Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của ngành Công Thương diễn ra sáng 7/7, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu, cùng với cả nước, Bắc Giang đối mặt với nhiều thách thức, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, sản xuất gặp nhiều khó khăn do đơn đặt hàng sụt giảm, khó khăn về cung ứng điện, chi phí sản xuất tăng cao, thị trường bất động sản trầm lắng, khó khăn trong tiếp cận vốn vay...
Dù vậy, nhờ nỗ lực ở mức cao nhất, 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, ước đạt 10,94%, đứng thứ 2 cả nước. Trong đó, công nghiệp vẫn giữ vai trò động lực cho tăng trưởng; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 235.555 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ.
Thương mại, dịch vụ của Bắc Giang cũng có bước phục hồi và phát triển toàn diện. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 27.080 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 20 tỷ USD, tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ. Các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử đạt kết quả tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ hàng hóa của tỉnh.
Tuy nhiên, ông Phan Thế Tuấn cũng cho biết, Bắc Giang còn phải đốn diện một số khó khăn trong phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Trạm biến áp 220kV Quang Châu hiện đang vận hành đầy tải. Thời gian tới, khi có thêm các trạm biến áp 110kV (Song Khê 2, Vân Trung 2, Vân Trung 3, Việt Hàn, Việt Hàn 2…) được đấu nối, các tuyến đường dây 110kV khu vực sẽ khó đảm bảo vận hành và các trạm biến áp 220kV sẽ không đảm bảo được công suất để cấp cho các phụ tải.
Sản xuất công nghiệp của Bắc Giang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do chi phí sản xuất tăng cao, đơn hàng sụt giảm, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất gia công linh kiện điện tử, may mặc... Nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ phải giảm quy mô sản xuất, tạm ngừng hoặc ngừng sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới; một số doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng đến giá trị xuất nhập khẩu. Khảo sát thực tế, trong 6 tháng đầu năm, 12 doanh nghiệp có doanh thu chiếm trên 70% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản không tăng trưởng so với cùng kỳ.
Ngoài ra, việc thành lập các cụm công nghiệp tại Bắc Giang vẫn còn gặp khó khăn, chưa đáp ứng kịp thời về không gian, quỹ đất “sạch” thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của tỉnh. Việc quản lý khai thác, vận hành, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp được đầu tư từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh gặp nhiều vướng mắc do chưa có hướng dẫn của Trung ương.
Thực hiện Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phân công Thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn, ngày 11/5/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ khảo sát thực tế 2 dự án công nghiệp, nhà ở xã hội tại tỉnh Bắc Giang và làm việc với lãnh đạo tỉnh.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bắc Giang quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm kịp thời tháo gỡ, khắc phục khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả làm việc, đồng thời có Công văn số 2914/BCT-KHTC ngày 16/5/2023 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bộ để tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất của địa phương, qua đó kiến nghị Thủ tướng phân công cụ thể cho các Bộ, ngành xử lý các vấn đề này.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của ngành Công Thương, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Công Thương sớm xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VIII trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời, có hướng dẫn cụ thể về điện mặt trời mái nhà để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam quan tâm hơn nữa trong công tác đầu tư đối với tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là đầu tư xây dựng Trạm biến áp 220kV Yên Dũng nhằm kịp thời khắc phục được những khó khăn, bổ sung nguồn cấp cho khu vực phụ tải, đáp ứng được chất lượng điện, nguồn điện phục vụ sản xuất cho các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP để có cơ sở và chủ động cho các địa phương ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ sớm ban hành các Nghị định về phát triển và quản lý chợ thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP để đẩy mạnh hoạt động đầu tư xây dựng chợ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản công khi chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ.
Tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 31 và Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020 phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất cho UBND cấp tỉnh để rút ngắn thời gian thực hiện các dự án.