Báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 ngành Công Thương cho thấy, tình hình quốc tế và khu vực trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường đã tác động trực tiếp, đa chiều đến phát triển của mọi quốc gia, trong đó có nước ta.
Ở trong nước, nền kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 và cần có thời gian để tích lũy, phục hồi; nền kinh tế lại có độ mở lớn, năng lực nội tại, sức chống chịu, khả năng thích ứng còn hạn chế,... đặt ra những khó khăn, thách thức lớn.
Trong bối cảnh đó, với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt những kết quả đáng ghi nhận: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối vĩ mô được bảo đảm… GDP quý II tăng 4,14%, cao hơn Quý I (tăng 3,28%), tính chung 6 tháng, GDP tăng 3,72%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức 3,29%…
Đóng góp vào các thành tích chung này, ngành Công Thương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm cao của tập thể Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp toàn ngành đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bằng nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt và đạt nhiều kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2023.
Bức tranh Công Thương 6 tháng nhiều khởi sắc
Cụ thể, sản xuất công nghiệp đã phục hồi 98,8% so với cùng kỳ năm 2022 (là thời điểm kinh tế bùng nổ sau quyết định kịp thời của Chính phủ mở cửa nền kinh tế vào 3/2022). Trong đó, có 48/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng. Một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước đã khôi phục đà tăng trưởng công nghiệp như: Thái Nguyên tăng 4,1%; Quảng Ninh tăng 7,4%; Bắc Giang tăng 15,7%, Hải Phòng tăng 12,3%, TP. Hồ Chí Minh tăng 1,9%, Bình Dương tăng 2,6%; Đồng Nai tăng 3%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: Sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 13,2%; khai thác quặng kim loại tăng 11,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 7,2%; sản xuất thuốc lá tăng 6,7%; sản xuất đồ uống tăng 5,7%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,6%...
Ngành điện tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là vào thời điểm đầu mùa nắng nóng, nhưng đã nhanh chóng khắc phục và cơ bản bảo đảm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Lũy kế 6 tháng năm 2023, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 136,090 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngành dầu khí hoàn thành vượt mức kế hoạch với tổng sản lượng khai thác dầu khí quy dầu ước thực hiện 6 tháng đạt 9,48 triệu tấn quy đổi, vượt 20% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 62% với kế hoạch năm 2023.
Ngành than cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm: Trong 6 tháng đầu năm 2023, than thương phẩm sản xuất khoảng 30,23 triệu tấn, đạt 52,23% kế hoạch năm, tăng 9,32% so với cùng kỳ năm 2022.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, trong bối cảnh khó khăn chung của thương mại toàn cầu, cán cân thương mại đạt mức xuất siêu kỷ lục 12,25 tỷ USD (gấp gần 11 lần so với mức thặng dư 1,16 tỷ USD của cùng kỳ năm trước) góp phần ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,81 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 22,06 tỷ USD.
Trong 6 tháng đầu năm, có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).
Nhập khẩu hàng hóa cơ bản được kiểm soát tốt, kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu là các nhóm hàng phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu chiếm 88,1%; nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát chỉ chiếm 6,2%.
Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm tăng 10,9% so với cùng kỳ), đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân, tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa suy giảm.
Thương mại điện tử tiếp tục là phương thức phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả một lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch; doanh thu thương mại điện tử B2C 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.
Công tác quản lý, đảm bảo trật tự thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa tiếp tục được củng cố, đạt nhiều kết quả tích cực. Từ 15/12/2022-14/6/2023, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 35.678 vụ (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 26.195 vụ vi phạm (tăng 51,2% so với cùng kỳ năm 2022), thu nộp NSNN trên 226 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ năm 2022); chuyển cơ quan điều tra 101 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 87% so với cùng kỳ năm 2022).
Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả các vụ việc thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất và xuất khẩu. Đến hết tháng 6 năm 2023, các nước đã khởi kiện 231 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (bao gồm 128 vụ việc chống bán phá giá, 23 vụ việc chống trợ cấp, 47 vụ việc tự vệ, 33 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại).
Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được tăng cường, thúc đẩy với nhiều phương thức và sáng kiến mới; Việt Nam tiếp tục đóng góp có trách nhiệm trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, APEC, WTO; phát huy hiệu quả thực thi các FTA trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm; đã kết thúc đàm phán FTA giữa Việt Nam và Israel (dự kiến ký kết trong tháng 7/2023); ký tuyên bố cấp Bộ trưởng về ý định tiến tới đàm phán Hiệp định CEPA Việt Nam - UAE và dự kiến khởi động đàm phán, tham gia tích cực các cuộc thảo luận trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF)…
Công tác XTTM tiếp tục được đổi mới; phát huy sáng kiến tổ chức công tác giao ban hàng tháng xúc tiến thương mại của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan nhằm cung cấp thông tin kịp thời về thị trường, những chính sách, quy định mới của các thị trường và các khuyến nghị kịp thời cho các doanh nghiệp. Với sự đổi mới này, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của hệ thống Thương vụ được nâng cao hơn trước rõ rệt.
Công tác quản lý Cụm công nghiệp (CCN) và khuyến công quốc gia được triển khai đồng bộ, hiệu quả; các hoạt động phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, kết nối giao thương tại các địa phương được đẩy mạnh, góp phần phát triển công nghiệp và thương mại tại các địa phương.
Công tác khoa học - công nghệ được chú trọng, các chương trình KHCN cấp quốc gia, trọng điểm cấp Bộ nhằm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn của Đảng đã được xây dựng và thực thi hiệu quả.
Các mặt công tác khác như tổ chức cán bộ; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; bảo đảm an toàn môi trường công nghiệp; thanh tra; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế pháp luật đều được thực hiện một cách quyết liệt, thực chất và đồng bộ.... Các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương và của Chính phủ đều được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động để thống nhất chỉ đạo và tổ chức triển khai hiệu quả trong toàn ngành.
Nhiều trụ cột chưa thể phục hồi hoàn toàn
Dù vậy, Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận, 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ, các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn, chi phí vốn tăng ảnh hưởng đến sự phục hồi của sản xuất; sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu chưa cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt.
Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu chung đều giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp trong nước. Xuất khẩu sang các khu vực, thị trường lớn và kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực đều sụt giảm. Đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm, chưa tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.
Kim ngạch nhập khẩu các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ các ngành hàng xuất khẩu đều giảm sâu ở mức hai con số.
Việc cung ứng điện gặp nhiều khó khăn, phải thực hiện điều hòa phụ tải và tiết giảm điện ở một số địa bàn vào thời điểm nắng nóng gay gắt, ảnh hưởng đến hoạt động Sxuất khẩuD và sinh hoạt của người dân.
Công tác cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính còn chậm đổi mới; Công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu và phát triển ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh.
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân của tình trạng trên có cả yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó vấn đề suy giảm về nhu cầu nhập khẩu tại thị trường các nước phát triển, đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU là yếu tố tác động mạnh nhất, trực tiếp nhất; chi phí đầu vào, nguyên vật liệu và lãi suất cho vay tăng cao, trong khi giá các mặt hàng xuất khẩu không tăng hoặc giảm.
Ngoài ra, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp còn khó khăn; thị trường năng lượng thế giới diễn biến phức tạp; tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước kéo dài, làm cho lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên cả nước đều giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước, ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy thuỷ điện, gây nguy cơ thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng.
Về chủ quan, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của một số đơn vị, bộ phận, cá nhân chưa tốt; năng lực, trình độ, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao; sự phối hợp trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giữa các đơn vị, bộ phận trong Bộ và phối hợp với bộ, ngành, địa phương có lúc, có việc còn chưa tốt; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát ở một số đơn vị chưa sâu sát, kịp thời...
"Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ chỉ đạo các đơn vị nhìn nhận một cách thẳng thắn, cầu thị để nghiêm túc rút kinh nghiệm và có các giải pháp để khắc phục kịp thời, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới", Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Sáu nhóm giải pháp trọng tâm
Để hoàn thành các chỉ tiêu được Chính phủ giao cả năm 2023, trong bối cảnh tình hình 6 tháng cuối năm còn diễn biến phức tạp, thuận lợi và khó khăn đan xen, ngành Công Thương sẽ tập trung thực hiện các giải pháp:
Một là, tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ. Tập trung cao để hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương năm 2023, các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành.
Hai là, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn và an sinh xã hội trong tình hình mới; kịp thời nắm bắt, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, than, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng; chủ động xây dựng phương án điều tiết thị trường, đảm bảo cung ứng, phân phối xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường tìm đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp: (i) Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu; (ii) Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm. (iii) Mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua công tác XTTM, công tác Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phát triển TMĐT; (iv) Tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhất là DN lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.
Bốn là, tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước: Tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước và các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ; Triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước; Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước...
Năm là, triển khải đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực phát triển công thương địa phương, xúc tiến thương mại, phòng vệ thương mại, quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường và các mặt hoạt động khác, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Sáu là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.