Bắc Giang: Bức tranh kinh tế - xã hội 7 tháng nhiều điểm sáng

7 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, Bắc Giang đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (bên trái) và Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái (bên phải) chủ trì buổi làm việc giữa đoàn công tác của Chính phủ với tỉnh Bắc Giang
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (bên trái) và Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái (bên phải) chủ trì buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Thành viên Chính phủ với tỉnh Bắc Giang

Hút vốn đầu tư gấp 1,53 lần, doanh nghiệp mới thành lập tăng 31,4%

Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Thành viên Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu chiều 14/8/2023, kinh tế - xã hội của tỉnh nửa đầu năm 2023 tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 10,94%; trong đó ngành công nghiệp - xây dựng tăng 13,97% (công nghiệp tăng 15,01%, xây dựng tăng 3,6%); dịch vụ tăng 5,95%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,77%; thuế sản phẩm tăng 4,49%.

Trong 7 tháng năm 2023, Bắc Giang đã thu hút được trên 1,58 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 1,53 lần so với cùng kỳ. Trong đó, cấp mới 13 dự án trong nước, vốn đăng ký 2.045 tỷ đồng; 55 dự án FDI, vốn đăng ký 1.234,25 triệu USD; điều chỉnh 13 dự án trong nước, vốn đăng ký tăng thêm 1.338,7 tỷ đồng; điều chỉnh 25 dự án FDI tổng vốn tăng thêm 208,53 triệu USD.

Tính riêng trong các khu công nghiệp, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 467 dự án đầu tư của 438 doanh nghiệp còn hiệu lực (trong đó có 354 dự án FDI, 113 dự án DDI), sử dụng hơn 172.400 lao động (trong đó, lao động người nước ngoài khoảng 5.300 người, lao động Việt Nam khoảng 167.100); lao động ngoại tỉnh khoảng 52.600 người, thu nhập bình quân người lao động đạt khoảng 7,600.000 đồng/người/tháng.

7 tháng qua, toàn tỉnh có 1.217 doanh nghiệp thành lập, tăng 31,4% so với cùng kỳ; vốn đăng ký 18.427 tỷ đồng, giảm 15,8%; tuy nhiên cũng có 1.163 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, không hoạt động tại địa chỉ, chuyển ra khỏi địa bàn, tăng 8,4 %.

Như vậy, toàn tỉnh hiện có 9.300 doanh nghiệp đang hoạt động (tương ứng khoảng 60% trên tổng số doanh nghiệp đăng ký); vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 18 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng trên 42% doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, 40% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, 18% doanh nghiệp mới đăng ký, đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục gia nhập thị trường.

Ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu; các tồn tại vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của tỉnh
Ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu; các tồn tại vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của tỉnh

Về lao động, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có khoảng 298.600 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, giảm khoảng 4.000 lao động so với cuối năm 2022. Theo thống kê trong 5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp phải cắt giảm trên 16.000 lao động do ảnh hưởng của hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ yếu là lao động thuộc các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử. Tuy nhiên, từ tháng 7 đến nay các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử đã khôi phục sản xuất kinh doanh và tuyển trên 15.000 lao động vào làm việc.

Từ nay đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 70.000 lao động; trong đó một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn như: Công ty TNHH Luxshare - ICT (Vân Trung), các pháp nhân thuộc Tập đoàn khoa học kỹ thuật Hồng Hải, Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam.

"Nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của đa số các doanh nghiệp trên địa bàn Bắc Giang đã phục hồi và tăng trưởng trở lại; qua đó, đã có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của tỉnh", ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhận định.

Nhiều kết quả nổi bật về công nghiệp - thương mại

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 của tỉnh Bắc Giang tăng 2,9% so với tháng 6/2023, tăng 14,8% so với tháng 7/2022; chỉ số 7 tháng tăng 15,6% so với cùng kỳ. Ngành sản xuất sản phẩm điện tử tiếp tục dẫn dắt ngành công nghiệp của tỉnh, một số sản phẩm chủ lực có mức tăng khá như: mạch in đạt 60,27 triệu chiếc tăng 15,8%, đồng hồ thông minh 390.000 cái tăng 95%; máy thu đổi tín hiệu 7,525 triệu chiếc, tăng 33,4%. Một số ngành sản xuất quan trọng cũng có mức tăng khá như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,3 lần; sản xuất thiết bị tăng 41,6%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 2%; sản xuất đồ uống tăng 2,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,76%...

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) 7 tháng của Bắc Giang đạt 281.075 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ, bằng 55,4% kế hoạch. Trong đó: Khu vực kinh tế nhà nước đạt 6.440 tỷ đồng, tăng 9,4%; kinh tế ngoài nhà nước 36.960 tỷ đồng, tăng 40,6%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 237.675 tỷ đồng, tăng 16,9%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng của tỉnh đạt 23,1 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ, trong đó: giá trị xuất khẩu đạt 12,2 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ, bằng 45% kế hoạch; giá trị nhập khẩu đạt 11 tỷ USD, giảm 4,6%, bằng 48% kế hoạch. Các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 85% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh. 

Đáng chú ý, Bắc Giang là địa phương duy nhất ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022 trong 7 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên.

Trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng đạt 31.585 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ, đạt 78% kế hoạch. Vải thiều Bắc Giang năm nay được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó, xuất khẩu khoảng gần 111.200 tấn (chiếm trên 55,1% so với tổng sản lượng tiêu thụ; tăng 46,5% so cùng kỳ); sản lượng tiêu thụ nội địa ước đạt gần 90.500 tấn, chiếm gần 44,9 %. Giá trị doanh thu từ vải thiều và từ các dịch vụ phụ trợ ước đạt khoảng trên 6.876 tỷ đồng, tăng 91 tỷ đồng so với năm 2022.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Cũng theo báo cáo, tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang 7 tháng năm 2023 đạt 7.380 tỷ đồng, giảm 28,4% so với cùng kỳ, bằng 56,2% dự toán. Các doanh nghiệp đã đóng góp khoảng 17,6% tổng thu ngân sách địa phương (không bao gồm tiền sử dụng đất, thu XSKT, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế).

Tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý đến nay là 13.436,6 tỷ đồng; trong đó số vốn giao đầu năm 2023 là 9.948,2 tỷ đồng (đã giao chi tiết 9.463,8 tỷ đồng, còn 484,4 tỷ đồng chưa giao chi tiết1). Tính đến ngày 15/7/2023, tổng giá trị giải ngân chung đạt 4.578,5 tỷ đồng, bằng 35,3% kế hoạch (không bao gồm số vốn chưa giao chi tiết là 484,363 tỷ đồng). Tính riêng kế hoạch vốn giao đầu năm, giá trị giải ngân đạt 3.233,6 tỷ đồng, bằng 34,2%. Hiện có 4/10 dự án khởi công mới do cấp tỉnh quản lý đã khởi công.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện không có dự án trọng điểm Quốc gia, tuy nhiên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định 21 dự án lớn, trọng điểm của tỉnh thuộc diện theo dõi chỉ đạo, tập trung vào các lĩnh vực giao thông, đô thị, hạ tầng khu công nghiệp, dịch vụ và quản lý hành chính; bao gồm: 10 dự án sử dụng vốn đầu tư công, 2 dự án đầu tư theo hình thức PPP, 9 dự án thu hút đầu tư.

"Tỉnh đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng sớm nhất có thể nhằm phát huy hiệu quả, tạo không gian, động lực mới cho tăng trưởng cả trong ngắn hạn và dài hạn", báo cáo nêu rõ.

Kiến nghị gỡ vướng trong cơ chế, chính sách

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Thành viên Chính phủ trong tháng 5/2023, tỉnh Bắc Giang đã đề xuất 27 kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương trên các lĩnh vực. Các đề xuất, kiến nghị của Bắc Giang đã được Bộ Công Thương và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét giải quyết, trong đó có cả những vẫn đề trước mắt và lâu dài. Từ đó, đã tháo gỡ cơ bản những khó khăn vướng mắc của tỉnh trên các lĩnh vực, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung.

Dù vậy, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nhận định, từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ghi nhận việc thiếu đơn hàng, chỉ đảm bảo khoảng 35-50% năng lực sản xuất, những đơn hàng còn tồn cũng bị đối tác hoãn, giãn giao hàng dẫn đến phải cắt giảm quy mô sản xuất, cho người lao động thôi việc, nghỉ việc luân phiên.

Kể từ tháng 5/2023 đến nay, các doanh nghiệp cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn, một số doanh nghiệp đang đầu tư mở rộng sản xuất; đồng thời, có thêm các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh nói chung của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về thị trường đầu ra trong khi chi phí sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng. Việc triển khai các dự án đầu tư, xây dựng gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí nguyên, vật liệu. Việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đề tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn này, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bắc Giang đã kiến nghị với Đoàn công tác của Thành viên Chính phủ nhiều nội dung liên quan đến quản lý và thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài; tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia; quy trình thực hiện đối với các dự án có hạng mục dịch chuyển đường dây Trung thế và Trạm biến áp; bổ sung vốn cho 9 dự án đã có trong danh mục thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025; điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Bắc Giang (vốn ngân sách Trung ương).

Ngoài ra các kiến nghị trên, tỉnh Bắc Giang đề nghị Đoàn công tác quan tâm tổng hợp, đề xuất các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục xem xét giải quyết các đề xuất, kiến nghị của tỉnh tại Báo cáo số 29/BC-UBND ngày 10/5/2023.

Thy Thảo - Phương Thúy