Một số khuyến nghị nâng cao hiệu quả sử dụng hóa đơn điện tử trong công tác quản lý tại Việt Nam hiện nay

ThS. PHẠM THỊ THU HUYỀN (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Với sự phát triển ngày càng tăng của công nghệ số, hầu hết tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế đều có sự thay đổi từ giáo dục, y tế đến công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp,… Do đó, để xây dựng và đồng bộ dữ liệu quốc gia trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, kế toán nhằm tạo điều kiện thuận tiện trong việc kiểm tra, đối chiếu, giảm thiểu tối đa tình trạng gian lận, trốn thuế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Gần đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC đưa ra quy định chi tiết, cụ thể trong việc hướng dẫn và sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) để thay thế việc sử dụng hóa đơn giấy. Bài viết phân tích một số ưu và nhược điểm khi sử dụng HĐĐT để thay thế hóa đơn giấy, đồng thời đưa ra một số kiến nghị để góp phần nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng HĐĐT hiện nay.

Từ khóa: hóa đơn, hóa đơn giấy, hóa đơn điện tử , VAT.

1. Đặt vấn đề

Khi nói đến mối quan hệ giữa doanh nghiệp (DN) với DN, nhiều tác giả khác nhau (NACHA 2001, Fairchild 2004, Pfaff, Skiera và Weiss 2004a, Tanner và Koch 2004) đã thảo luận về lợi ích của việc lập HĐĐT so với hóa đơn trên giấy. Chúng bao gồm lập luận rằng các nhà phát hành hóa đơn có thể đạt được tiết kiệm chi phí trực tiếp trên giấy, in ấn và bưu phí. Họ có thể hợp lý hóa các quy trình của mình thông qua việc tự động phân bổ hóa đơn cho các khoản thanh toán, cải thiện quản lý dòng tiền và đẩy nhanh chu kỳ doanh thu thông qua các khoản thanh toán của khách hàng sớm hơn, do việc gửi hóa đơn nhanh hơn và giải quyết tranh chấp nhanh hơn (giảm số ngày bán hàng chưa thanh toán). Những khoản tiết kiệm này được bổ sung bởi một số lợi ích ít hữu hình hơn, bao gồm dịch vụ khách hàng nâng cao và tăng sự hài lòng của khách hàng. Người nhận các hóa đơn như vậy được hưởng lợi từ việc loại bỏ chuyển đổi phương tiện, các mục nhập dữ liệu và do đó sai sót, khả năng sử dụng chiết khấu tiền mặt ngày càng tăng do thời gian chu kỳ quy trình ngắn hơn và tăng hiệu quả quy trình thông qua việc loại bỏ các mục nhập dữ liệu thủ công, tự động khớp đơn đặt hàng với hóa đơn, đối chiếu hóa đơn và nhượng tài khoản. Các khoản tiết kiệm này ước tính vào khoảng 10 CHF cho mỗi hóa đơn đối với người phát hành hóa đơn và 100 CHF đối với người nhận hóa đơn (Tanner et al. 2004) hoặc lên đến 90% tổng chi phí xử lý hóa đơn (Pfaff, Skiera và Weitzel 2004b).

2. Cơ sở lý thuyết về hóa đơn điện tử

2.1. Khái niệm hóa đơn điện tử

Từ cuối những năm 1990, khả năng mới nổi của Internet đã dẫn đến ý tưởng thay thế HĐĐT trên giấy (NACHA 2000, Segev và Gebauer 2000, Young 2000, Epper Hoffmann 2001, Gamble 2001, Alt và Zbornik 2002).

Ủy ban châu Âu (EOC) đã định nghĩa: HĐĐT là hình thức chuyển tiếp bằng điện tử của các thông tin có trong hóa đơn giữa các đối tác kinh doanh với nhau (người bán và người mua). Nó là một phần thiết yếu của chuỗi cung ứng tài chính hiệu quả và nó tạo ra sự liên kết của các quy trình nội bộ của DN vào hệ thống thanh toán".

Theo Liu (2018), HĐĐT là chứng từ thu, chi dưới dạng thông tin điện tử được cấp hoặc nhận trong hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động kinh doanh khác do cơ quan thuế thống nhất phát hành.

Theo Zhan (2009), HĐĐT là một tài liệu được phát hành từ máy tính của tổ chức kinh doanh và được truyền đi qua mạng internet. Theo Cai Lei (2014) thì HĐĐT là một biên lai hoặc chứng từ thanh toán được tạo ra trong quá trình kinh doanh, bao gồm: mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và được lưu trữ bằng định dạng điện tử. Zhang & Wang (2017), HĐĐT là một tệp dữ liệu chứa đựng toàn bộ các thông tin được khởi tạo từ người bán, nó được gửi đến người mua bằng phương thức truyền dẫn điện tử.

Tại Việt Nam hiện nay, theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, “HĐĐT là hóa đơn được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, ký số, ký điện tử theo quy định tại Nghị định này bằng phương tiện điện tử, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế”. Cụ thể đối với định dạng của HĐĐT theo Thông tư số 68/2019/TT-BTC có nêu rõ: “Định dạng HĐĐT là tiêu chuẩn kỹ thuật quy định kiểu dữ liệu, chiều dài dữ liệu của các trường thông tin phục vụ truyền nhận, lưu trữ và hiển thị HĐĐT. Định dạng HĐĐT sử dụng ngôn ngữ định dạng văn bản XML (XML là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "eXtensible Markup Language" được tạo ra với mục đích chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các hệ thống công nghệ thông tin)”.

Như vậy, HĐĐT là tập hợp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý bằng phương tiện điện tử. Thay vì được tạo lập trên giấy, HĐĐT được tạo lập và lưu trữ trên thiết bị điện tử, được quy định cụ thể theo định dạng và tiêu chuẩn kỹ thuật riêng.

2.2. Sơ lược một số nghiên cứu về HĐĐT

Đầu tiên khi đề cập đến những lợi ích do HĐĐT mang lại, nghiên cứu của Zhong Fasheng (2016) cho thấy việc sử dụng HĐĐT sẽ giúp DN tiết kiệm đáng kể chi phí hoạt động của DN, cụ thể là chi phí in ấn và lưu trữ. Theo nghiên cứu của tác giả, Công ty China Telecom - Công ty Viễn thông của Trung Quốc đã tiết kiệm được 2.300 tấn giấy,  tương ứng với 400 triệu đồng mỗi năm sau khi sử dụng HĐĐT. Bên cạnh việc mang lại hiệu quả về chi phí cho doanh nghiệp, HĐĐT còn hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan thuế thông qua việc quản lý dữ liệu hóa đơn, thông tin liên quan đến đối tượng mua và bán; loại bỏ và ngăn chặn tình trạng làm giả hóa đơn, làm giảm đáng kể hành vi gian lận thuế, trốn thuế gây thất thu cho ngân sách (Sun Rongzhou và cộng sự, 2016); hạn chế chất thải, thúc đẩy bảo vệ môi trường (Zhang Bin và Wang Shuhua, 2017).

Ngoài ra, dữ liệu HĐĐT còn phục vụ cho việc xây dựng quy trình tự động hóa công việc kế toán, giúp đơn giản hóa và góp phần giảm tải công việc cho người làm kế toán. Với các thông tin có sẵn trên, HĐĐT Chiara Bardelli và cộng sự (2020) đã đề xuất mô hình học máy để thiết lập các các thuật toán nhằm phân loại hóa đơn thành các mã cụ thể dựa trên bản chất của các giao dịch để thiết lập các tài khoản, bút toán ghi sổ, hình thành nên quy trình tự động hóa trong nhập liệu.

Theo nghiên cứu của Shao Lu (2016), để sử dụng được HĐĐT, doanh nghiệp phải đáp ứng được một số điều kiện, như: phải thiết kế và xây dựng được hệ thống kiểm soát phù hợp, đặc biệt là hệ thống kế toán và hệ thống lưu trữ, quản lý dữ liệu, tránh xảy ra tình trạng sai lệch giữa hóa đơn ban đầu với hóa đơn sau nhiều lần tái và in ấn, đảm bảo được tính duy nhất và xác thực của hóa đơn. Tuy nhiên, đa số hệ thống kế toán và quản lý của DN ban đầu khi xây dựng đều hướng đến mục tiêu quản lý và kiểm soát hóa đơn giấy. Do đó, để sử dụng hiệu quả HĐĐT doanh nghiệp buộc phải thay thế, đầu tư và mở rộng thêm trang thiết bị, cơ sở hạ tầng.

Về trình độ, khả năng tiếp cận và mức độ sử dụng HĐĐT, bài nghiên cứu của Lumiaho và J. Rämänen (2011) thông qua phương pháp hỏi ý kiến từ chuyên gia và khảo sát thực tế 12 doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tại Phần Lan. Nhóm tác giả đã cho thấy hầu hết mức nhận thức các DNVVN về HĐĐT đều ở mức thô sơ, chưa nắm bắt được tất cả các lợi ích của việc lập HĐĐT (Lumiaho và J. Rämänen, 2011).

Như vậy, với những yêu điểm mà HĐĐT mang lại cho DN, Nhà nước và cả xã hội, việc sử dụng HĐĐT trong tương lai là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm mà HĐĐT mang lại, việc sử dụng HĐĐT còn tùy thuộc vào điều kiện trang thiết bị, cơ sở hạ tầng của từng quốc gia và vùng miền khác nhau.

3. Ưu và nhược điểm khi áp dụng HĐĐT trong công tác quản lý tại Việt Nam hiện nay

3.1. Ưu điểm

  • Đối với doanh nghiệp

Thứ nhất, giúp cắt giảm chi phí, tăng lợi nhuận doanh nghiệp: việc sử dụng HĐĐT sẽ giúp DN loại bỏ được các khoản chi phí, như: chi phí khởi tạo, phát hành hóa đơn; chi phí in ấn, photo hóa đơn; chi phí dịch vụ gửi hóa đơn cho khách hàng, chi phí lưu trữ hóa đơn phục vụ cho việc thanh tra, kiểm tra thuế. Điều này phù hợp với nghiên cứu của Catherine Murphy, 2012,, ước tính việc sử dụng HĐĐT sẽ giúp DN tiết kiệm được hàng nghìn bảng Anh.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả quản lý: xuất và lưu trữ hóa đơn theo định dạng điện tử sẽ giúp DN truy xuất dữ liệu một cách nhanh chóng, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian kiểm tra, đối chiếu chứng từ, khắc phục được một số sai sót không đáng có như nhập liệu sai dẫn đến sai số tiền thanh toán; khắc phục tình trạng thất lạc, mất hóa đơn; tăng tính minh bạch, công khai trong công tác quản lý,… Ngoài ra, nếu kết hợp việc sử dụng HĐĐT với các phầm mềm quản lý, sẽ giúp đồng bộ được các dữ liệu như đơn đặt hàng, phiếu nhập kho - xuất kho, thông tin người mua, người bán,… giúp kế toán cũng như người quản lý dễ dàng tìm kiếm, tra cứu dữ liệu, tăng tính công khai, minh bạch thông tin.

Thứ ba, giúp tăng cường tính an toàn, bảo mật hóa đơn, tránh tình trạng làm giả hóa đơn, thất lạc hóa đơn do HĐĐT được gửi trực tiếp cho người mua thông qua kênh thông tin điện tử do người mua cung cấp. Bên cạnh đó, dữ liệu HĐĐT của tất cả các DN được lưu trữ trên cổng thông tin của Tổng cục Thuế, người mua và người bán có thể tra cứu một cách nhanh chóng, kịp thời. Ngoài ra, việc lưu trữ hóa đơn dưới dạng điện tử bên cạnh giúp loại bỏ các chi phí lưu trữ hóa đơn.

Thứ tư, giúp giảm tải công việc kế toán do HĐĐT được định dạng thống nhất là bước đầu để tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu, tạo tiền đề cho việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp dữ liệu có thể được kiểm tra và ghi sổ một cách tự động hóa. Khi sử dụng HĐĐT, DN không phải đăng ký mẫu HĐĐT, không phải gửi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đến cơ quan thuế- đó là những ưu điểm so với việc sử dụng hóa đơn giấy. Việc sử dụng HĐĐT cũng giúp giảm bớt thời gian lận tờ khai thuế giá trị gia tăng, vì phần mềm tạo hóa đơn đã tự động kết chuyển số liệu vào tờ khai thuế giá trị gia tăng.

  • Đối với cơ quan thuế

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, các phương thức mua sắm, kinh doanh và thanh toán đã và đang dần thay đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang các mô hình kinh doanh online, kinh doanh qua sàn giao dịch điện tử, mua sắm thông minh trên các ứng dụng hay thanh toán không dùng tiền mặt,… Điều này đã tạo ra nhiều thách thức trong công tác quản lý thuế, như: Tình trạng không xuất hóa đơn khi bán hàng để làm giảm doanh thu của các giao dịch điện tử ngày càng phổ biến, do cơ quan thuế không thể truy xuất hết được nguồn gốc các giao dịch. HĐĐT được xem là giải pháp tối ưu giúp khắc phục các nhược điểm này trong các giao dịch điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Do HĐĐT được gửi đến người mua qua địa chỉ email của bên mua một cách nhanh chóng, tiện lợi, an toàn và bảo mật, từ đó tạo điều kiện cho việc cơ quan quản lý thuế hạn chế được tình trạng gian lận, trốn thuế (Zhang Bin và Wang Shuhua, 2017). Hóa đơn được lưu trữ dưới dạng điện tử được đồng bộ trong cổng thông tin của Tổng cục Thuế sẽ giúp rút ngắn được thời gian kiểm tra trong quá trình thanh tra, kiểm tra thuế giúp giảm bớt khối lượng cho cơ quan thuế (Keifer S, 2011). Bên cạnh đó, khi dữ liệu hóa đơn được lưu trữ đồng bộ trên cổng thông tin của các bên liên quan, như: cơ quan thống kê, cơ quan hải quan, Bộ Thông tin và Truyền thông,… đều có thể dễ dàng truy cập và trích xuất dữ liệu liên quan, phục vụ cho công tác kiểm tra, quản lý, hạn chế được tính trùng lắp và sai lệch dữ liệu, nâng cao hiệu quả quản lý nền kinh tế.

  • Đối với xã hội

Việc dữ liệu HĐĐT được đồng bộ với cơ quan thuế sẽ giúp người có lợi ích liên quan có thể tra cứu thông tin hóa đơn của DN đang hoạt động, giúp ngăn chặn hóa đơn của các DN bỏ trốn, mất tích, khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, gian lận, trốn thuế,… Từ đó, giúp đẩy mạnh tình lành mạnh trong kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh công bằng giữa các DN, tạo điều kiện phát triển các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ số, công nghệ điện tử.

Hóa đơn là tài liệu quan trọng trong việc chứng minh thu nhập và chi phí của DN, công tác lưu trữ và bảo quản hóa đơn phục vụ cho việc thanh tra, kiểm tra, quyết toán thuế là công việc bắt buộc của mỗi DN. Việc sử dụng HĐĐT giúp thiết lập một xã hội xanh, thân thiện với môi trường, tăng tính bền vững môi trường là: khi sử dụng HĐĐT doanh nghiệp sẽ không cần phải in ấn nhiều hóa đơn để lưu trữ, đồng nghĩa với việc DN cũng không phải tiêu hủy hóa đơn khi hết thời hạn lưu trữ, góp phần làm giảm khí thải trong quá trình in ấn, tiêu hủy.

3.2. Nhược điểm

Một là, tâm lý ngại thay đổi: việc sử dụng hóa đơn giấy đã trở thành thói quen của người Việt Nam, vẫn có DN đang lo ngại về tính an toàn, bảo mật của HĐĐT,… Chính vì thế, khi bên bán nếu đã sử dụng HĐĐT và phát hành hóa đơn buộc phải giải thích nhiều về tính pháp lý của các loại hóa đơn này cho những đơn vị chưa chuyển đổi sử dụng HĐĐT. Do đó, khi chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT, doanh nghiệp sẽ có tâm lý ngại thay đổi, ngại phải tiếp thu cái mới khi phải cập nhật kiến thức về các quy định, hồ sơ, trình tự thực hiện, phải thông báo, giải thích với khách hàng về sự thay đổi hóa đơn mới,…

Hai là, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị DN chưa đáp ứng được khi sử dụng HĐĐT. Bên cạnh các yêu cầu như có giao dịch điện tử, chữ ký số phải hợp lệ, có giá trị pháp lý để sử dụng được HĐĐT, doanh nghiệp còn phải đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc khởi tạo, xuất, gửi và lưu trữ hóa đơn,  như: đường truyền Internet, máy tính, hệ thống máy chủ, máy in. Như vậy, đối với các DN nhỏ, đặc biệt là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hiện nay đa số vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu nêu trên.

Ba là, trình độ nhân sự: việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang HĐĐT, ngoài yêu cầu phải bổ sung, cập nhật kiến thức về quy trình, quy định, biểu mẫu, báo cáo sử dụng,… thì việc sử dụng HĐĐT còn đòi hỏi bộ phận nhân sự phải có am hiểu về công nghệ thông tin có thể tìm nguyên nhân và khắc phục sự cố khi bị lỗi đường truyền, tra cứu và truy xuất các dữ liệu hóa đơn một cách nhanh chóng. Yêu cầu này sẽ khó khăn đối với trường hợp mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, giám đốc hoặc nhân sự là lực lượng chưa được tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin và công nghệ số.

4. Một số khuyến nghị để nâng cao hiệu quả sử dụng HĐĐT

Thứ nhất, tăng cường mở rộng tuyên truyền, tổ chức tập huấn việc sử dụng HĐĐT: để loại bỏ được tâm lý ngại thay đổi, cơ quan thuế cần tăng cường mở rộng quy mô tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn chuyển đổi sử dụng HĐĐT đến từng vùng, từng địa bàn. Bên cạnh việc tuyên truyền các ưu điểm, lợi ích do HĐĐT mang lại, cơ quan thuế có chính sách tư vấn hỗ trợ cụ thể riêng cho từng nhóm đối tượng. Hiện tại, đa số do dịch bệnh Covid nên việc tuyên truyền hướng dẫn chuyển đổi cách thức sử dụng HĐĐT đều được thực hiện online thông qua phần mềm Zoom, dẫn đến hiệu quả ghi nhận chưa cao. Do đó, đối với các DN nhỏ, siêu nhỏ, các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh chưa được tiếp cận nhiều với công nghệ số, cơ quan thuế cần có các biện pháp hỗ trợ cụ thể, như: cử cán bộ thuế xuống địa bàn hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp quy trình cài đặt, sử dụng để xuất, gửi và lưu trữ hóa đơn. Ngoài ra, Nhà nước cần xây dựng, thiết kế đường dây nóng để hỗ trợ người sử dụng HĐĐT trong việc khắc phục các sự cố liên quan đến mạng, đường truyền nhanh nhất để tránh ảnh hưởng đến việc kinh doanh, tạo tâm lý an tâm cho người sử dụng. Cơ quan thuế phối hợp với các đại lý thuế, dịch vụ thuế trong địa bàn để tư vấn, hỗ trợ cá nhân kinh doanh sử dụng các dịch vụ liên quan đến hồ sơ, thủ tục sử dụng HĐĐT để nâng cao hiệu quả của việc chuyển đổi hóa đơn.

Thứ hai, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người sử dụng HĐĐT có nguồn ngân sách để chi đầu tư, mở rộng trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc sử dụng HĐĐT, như: chính sách vay vốn, lãi suất ưu đãi để DN có thể đầu tư thêm các trang thiết bị như máy tính, đường tuyền, máy chủ để lưu trữ và truy xuất dữ liệu; chi phí để học tập nâng cao trình độ nhân sự hoặc có chính sách riêng về việc sử dụng HĐĐT đối với các DN thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn,…

Thứ ba, HĐĐT với đặc điểm dựa trên nền tảng công nghệ số. Việc tạo, truyền dẫn dữ liệu đều thông qua mạng Internet, việc lưu trữ dữ liệu đều để dưới dạng file mềm mà không cần phải in giấy, nhằm tiết kiệm chi phí, do đó nhu cầu về hệ thống bảo mật, bản sao dữ liệu cần được nâng cao hơn. Bên cạnh việc xây dựng máy chủ, hệ thống dự phòng cần chủ động xây dựng thêm kịch bản nhằm ngăn chặn sự tấn công của virus và các mã độc.

5. Kết luận

Việc sử dụng HĐĐT để thay thế hóa đơn giấy là xu thế tất yếu của xã hội nhằm xây dựng và đồng bộ hóa dữ liệu quốc gia, là tiền đề trong việc ứng dụng mô hình học máy để tạo ra quy trình tự động hóa công việc của kế toán trong tương lai. HĐĐT là cơ sở và công cụ để kiểm tra, đối chiếu dữ liệu, giảm thiểu tối đa tình trạng gian lận hóa đơn, trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cai Lei. (2014). The Theory and Practice of Electronic Invoice:A New Thinking of E-Commerce Tax Collection and Administration. Beijing: China Financial and Economic Publishing House.
  2. Catherine Murphy. (2012). Electronic Invoice Authorization - Providing the foundation for an efficient accounts payable department. Credit Control Journal,
  3. Keifer S. (2011). E-invoicing: The Catalyst for Financial Supply Chain Efficiencies. Journal of Payments Strategy & Systems, 5 (1), 38-51.
  4. Chính phủ (2018). Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/09/2018 quy định về HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
  5. Bộ Tài chính (2021). Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/09/2021 về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý Thuế ngày 13/6/2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

 

SOME RECOMMENDATIONS TO FACILITATE THE USE OF ELECTRONIC INVOICES FOR MANAGEMENT IN VIETNAM

Master. PHAM THI THUY HUYEN

Faculty of Accounting - Audit, Van Lang University

ABSTRACT:

Digital technologies have advanced rapidly and caused changes in many fields from education, health care, agricultural and industrial sectors. The Ministry of Finance has issued Circular 78/2021/TT-BTC guiding the implementation of a number of articles of the Law on Tax Administration and the Government of Vietnam’s Decree 123/2020/ND-CP on invoices and documents. This Circular 78/2021/TT-BTC promulgates detailed instructions for the use of electronic invoices. This paper analyzes some advantages and disadvantages of using electronic invoices. The paper also makes some recommendations to facilitate the use of electronic invoices in Vietnam.

Keywords: invoice,  paper invoice, electronic invoice, VAT.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 1, tháng 1 năm 2022]