Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp (Dự án) do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện theo Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án. Đây là một trong 9 Dự án thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.
Dự án hướng tới việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực trên cơ sở áp dụng các giải pháp quản lý, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ, đầu tư. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, các mô hình tiên tiến, quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp.
Các hoạt động triển khai dự án đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa tại doanh nghiệp.
Mặc dù về mặt số lượng, các mô hình triển khai tại doanh nghiệp chưa nhiều nhưng mức độ tác động và lan tỏa từ Chương trình nói chung và hoạt động của Dự án của Bộ Công Thương nói riêng là tích cực.
Các mô hình điểm triển khai tại doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ nét, là những ví dụ trực quan, sinh động và có tính thuyết phục đối với hoạt động cải tiến trong nội tại của doanh nghiệp; đồng thời, đang dần tạo ra sức lan tỏa cho các doanh nghiệp khác.
Nhiều mô hình, doanh nghiệp điển hình đã được ghi nhận, vinh danh trong hoạt động cải tiến nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Hiệu quả của việc triển khai Dự án được thể hiện ở những khía cạnh:
Đối với các doanh nghiệp điểm
95% doanh nghiệp tiếp tục duy trì các mô hình điểm sau khi Dự án kết thúc, trong đó có 23,4% các doanh nghiệp mở rộng phạm vi áp dụng . Tỷ lệ doanh nghiệp duy trì mô hình công cụ cải tiến và hệ thống quản lý tương đương, khoảng 45%. Việc duy trì và mở rộng các mô hình điểm đã cho thấy tính bền vững của các kết quả Dự án cũng như tính lan tỏa từ các kết quả bước đầu của Dự án.
99% doanh nghiệp đánh giá các mô hình thí điểm có hiệu quả trong việc nâng cao nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp. Cụ thể, 98% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của mô hình tốt nhất trong đào tạo năng lực thực hiện mô hình, có nghĩa việc hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện mô hình của các đơn vị tư vấn tốt.
85% doanh nghiệp đánh giá tác phong, thái độ làm việc của cán bộ công nhân viên (CBCNV) cải thiện. Các khía cạnh cải thiện khác có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực dưới 70%. Gần 70% doanh nghiệp đánh giá an toàn lao động được nâng lên. Gần 65% doanh nghiệp đánh giá năng suất lao động tăng lên, tỷ lệ đánh giá năng suất thiết bị tăng lên thấp hơn, chỉ 50%.
57% doanh nghiệp đánh giá chất lượng sản phẩm được cải thiện, 55% đánh giá giảm lãng phí nguyên vật liệu, và 48% doanh nghiệp đánh giá có thay đổi trong thời gian giao hàng.
Một số doanh nghiệp nhận thấy có thay đổi trong các khía cạnh khác, như hỗ trợ cho các cải tiến khác của doanh nghiệp, tăng thị phần…). Với các hệ thống quản lý đặc thù, là yêu cầu tiếp cận thị trường và chuỗi cung ứng, việc hỗ trợ các doanh nghiệp đã giúp doanh nghiệp nâng cao mức cạnh tranh và tham gia vào các chuỗi cung ứng, đặc biệt là chuỗi cung ứng toàn cầu.
91% các doanh nghiệp điểm có nhu cầu tiếp tục được hỗ trợ từ Bộ Công Thương trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Các nội dung hỗ trợ được tập trung vào: (1) tập huấn, đào tạo vẫn là hình thức được đề xuất nhiều nhất (114 doanh nghiệp), (2) hỗ trợ tài chính (94 doanh nghiệp), (3) phổ biến thông tin (64 doanh nghiệp), (4) hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp có ít doanh nghiệp quan tâm nhất (46 doanh nghiệp). Phương thức hỗ trợ được doanh nghiệp đánh giá cao hơn là hỗ trợ từng nội dung riêng biệt, 93 doanh nghiệp lựa chọn, so với hỗ trợ tích hợp nhiều nội dung, 50 doanh nghiệp đề nghị.
Phần lớn doanh nghiệp điểm thể hiện nhu cầu nâng cao năng suất chất lượng trong giai đoạn 5 năm tới với tỷ lệ cao hơn ở tất cả các nhóm giải pháp so với các doanh nghiệp nói chung, trong đó, các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới việc đầu tư đổi mới công nghệ (chiếm khoảng 96,6%), tiếp theo đến việc áp dụng các mô hình, phần mềm để nâng cao hiệu quả quản lý (93,7%), Đào tạo nguồn nhân lực (91%), Công cụ cải tiến năng suất (90,5%), Hệ thống quản lý chất (80,4%,).
Đối với học viên tham gia các khóa đào tạo, tập huấn
Học viên tham gia các khóa đào tạo từ 02 nhóm (cán bộ tư vấn và cán bộ của doanh nghiệp), trong đó chiếm tỷ trọng lớn đến từ khối các doanh nghiệp (chiếm 99,17%). Đối tượng học viên ở các doanh nghiệp đa dạng, từ cán bộ quản lý điều hành sản xuất (chiếm 6,9%), tới cán bộ quản lý năng suất, chất lượng (8,8%), cán bộ phụ trách vận hành thiết bị, công nghệ, kỹ thuật (chiếm tỷ trọng lớn nhất, 73,2%), cán bộ văn phòng - hành chính.
5 Hệ thống quản lý chất lượng được đào tạo nhiều nhất gồm: ISO 9001, ISO 14000, ISO 50001, ISO 22000 và HACCP; )5 công cụ được đào tạo nhiều nhất gồm: 5S, LEAN, KAIZEN, KPIs và TPM.
99% các học viên đánh giá nội dung các khóa đào tạo ở mức phù hợp và rất phù hợp (rất phù hợp chiếm 79%).
Đánh giá về hiệu quả áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn: 73% học viên cho biết các kiến thức đã học được áp dụng ở phạm vi toàn doanh nghiệp trên cơ sở tự triển khai, không có tư vấn hướng dẫn với 66%; 98% các hoạt động triển khai vẫn đang duy trì và 96% được đánh giá có hiệu quả.
Về duy trì áp dụng triển khai kiến thức vào công việc: (1) 100% học viên đến từ công ty tư vấn tiếp tục áp dụng các kiến thức được học vào thực tế; (2) Nhóm học viên từ doanh nghiệp đều có tỷ lệ áp dụng kiến thức vào thực tế ở mức cao trên 90%, thấp nhất là nhóm phụ trách năng suất, chất lượng (92,6%). Đối với các lớp học đào tạo áp dụng hệ thống quản lý, đa số đều có thể áp dụng tốt kiến thức học được vào thực tế: nhóm học viên quản lý là 87,5%, học viên phụ trách năng suất, chất lượng là 93,3%, nhóm phụ trách thiết bị công nghệ kỹ thuật là 97,7%, nhóm phụ trách hành chính thương mại sản xuất là 97,8% và tư vấn là 100%, giá trị trung bình với cả nhóm là 95,3%.
Đối với các lớp đào tạo về công cụ cải tiến, các học viên các khóa công cụ cải tiến phản hồi rất tốt về hoạt động duy trì áp dụng kiến thức vào công việc thực tế. Trung bình có tới 97,2% học viên tại tất cả các nhóm tiếp tục duy trì áp dụng các nội dung đã được học, trong đó 100% các học viên tư vấn, 99,5% học viên phụ trách thiết bị công nghệ kỹ thuật, 97,8% học viên phụ trách hành chính thương mại sản xuất và 96,5% học viên nhóm quản lý điều hành sản xuất.
Các học viên tham gia các khóa tập huấn để thể hiện mong muốn được tham gia các khóa học tiếp theo của Bộ Công Thương. Đồng thời, đưa ra các khuyến nghị để nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động đào tạo, cụ thể: cần thêm đào tạo thực tế tại hiện trường (22%), tiếp đó là cần thêm dẫn chứng thực tế (14%), chia nhỏ kiến thức và kết hợp lý thuyết với thực hành (12%).
Vòng Chung kết Cuộc thi Nhóm cải tiến Năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020 và Diễn đàn Năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020 sẽ diễn ra vào ngày 21/12/2020 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.
Mọi thông tin chi tiết về Cuộc thi Nhóm cải tiến Năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020 cũng như Diễn đàn xin truy cập website tapchicongthuong.vn hoặc Fanpage Năng suất chất lượng để biết thêm thông tin chi tiết.