ triển khai HĐĐT tại Tổng cục Thuế để tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp kịp thời các yêu cầu phát sinh trong quá trình triển khai; thực hiện kết nối với các tổ chức nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu HĐĐT… Ngoài ra, Cơ quan thuế các cấp đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến về chính sách, quy định cũng như lợi ích khi áp dụng HĐĐT; tập huấn về chính sách, quy trình quản lý cho cả cán bộ thuế và người nộp thuế (NNT).

Kể từ thời điểm bắt đầu triển khai, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, các Cục Thuế tiếp nhận và khẩn trương xử lý tờ khai đăng ký sử dụng HĐĐT của doanh nghiệp; tiếp nhận và cấp mã Cơ quan thuế cho HĐĐT của doanh nghiệp thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã; tiếp nhận dữ liệu HĐĐT không có mã của Cơ quan Thuế,... Tổng cục Thuế, các Cục Thuế đã tổ chức tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vướng mắc thông qua hệ thống đường dây nóng, kênh hỗ trợ điện tử, chatbot, đồng thời cũng đã tổ chức công tác quản trị, vận hành hệ thống hóa đơn điện tử 24/7 đảm bảo hoạt động ổn định không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của NNT.

Trong quá trình triển khai, Tổng cục Thuế phối hợp với các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT hoàn thiện giải pháp, kết nối, truyền nhận dữ liệu HĐĐT; đặc biệt là thiết kế, xây dựng và triển khai hệ thống HĐĐT tại Cơ quan Thuế trên nền tảng công nghệ 4.0, hệ thống dữ liệu lớn (Big data) giúp xử lý số lượng lớn giao dịch hóa đơn, linh hoạt và đảm bảo tính an toàn bảo mật….

Với các giải pháp đó, tính đến ngày 24/5/2022 công tác triển khai HĐĐT đã đạt được những kết quả cụ thể. Số lượng NNT đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC là doanh nghiệp trong Giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố là 100% doanh nghiệp đang hoạt động tại các địa phương này; trong Giai đoạn 2 tại 57 tỉnh, thành phố là 309.243 doanh nghiệp (tương đương 83,6% tổng số doanh nghiệp).

Đối với NNT là cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai; cả Giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố và Giai đoạn 2 tại 57 tỉnh, thành phố đều đạt 100% cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai.

Như vậy trên cả nước, đã có 764.314 doanh nghiệp (tương đương 92,6% tổng số doanh nghiệp) và 52.778 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC.

Số lượng hóa đơn Cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý từ khi triển khai đến ngày 24/5/2022 là 318.401.123 hóa đơn trong đó 106.414.378 hóa đơn có mã; 41.347.907 hóa đơn không mã gửi đầy đủ dữ liệu đến Cơ quan Thuế; 170.588.512 hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp Cơ quan Thuế; 326 hóa đơn theo lần phát sinh.

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2022/NĐ-CP thì đối tượng NNT sử dụng HĐĐT rất đa dạng với nhiều loại hình kinh tế và cách thức quản lý khác nhau. Do đó, trong quá trình triển khai Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai theo từng đợt đối với NNT theo từng loại hình khác nhau nhằm bảo đảm hiệu quả trong công tác triển khai cũng như không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của NNT. 

Bên cạnh đó, xác định việc triển khai HĐĐT thực hiện trên toàn quốc trong đó các địa bàn có tình hình kinh tế - xã hội khác nhau, ngành Thuế đã phối hợp với các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT để bố trí, phân bổ nguồn lực trong triển khai, tập huấn, tuyên truyền và hỗ trợ NNT, đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa,....

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, HĐĐT là một loại hình hóa đơn mới và khi được triển khai thì nhiều NNT chưa nắm rõ được nội dung, lợi ích trong việc áp dụng. Do đó, ngành Thuế đã chú trọng công tác tuyên truyền ngay từ giai đoạn chuẩn bị triển khai với việc phối hợp với các Sở, ban, ngành địa phương trong việc tuyên truyền với nhiều các hình thức như truyền hình, tờ rơi, thư ngỏ của Cơ quan thuế, áp phích cổ động,... Chính việc triển khai rộng khắp công tác tuyên truyền đã góp phần giúp NNT nắm bắt và phối hợp cùng Cơ quan thuế trong triển khai HĐĐT.

Triển khai HĐĐT là nhiệm vụ một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính và góp phần thực hiện chiến lược Chính phủ điện tử. Việc triển khai HĐĐT sẽ góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời cũng góp phần chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.

Việt Hằng