Liên bang Nga là một thị trường lớn với dân số 145 triệu người. Năm 2009, thị trường Nga NK 267 tỷ USD hàng hóa, bao gồm nhiều chủng loại khác nhau, trong đó có nhiều mặt hàng là thế mạnh XK của Việt Nam như gạo, chè, cà phê, cao su, hạt điều, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, dệt may, giày dép… Trong khi đó, XK hàng hóa của Việt Nam vào Nga mới chiếm khoảng 0,24% tổng kim ngạch NK của thị trường này.

Những năm gần đây, trao đổi thương mại 2 chiều Việt – Nga có bước phát triển nhanh, kim ngạch tăng từ 300 triệu USD năm 1990 lên 1,83 tỷ USD năm 2009. Hiện nay, Nga đứng thứ 23/81 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với 59 dự án, tổng vốn 302,9 triệu USD. Việt Nam có 11 dự án FDI tại Nga, tổng vốn 34 triệu USD. Dầu khí và năng lượng là 2 lĩnh vực hợp tác truyền thống và có hiệu quả nhất giữa hai nước trong nhiều năm. Ngoài việc gia tăng kim ngạch, còn có sự cải thiện đáng kể về cơ cấu hàng hóa trao đổi giữa hai nước. Tuy nhiên, kim ngạch mậu dịch song phương còn ở mức thấp, đặc biệt Việt Nam đang ở thế nhập siêu lớn từ Nga. Nhiều hàng hóa của Việt Nam có chất lượng cao, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường Nga, nhưng trên thực tế, các DN Việt Nam còn ít quan tâm đến thị trường Nga. DN và người tiêu dùng Nga vẫn chưa hiểu nhiều về DN Việt Nam cũng như khả năng XK hàng hóa đa dạng của DN Việt Nam, trong khi đó, các DN của nhiều nước ASEAN đã rất nỗ lực đẩy mạnh XK hàng hóa vào thị trường Nga thông qua các chương trình xúc tiến thương mại.

Các DN Việt Nam đã nhiều năm làm ăn tại thị trường Nga cho rằng, đây là một thị trường quen thuộc, nhưng có nhiều nét mới, nếu không cập nhật thì DN sẽ khó khăn trong kinh doanh. Theo tập quán kinh doanh, nhiều DN Nga khi NK hàng nông sản, thực phẩm thường không mở L/C, mà chọn phương thức thanh toán T/T nhiều lần, bên mua đặt cọc 10 – 20% giá trị lô hàng rồi trả nốt phần còn lại khi nhận được hàng. Theo phương thức này, phần rủi ro thuộc phía DN XK nước ngoài, vì thế các DN Việt Nam ngại làm ăn với các nhà NK Nga. Nhìn chung, DN Việt Nam còn yếu ở khâu tiếp thị, chưa nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và những thay đổi trên thị trường Nga. Chi phí vận tải lớn cũng là một khó khăn không nhỏ đối với các DN XK của Việt Nam. Hiện nay, Thương vụ Việt Nam tại Nga đang cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga và một số Hiệp hội ngành hàng tại Nga, tìm biện pháp hỗ trợ các DN XK của Việt Nam trong việc kết nối với các DN NK của Nga để tuyên truyền, quảng bá về DN và về hàng hóa XK của Việt Nam tới người tiêu dùng Nga.

Thời gian qua, hầu hết hàng hóa XK của Việt Nam vào thị trường Nga mới chỉ tới được các thành phố lớn, chứ chưa tới được các địa phương xa ở Nga. Trong khi đó, thị trường Nga rất rộng lớn, lại có nhu cầu tiêu thụ cao đối với nhiều chủng loại hàng hóa mà Việt Nam hoàn toàn có thể XK. Vì thế, triển vọng thị trường rất lớn. Lâu nay, các DN của hai nước tham gia hoạt động thương mại thường là DNNVV nên nguồn vốn hạn chế, lại không quan tâm nghiên cứu thị trường và khai thác các cơ hội hợp tác. Ở thị trường Nga, các DN phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt, thị trường lại thiếu linh hoạt về cơ chế thanh toán, thiên về trả chậm khi NK và trả trước khi XK. Bên cạnh đó, thị trường Nga còn áp dụng những rào cản kỹ thuật bằng thuế quan và phi thuế nhằm bảo hộ sản xuất trong nước (ví dụ đưa ra lệnh cấm hoặc hạn chế NK đối với một số mặt hàng như nông – thủy sản, thịt đông lạnh…). Những trở ngại về thủ tục hành chính, hải quan… cũng gây không ít khó khăn cho DN khi tham gia thị trường. Sự hạn chế về khả năng tài chính của DN Nga cũng khiến cho nhiều cơ hội kinh doanh bị bỏ qua. Sự ra đời và hoạt động của Ngân hàng liên doanh Việt – Nga (VRB) trong 3 năm qua đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho DN của hai nước trong khâu thanh toán, đã có hàng ngàn thương vụ kinh doanh được thực hiện thông qua VRB. Để bảo đảm lợi ích của các nhà XK Việt Nam, VRB đã cung cấp nhiều dịch vụ ngân hàng với sản phẩm thanh toán đặc thù phù hợp với thị trường Nga. VRB còn hỗ trợ các DN XK của Việt Nam trong việc lựa chọn các đồng tiền thanh toán hoặc phương thức thanh toán phù hợp giúp hạn chế rủi ro (hiện nay, VRB đang sử dụng 3 đồng tiền trong thanh toán là USD, EUR và RUB).

Do tập quán kinh doanh cũng như độ tin cậy lẫn nhau giữa các DN hai nước, nên các phương thức thanh toán quốc tế thông dụng ít được sử dụng. Trong nhiều trường hợp, các hợp đồng XNK và thanh toán giữa các đối tác hai nước không được tiến hành trực tiếp, mà lại thực hiện qua bên thứ 3, điều này làm tăng thêm chi phí giao dịch và rủi ro các cho DN hai nước. nga vẫn là một thị trường tiêu thụ lớn đối với các nhóm hàng nông sản, thủy – hải sản và thực phẩm chế biến. Đối với mặt hàng nông sản, trung bình thị trường Nga NK khoảng 300 ngàn tấn gạo/năm…, chè 200 ngàn tấn/năm, cà phê 100 ngàn tấn/năm; hàng may mặc, giày dép XK cũng rất có triển vọng, nhưng lâu nay XK của Việt Nam còn hạn chế. Từ cuối tháng 12/2008, Nga áp dụng lệnh cấm NK thủy – hải sản của Việt Nam vì lý do VSATTP, khiến cho XK của Việt Nam sang Nga bị giảm sút trong năm 2009 (từ tháng 5/2009, phía Nga đã mở cử trở lại cho 30 DN thủy sản Việt Nam được XK vào Nga). Trước thời điểm ban hành lệnh cấm NK, trong các năm 2007 – 2008, XK thủy sản của Việt Nam sang Nga chiếm khoảng 11% về lượng và 5% về kim ngạch XK mặt hàng thủy sản của cả nước, trong đó phần lớn là cá tra và cá ba sa (chiếm 95% về lượng và 88% về kim ngạch XK thủy sản nói chung). Theo VASEP, đến giữa năm 2010, XK cá tra và cá basa của Việt Nam vào thị trường Nga đã nhích dần lên và nga đang lấy lại vị thế trong tốp các thị trường NK lớn sản phẩm này của Việt Nam. Để tăng kim ngạch XK, các cơ sở chế biến thủy sản XK phải đáp ứng yêu cầu VSATTP trong cả chuỗi sản xuất từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm. Các sản phẩm thủy sản của Việt Nam được phép XK vào Nga với điều kiện phải được sản xuất tại các cơ sở chế biến được công nhận đáp ứng yêu cầu do phía Nga đưa ra và phải được Cục Kiểm dịch động – thực vật Nga (VPSS) kiểm tra, công nhận, đưa vào danh sách được phép XK vào Nga.

Trong những năm qua, cơ cấu trao đổi hàng hóa giữa hai nước khá ổn định và theo hướng phát huy lợi thế so sánh của mỗi bên. Điều này cho thấy tính bổ sung lẫn nhau giữa 2 thị trường đang được phát huy, mặc dù có sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhưng những mặt hàng thế mạnh của mỗi nước đã giành được những vị thế nhất định trên thị trường của nhau. Tuy nhiên, sự hợp tác còn ở mức thấp so với tiềm năng, trao đổi thương mại 2 chiều mới chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch mậu dịch của mỗi nước. Thực trạng trên đây là do một số nguyên nhân, đó là: Sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Nga còn yếu, chi phí vận tải cao hơn nhiều so với khi làm ăn với các đối tác ở gần, hoạt động xúc tiến thương mại của các DN Việt Nam tại thị trường Nga còn ít. Những năm qua, các DN Nga tập trung nhiều trong phát triển quan hệ với thị trường các nước phương Tây, trong khi ít quan tâm đến thị trường châu Á và Việt Nam. Trình độ phát triển kinh tế và mức độ hội nhập kinh tế thế giới của hai nước có khác nhau, cho tới nay Nga vẫn là thị trường có nhiều rào cản về kỹ thuật và thương mại, thuế NK và thuế VAT cao (thuế đánh vào hàng tiêu dùng NK ở mức trung bình 20 – 30%). Các qui định của thị trường Nga đối với hàng hóa NK rất chặt chẽ, qui định về quản lý tài chính và tín dụng khá phức tạp. Việc trao đổi hàng hóa giữa hai nước chủ yếu do các DN tư nhân và tư thương người Việt ở Nga thực hiện, nên hoạt động manh mún và thiếu bài bản. Chính phủ Nga chủ trương bảo hộ mậu dịch, tăng thuế NK, áp dụng hạn ngạch, tạo dựng hàng rào phi thuế… vì thế đã hạn chế không ít đến XK những mặt hàng truyền thông của Việt Nam. Lâu nay, nhiều DN Việt Nam vẫn quan niệm Nga là thị trường dễ tính, nên đã đưa vào tiêu thụ nhiều hàng hóa chất lượng kém, sau khi phát hiện ra nhiều chủng loại hàng hóa không bảo đảm chất lượng và VSATTP, phía Nga liên tục đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt đối với hàng hóa NK từ Việt Nam (nhất là đối với nông sản và hải sản).

Trong thời gian tới, hai nước cần có những biện pháp theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại song phương như các chính sách ưu đãi về thuế đối với hàng hóa và dịch vụ của mỗi bên, dỡ bỏ dần các rào cản thương mại, cải thiện cơ chế thanh toán, các DN của hai nước cần tăng cường quan hệ trực tiếp. Hướng tới mục tiêu 3 tỷ USD trao đổi thương mại 2 chiều năm 2012 và 10 tỷ USD năm 2020, các DN hai nước cần phải nỗ lực rất lớn, trong đó quan trọng nhất là xây dựng hành lang pháp lý cho hàng hóa XK của mỗi nước. Nhanh chóng ký kết hiệp định về chất lượng hàng nông – lâm – thủy sản giữa hai nước. Về lâu dài, xúc tiến việc đàm phán để ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam, Nga với Liên minh Hải quan Nga – Cadăctan – Beelarus. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại thường xuyên tại thị trường Nga, bởi hiện nay tại thị trường này đang diễn ra cạnh tranh gay gắt giữa nhiều chủng loại hàng hóa tương đồng đến từ nhiều xuất xứ. Các biện pháp xúc tiến hữu hiệu lúc này là: Đưa hàng hóa tham gia hội chợ, triển lãm; cử các đoàn đi khảo sát thị trường; tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh, nhất là đối với những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh. Việc nâng cao chất lượng hàng hóa XK là rất quan trọng để duy trì và tăng thị phần, đi đôi với các mặt hàng XK mới vào thị trường Nga.

  • Tags: