Ấn Độ vừa áp thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu, siết chặt nguồn cung gạo ra thị trường

Ấn Độ vừa quyết định áp thuế suất lên tới 20% đối với các lô gạo đồ xuất khẩu của nước này nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa. Các chuyên gia cảnh báo giá gạo toàn cầu có thể tiếp tục tăng cao hơn nữa sau động thái trên của Ấn Độ.

Ấn Độ siết chặt xuất khẩu gạo đồ

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ
Ấn Độ hiện là quốc gia xuất khẩu gạo đồ lớn nhất thế giới. (Ảnh: Mint)

Bộ Tài chính Ấn Độ đã chính thức áp thuế xuất khẩu lên tới 20% đối với mặt hàng gạo đồ (basmati). Theo giới truyền thông Ấn Độ, sắc lệnh này được công bố lúc nửa đêm ngày 25, rạng sáng ngày 26/8/2023 (theo giờ địa phương) và có hiệu lực ngay lập tức. Ấn Độ hiện là quốc gia xuất khẩu gạo đồ lớn nhất thế giới với lượng xuất khẩu loại gạo này đạt 7,4 triệu tấn trong năm 2022.

Hiện Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết việc áp thuế 20% đối với các lô gạo đồ xuất khẩu sẽ kéo dài đến ngày 16/10/2023. Các lô gạo đồ đã có đầy đủ giấy phép xuất khẩu, đang nằm tại cảng chuẩn bị xuất khẩu; hoặc chưa được hải quan cấp phép xuất khẩu (LEO) nhưng đã có chứng từ hợp lệ (LC) trước ngày 25/8/2023 sẽ không phải chịu mức thuế trên.

Thị trường gạo thế giới đang trải qua cú sốc cung khi Ấn Độ, quốc gia chiếm 40% thị phần xuất khẩu gạo toàn cầu, đột ngột cấm xuất khẩu toàn bộ các loại gạo tẻ (non-basmati) kể từ ngày 20/7/2023 nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa. Gạo tẻ chiếm tới 80% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Ấn Độ.

Thị phần xuất khẩu gạo của Ấn Độ
Ấn Độ hiện chiếm khoảng 40% tổng lượng gạo xuất khẩu trên toàn cầu và chiếm thị phần lớn trong phân khúc gạo giá rẻ. (Đồ hoạ: Reuters)

Các chuyên gia lo ngại, động thái siết chặt hoạt động xuất khẩu gạo đồ của Ấn Độ sẽ càng khiến giá gạo trên thế giới tăng cao hơn nữa. Hiện giá gạo thế giới đã tăng hơn 20% so với thời điểm đầu năm nay, lên mức cao nhất kể từ cơn sốt giá gạo lịch sử hồi năm 2008. Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người và gần 90% nguồn cung gạo toàn cầu đến từ châu Á – khu vực được dự báo sẽ đối mặt với tình trạng khô hạn do hiện tượng El Nino gây ra.

Xem thêm: "Giá đường nội địa tăng vọt, Ấn Độ sẽ cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023/2024" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Một số kênh truyền thông Ấn Độ cho biết việc Chính phủ Ấn Độ áp đặt mức thuế 20% đối với việc xuất khẩu gạo đồ là nhằm duy trì đủ lượng gạo dự trữ và kiểm soát giá gạo bán lẻ trên thị trường nội địa. Thời hạn 16/10 mà Bộ Tài chính Ấn Độ đề ra cũng là thời điểm nước này bước vào vụ thu hoạch lúa gạo mới. Chính phủ Ấn Độ có thể sẽ dựa trên các ước tính sản lượng của vụ thu hoạch mới để đưa ra các quyết định tiếp theo liên quan đến việc xuất khẩu gạo.

Dự trữ gạo của Ấn Độ hiện đang gấp 3 lần mức quy định

Hãng tin Reuters hiện dẫn một nguồn tin “có tính tin cậy cao” cho biết, tính đến ngày 1/8/2023, lượng gạo dự trữ của Ấn Độ hiện đạt 24,6 triệu tấn gạo, cùng với đó là 13 triệu tấn thóc đang được tồn trữ tại các kho. Con số này cao gấp 3 lần so với mức mục tiêu dự trữ mà Chính phủ Ấn Độ đề ra. Trước đó, vào ngày 1/7, Chính phủ Ấn Độ đã đề ra mục tiêu dự trữ lương thực là 13,5 triệu tấn gạo, bao gồm dự trữ chiến lược 2 triệu tấn cho quý 3/2023.

Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, diện tích lúa vụ Hè tính tới nay đạt 23,7 triệu ha, tăng 1,71% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, những cơn mưa đến muộn vào tháng 7 này được kỳ vọng sẽ giúp nông dân Ấn Độ đẩy nhanh tiến độ gieo sạ.

Cơ quan khí tượng của Ấn Độ cho biết lượng mưa trung bình trong tháng 8 ở nước này có thể thấp hơn mức trung bình hàng năm do ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino. Tuy nhiên, các bang trồng lúa ở miền đông Ấn Độ có thể nhận lượng mưa dư thừa vào tháng 8. Lượng mưa trong tháng 7 trung bình trên toàn Ấn Độ đã cao hơn so với các năm trước.

Một số chuyên gia nhận định nếu dự trữ gạo của Ấn Độ ở mức cao cùng với việc nguồn cung từ vụ mùa mới dự kiến được đưa ra thị trường vào tháng 10 tới đây thì Chính phủ Ấn Độ có thể nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo.

Hiện thị trường gạo khu vực châu Á cũng xuất hiện một số đồn đoán liên quan đến việc Myanmar sẽ siết chặt hoạt động xuất khẩu gạo cho đến vụ thu hoạch Hè – Thu vào giữa tháng 10 này.

Tường Vy