Sức cám dỗ của miền đất hiền hòa

Đoàn chúng tôi bắt đầu chuyến du lịch tới đất nước Triệu Voi vào giữa tháng 7, đúng vào giữa mùa mưa vốn được bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến hết tháng 11. Đây được coi là thời điểm lý tưởng để đi t

Nước Lào quyến rũ bởi bầu không khí êm ả bí ẩn của nó, bởi tập quán hiền lành, con người vui vẻ, ân cần và hiếu khách. Ân tượng đầu tiên đối với du khách là sự thưa thớt dân cư. Diện tích 236.800 km2 nhưng dân số chưa đầy 6 triệu người, Lào là một đất nước thanh bình và trầm mặc.

 

Vientiane 24h

Chặng dừng chân đầu tiên của chúng tôi là thủ đô Vientiane. Không cần phải ở Vientiane lâu cũng có thể nhận thấy rằng, đây là một thủ đô tĩnh lặng, dễ mến. Ðể đi một vòng quanh thành phố, bạn chỉ cần một chiếc xe đạp và 24 tiếng đồng hồ, sẽ lĩnh hội được toàn cảnh Vientiane.

Vientiane có đến hai tên: Vientiane-thủ đô và Vientiane-thị trấn. Xưa kia, đã có một thời địa phận Vientiane vốn thuộc đế quốc Khmer và trong biên niên sử của Lào có ghi, Vua Fa Ngum đã đánh chiếm hai vùng đất này để mở mang bờ cõi. Vientiane trở thành thủ đô Vương Quốc Lào từ 1563. Cả hai Vientiane gộp lại rộng 19.837 km2 với dân số 1.066.600 người (2004). Vientiane được chia ra bốn khu chính: Chanthaboury và Saysettha là trung tâm; Sikhottabong phía Tây và Sisattanak phía Nam. Chính vua Setthathirat đã cho xây dựng cảnh quan That Luang với ngôi chùa và đại tháp cùng tên (1566) và Chùa Phra keo (1565) nổi danh cho đến ngày nay. Lào hiện có 1.400 ngôi chùa, nên người ta gọi Xứ Lào là Xứ Chùa. Do đó, đến Vientaine bạn nên viếng thăm mấy cảnh chùa (Vat) nổi tiếng như cảnh quan That Luang và Chùa Phra Keo nói trên, Chùa Ông Tự, Chùa Sí Mương, Chùa Sisaket, đặc biệt là Suốn Xiêng Khuôn (tục gọi là Suốn Phụt tức Vườn Chư Phật) quần thể hàng trăm bức tượng đúc theo Phật thoại, trong vùng Thà-Đừa, gần cầu Hữu Nghị Lào-Thái. Ở Vientiane còn có một ngôi chùa Việt tên Bàng Long, khá nguy nga. Từ sáng, trên đại lộ Lan Xang, bạn đã thấy sừng sững đài Anou Savary (đài chiến sĩ vô danh) đã được đổi tên thành Patousay (Khải Hoàn Môn) sau năm 1975 toạ lạc giữa bùng binh ranh giới phố Vientiane và khu vực That Luang. Đài Anou Savary được tạo dựng từ 1958, phần dưới và ngoài mô phỏng theo đài Arc de Triumphe tại Paris, phần trên và trong gồm những nét kiến trúc, phù điêu đặc thù Lào. Đứng trên tầng cao nhất của Anou Savary, ta có thể thấy toàn diện cảnh quan Vientiane.

Con đường huyết mạch ở Vientiane là đường Sí Mương-Samsenthay, sầm uất trù phú, dấu ấn kiến trúc còn lại của thực dân Pháp chạy xuyên suốt từ khu That Khao lên trung tâm Ô-Điên - SengLao, ra đến vùng Si Khay - Wattay, rồi ngừng lại, nhường cho kiến trúc cổ truyền Lào: Nhà sàn. Quả thật, người Pháp chỉ thành công khi " khai hoá " các phố thị Lào, nhưng đã thất bại hoàn toàn đối với hương thôn xứ này. Vientiane nằm thoai thoải ven sông Mêkông, bên kia bờ là tỉnh NongKhai (Thái Lan). Tại khúc sông này, năm 1994, Chính phủ Úc đã tài trợ xây chiếc cầu Hữu Nghị Lào-Thái (Lao-Thai Friendship Bridge) dài 1.240m. Hiện, bên bờ sông Vientiane vẫn chưa được khai thác đúng mức, chủ yếu mới chỉ có mặt hàng ăn, quán cóc. Quán cóc ven bờ sông Vientiane rất đa dạng về thực phẩm, bạn có thể gọi bất cứ món ăn của  Lào, lạ miệng, ngon mà giá cả lại rất phải chăng. Sau một ngày cùng nhau đi vãn cảnh Thủ đô, chân cẳng rã rời, khi trời đã chạng vạng, ban đừng quên ra bờ sông gọi vài chai bia Lào (Beer Lao) hay vài trái dừa nướng ướp lạnh, gắp thịt gà nướng, đĩa Tằm Mạc Hùng (nộm đu đủ), đĩa lạp bò chín hay tái (gỏi thịt), tô canh chua gà hay cá, típ xôi trắng dẽo hay nếp lam nướng trong ống tre... Gió sông hây hẩy, trời chiều bảng lảng, dường như Vientiane không có chỗ cho những phiền toái lo âu?

Thiên đàng cuối cùng

Cách Vientiane khoảng 450 km về phía Bắc là Luang Phrabang. Quả thật không ngoa khi người ta ví cố đô Luang Phrabang một cách hình ảnh là “thiên đàng cuối cùng”. Luang Prabang có vẻ đẹp mơ màng, thoát tục. Ở đây, thời gian như ngưng đọng. Sáng sớm tinh mơ, dưới dòng sông êm đềm, thuyền bè hiện ra trong sương mù, đổ lên bờ các thứ gạo, rau, heo, rượu… Và ở đây cũng có những chiếc thuyền đưa khách đến hành hương Pak Ou, nơi có những hang động đá vôi nằm trên sông, chứa đầy những sự tích. Sự hấp dẫn của cố đô Luang Prabang còn bởi cảnh sống hàng ngày rất đỗi bình thường như ánh lửa hồng bùng lên từ những thanh củi đốt và những nhà sư trong những chiếc áo tu màu vàng chầm chậm đi khất thực. Ngoài vẻ đẹp của thành phố, ẩn trong những dãy núi ở Nam Lào là một mũi đất mà một bên là dòng Mêkông, bên kia là nhánh sông Nậm Khan với cảnh sắc cực kỳ hấp dẫn và chưa hề bị ô nhiễm. Nhà thám hiểm và cũng là nhà tự nhiên học người Pháp thế kỷ 19, ông Henri Mohount đã miêu tả thành phố này là một thiên đường "có ánh nắng rực rỡ của miền nhiệt đới và nếu cái nắng giữa trưa quá nóng thì cũng dịu bớt đi rất nhiều vì những cơn gió nhẹ dịu mát thổi về".

Luang Prabang một thời đã là kinh đô của Lào. Từ Vientiane, chỉ có một con đường duy nhất cắt ngang qua những dãy núi cao sừng sững phải đi mất một ngày đường mới tới nơi. Trên đường phố Luang Phrabang rất hiếm thấy phương tiện xe mô tô hai bánh mà chủ yếu là loại xích lô máy còn có tên là túc-túc rất thịnh hành và đã trở thành một thứ "tắc xi" nơi đây. Rời xa những khu vực ồn ào chen chúc, dường như sự thanh bình, yên ả vẫn ngự trị ở Luang Phrabang cho dù các triều đại vua chúa giờ đây không còn nữa.

Luang Phrabang còn được coi là một trung tâm tôn giáo. Một điều hết sức đặc biệt là vào mùa mưa, nhiều thanh niên Lào đã trở thành sư trong thời gian 3 tháng. Họ mặc những chiếc áo cà sa và mang những chiếc ô vàng khi tản bộ trên những nẻo đường yên ả của Luang Prabang.

Từ Luang Prabang đi bằng tàu trong hai tiếng, ta có thể nhìn thấy những vách đá vôi cao sừng sững vươn tới một điểm nơi sông Me Kong được hợp nhất bởi ngọn núi Nam Ou. Những vách đá cheo leo này như đang mời gọi lòng dũng cảm của những người thợ leo núi đá. Đối diện với núi Nam Ou là những hang động Pak Ou mà trải qua nhiều thế kỷ, vầng hào quang của Phật như được tạo ra từ hai chiếc hang gần đó. Chúng chứa đựng hàng ngàn điều thần bí và nhiều hang động mang phong cách rất "Lào" kiểu như "gọi nước" (calling the waters).

Khi ánh mặt trời lặn, hoàng hôn dần xuống dòng sông Mê Kông nghĩa là một ngày đã kết thúc. Từng đám khói bốc lên từ bếp than của các gia đình đang nấu bữa cơm chiều lan qua những tán lá cây. Những chú gà trống choai không có khái niệm về thời gian cũng phải về chuồng, và cả những con quạ bay ngang đường lúc chạng vạng tối. Tất cả như muốn nói rằng, sự thanh bình luôn hiển hiện tại Luang Phabang.

Người ta biết đến đất nước Lào còn bởi một số địa danh đã trở nên vô cùng quen thuộc mà vẫn huyền bí, kích thích sự tò mò như Cánh Đồng Chum ở Xiêng Khoảng, những làng dân tộc thiểu số phía Đông hay Đông - Bắc, về phía Sầm Nưa. Vùng Nam Lào cũng có những địa chỉ đáng bỏ công tìm đến như cao nguyên Boloven, xứ sở của những vùng trà và cà phê bát ngát, những rừng hoang dã phong phú, "bốn ngàn đảo" nhỏ của sông Mê Kông giáp biên giới Campuchia và di tích đền cổ Khmer Wat Phu.

Đông Dương - vùng đất rộng có vẻ như luôn nằm bên lề của những bước nhảy hiện đại hóa của thế giới suốt mấy thập kỷ, nay đang thức dậy, trở thành những địa chỉ du lịch mới hấp dẫn nhất, trong đó có Lào, một xứ sở đầy quyến rũ. Có rất nhiều người nước ngoài khi được hỏi nói nếu được lựa chọn nơi sống đều trả lời là sẽ chọn Lào và Vientiane, chứ không phải Bangkok hay Singapore, Hồng Kông. Có điều phải nói ngay rằng, nếu mục đích của bạn khi đến đất nước này là để tìm kiếm những thú vui tiện nghi theo tiêu chuẩn bốn năm sao phương Tây, những bãi tắm đẹp như mơ, những kỳ nữ trẻ đẹp, gợi cảm và những dịch vụ trên trời dưới biển... thì lời khuyên tốt nhất cho bạn là hãy ở nhà, bởi bạn sẽ uổng công, hao tiền, tốn sức. Xứ xở đang được nói tới là một nơi hoàn toàn khác…

  • Tags: