BCĐ 389 Hà Nội: Chủ động ngăn ngăn buôn lậu, hàng giả đạt nhiều kết quả tích cực

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội vừa có báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng thực hiện Kế hoạch số 92/KH-BCĐ 389 ngày 13/9/2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa.

Phát hiện nhiều vụ việc vi phạm pháp luật

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội, sáu tháng qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ, các chất ma túy qua biên giới tại khu vực sân bay quốc tế Nội Bài và ở các địa bàn Hải quan quản lý vẫn diễn biến phức tạp.

Lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, như: Vi phạm về khai hải quan, vi phạm trong báo cáo quyết toán đối với hàng gia công, sản xuất, xuất khẩu, hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế, không thực hiện tái xuất, tái nhập hàng hoá đúng thời hạn đã đăng ký với cơ quan hải quan; nhập khẩu hàng hoá không có giấy phép, hàng cấm xuất khẩu, nhập khẩu, các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; hàng hóa có thuế suất cao, trị giá trị lớn (mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa, rượu, xì gà…); vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép các loại ma túy (cần sa, ma túy tổng hợp...) dưới nhiều hình thức, với thủ đoạn ngày càng tinh vi như bỏ ma túy vào ngăn giả các túi xách, bao bì, trong các lọ thuốc, thực phẩm chức năng, các hộp bánh kẹo, mỹ phẩm, trong vật dụng gia đình.

BCĐ 389 Hà Nội: Chủ động ngăn ngăn buôn lậu, hàng giả đạt nhiều kết quả tích cực

Lực lượng chức năng Hà Nội đang kiểm tra lô hàng hoá vi phạm

 

Cạnh đó, một số đối tượng đã lợi dụng tiêu chuẩn hành lý cá nhân mang hàng giá trị cao như điện thoại di động, thuốc tân dược, thuốc lá, xì gà, thậm chí là cả tổ bay cũng có những hành vi vận chuyển những hàng trị giá cao.

Trong địa bàn nội địa, hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu không có hóa đơn, chứng từ, hàng giả, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm… diễn biến phức tạp, nhất là vào thời điểm dịp Tết Nguyên đán 2023.

Các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại sử dụng phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, chủ yếu hoạt động theo phương thức nhỏ lẻ như cất giấu hàng hóa vi phạm trong bao bì hàng hóa hợp pháp khác; sử dụng nhiều phương tiện để vận chuyển hàng hóa vi phạm; thay đổi địa bàn cất giấu hàng hóa, tuyến đường, phương tiện vận chuyển, thời gian hoạt động; các tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động của nền tảng số như Facebook, Zalo, Tiktok, Instagram để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nên khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.

Tại các xã vùng xa, các đối tượng tìm cách đưa hàng sắp hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng chưa qua kiểm dịch để tiêu thụ... 

Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả

Ngay sau khi Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành Kế hoạch số 92/KH-BCĐ389, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành thành viên, Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát đối với những lĩnh vực, ngành hàng, các địa bàn nổi cộm, trọng tâm, trọng điểm; phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ án, vụ việc, đường dây, đối tượng vi phạm, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội giao Cục Quản lý thị trường Hà Nội - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông thường xuyên cập nhật, kịp thời đăng tin, bài, phóng sự về kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; để các tổ chức, đoàn thể và nhân dân hiểu được các quy định của pháp luật, từ đó cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bảo vệ lợi ích chính đáng của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quyền lợi người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường trong nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội kiến nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ đạo các lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương tăng cường công tác phối hợp liên ngành đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại tại các cửa khẩu biên giới, các ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không quốc tế... nhằm ngăn chặn tội phạm ngay từ các cửa khẩu biên giới, hạn chế mức tối đa hàng hóa nhập lậu được thẩm lậu qua các cửa khẩu biên giới vận chuyển về Hà Nội;

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức tập huấn về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn cho các lực lượng chức năng trực tiếp thực hiện kiểm tra và xử lý vụ việc nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới...

Kết quả, từ ngày 15/9/2022 - 15/3/2023, các lực lượng chức năng - Ban Chỉ đạo 389 Thành phố phát hiện, bắt giữ, xử lý 13.468 vụ việc vi phạm (tăng 1,3% so 6 tháng trước khi thực hiện kế hoạch số 92).

Trong đó, các đơn vị phát hiện, bắt giữ 2.044 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 20% so 6 tháng trước khi thực hiện kế hoạch số 92); 10.759 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 2,4% so 6 tháng trước khi thực hiện kế hoạch số 92); 629 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 9% so 6 tháng trước khi thực hiện kế hoạch số 92).

Thu nộp ngân sách nhà nước 2.021,912 tỷ đồng (tăng 2,2% so 6 tháng trước khi thực hiện kế hoạch số 92); khởi tố hình sự 90 vụ (tăng 60% so 6 tháng trước khi thực hiện kế hoạch số 92), 117 đối tượng (tăng 36% so 6 tháng trước khi thực hiện kế hoạch số 92).

 

PV