Ấn Độ dừng điều tra, doanh nghiệp Việt vẫn đứng trước nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá

Ngày 7/5/2021, Ấn Độ cho biết sẽ chấm dứt vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm Ván gỗ MDF có độ dày từ 6mm trở lên sản xuất bởi Công ty CP Kim Tín MDF Việt Nam. Tuy nhiên đi cùng với đó là thông báo có thể xem xét điều chỉnh mức thuế 0% mà doanh nghiệp này đang hưởng từ năm 2015.

Trước đó, ngày 7/5/2015, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ván gỗ MDF (Plain Medium Density Fibre Board) có độ dày từ 6mm trở lên có nguồn gốc xuất xứ từ Indonesia và Việt Nam. 

Năm 2016, tại kết luận điều tra cuối cùng, DGTR kết luận Công ty CP Kim Tín MDF Việt Nam có biên độ bán phá giá dưới mức tối thiểu (de-minimis), do đó Kim Tín không bị áp thuế chống bán phá giá tại thị trường này.

Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, ngày 11/5/2020, DGTR tiếp tục khởi xướng một vụ việc điều tra mới đối với cùng sản phẩm, được sản xuất riêng bởi Công ty Kim Tín. Sau khi xem xét tổng thể vụ việc, ngày 7/5/2021, DGTR quyết định chấm dứt vụ việc này, tiếp tục giữ mức thuế 0% đối với ván gỗ MDF của Kim Tín.

Tuy nhiên, DGTR thông báo có thể xem xét điều chỉnh lại mức thuế của Kim Tín trong quá trình rà soát biện pháp chống bán phá giá năm 2015. Đồng nghĩa, doanh nghiệp Việt vẫn đối diện với nguy cơ cao bị áp thuế tại thị trường Ấn Độ khi cơ quan điều tra nước này tiến hành các cuộc rà soát theo quy định.

Do đó, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp liên quan tiếp tục theo dõi, hợp tác đầy đủ và có các phản biện phù hợp khi Ấn Độ thực hiện rà soát. 

Tại kết luận năm 2016, Ấn Độ đưa ra biên độ phá giá cho các doanh nghiệp ván gỗ MDF của Việt Nam đã tham gia nộp trả lời bản câu hỏi, hợp tác đầy đủ là từ 0% - 15%, biên độ thiệt hại 10% - 40%. Kim Tín là doanh nghiệp được hưởng mức 0%.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam khác không nộp bản trả lời câu hỏi, Ấn Độ áp biên độ phá giá từ 30% - 40%, biên độ thiệt hại 35% - 45%.

Thy Thảo