Bộ Công Thương nhận định, các ngành công nghiệp trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy nền công nghiệp quốc gia nói riêng và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung theo định hướng của Đảng và Nhà nước là các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn theo chủ trương, định hướng của Đảng về công nghiệp hóa đất nước.
Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu: Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên nguồn lực, có các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát triển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù.
Vì vậy, việc ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm trong tình hình, bối cảnh hiện nay là vô cùng cấp bách.
Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị và mới đây nhất là Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể:
- Thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hướng đến xây dựng nền công nghiệp độc lập, tự chủ, tự cường, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Kiến tạo được một số đột phá về chính sách, pháp luật để xử lý các điểm nghẽn cơ bản trong phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm theo hướng từ theo chiều rộng sang theo chiều sâu, từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao đồng thời tạo đột phá về quá trình hiện đại hóa trong công nghiệp.
- Đẩy mạnh phân công, phân cấp thông qua tạo cơ sở pháp lý khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của các Bộ, ngành địa phương trong khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương.
Một số hạn chế trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm ở nước ta hiện nay
Thứ nhất, là chưa có hành lang pháp lý xác định rõ trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm trong quá trình công nghiệp hóa.
Hệ thống pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể hóa về việc xác định các ngành công nghiệp trọng điểm, then chốt cũng như chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển các ngành này.
Thứ hai, pháp luật hiện hành về nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành công nghiệp trọng điểm còn rời rạc, hiệu lực pháp lý thấp hoặc chưa được xây dựng.
Các giải pháp hỗ trợ về thị trường chưa được quan tâm đúng mức trong quá trình xây dựng chính sách công nghiệp; cơ chế, chính sách cho ứng dụng, chuyển giao, cải tiến, đổi mới quy trình công nghệ sản xuất trong các ngành công nghiệp.
Thứ ba, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về cơ chế thúc đẩy, phối hợp chính sách một cách có lộ trình theo hướng phát triển bền vững trong sản xuất công nghiệp – đặc biệt là các ngành công nghiệp trọng điểm phù hợp với xu hướng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, sản xuất xanh, bền vững.
Do chưa có hệ thống pháp lý cho các chính sách phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và bảo đảm các nguồn lực cho thực hiện các chủ trương về phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp trọng điểm nói riêng còn rất hạn chế...
Ngoài ra, còn một số hạn chế khác như:
Thứ nhất, môi trường kinh doanh thời gian qua tuy có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến tính ổn định trong việc phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm vốn yêu cầu các chính sách cần mang tính ổn định, dài hạn, tầm nhìn chiến lược.
Thứ hai, năng lực cạnh tranh của bản thân các danh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp trọng điểm còn rất nhiều hạn chế.
Thứ ba, trình độ lao động, trình độ quản lý trong các doanh nghiệp nội còn nhiều hạn chế dẫn đến năng suất lao động trong các ngành công nghiệp còn thấp, ảnh hưởng nhiều đến năng lực cạnh tranh chung.
Thứ tư, những cam kết hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp trọng điểm.
3 chính sách đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm
Chính sách 1: Xây dựng, ban hành và triển khai Chương trình quốc gia về phát triển công nghiệp.
Mục tiêu của chính sách nhằm khắc phục sự thiếu tính chiến lược, kế hoạch trong định hướng phát triển công nghiệp trong thời gian qua; làm căn cứ bảo đảm tính khả thi trong việc bố trí các nguồn lực phát triển công nghiệp tập trung vào các ngành trọng điểm, then chốt, có ý nghĩa quan trọng, đòn bẩy; bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp trọng điểm.
Nội dung của chính sách bao gồm xây dựng, ban hành, triển khai và giám sát thực thi Chương trình quốc gia về Phát triển công nghiệp, với nội dung xác định quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm trên phạm vi toàn quốc trong từng thời kỳ và tổ chức sử dụng các nguồn lực của đất nước từ Trung ương đến địa phương để bảo đảm thực hiện các quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm của quốc gia.
Chính sách 2: Nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp trọng điểm
Mục tiêu của chính sách nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư trong các ngành công nghiệp trọng điểm; thúc đẩy phát triển công nghiệp theo mô hình cụm liên kết ngành. Bảo đảm thống nhất với quy hoạch phát triển tổng thể quốc gia, của vùng và của tỉnh theo ngành, nghề, cụm ngành; Nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất công nghiệp. Khắc phục từng bước tình trạng sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Việt Nam chủ yếu mang tính chất gia công, giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, chưa tiếp cận được về chuyển đổi số hướng đến sản xuất thông minh; Thúc đẩy việc hình thành chuỗi giá trị công nghiệp thông qua các chính sách phát triển doanh nghiệp dẫn đầu và doanh nghiệp tiềm năng.
Nội dung của chính sách bao gồm: Ban hành khung chính sách nâng cao hiệu quả đầu tư trong các ngành công nghiệp trọng điểm, với trọng tâm là các ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư đặc biệt nhằm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghệ cao, tỷ lệ giá trị sản xuất tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị của dự án đầu tư công nghiệp; Thúc đẩy hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp với vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn và kết nối giữa doanh nghiệp dẫn dắt cụm với các doanh nghiệp vệ tinh để hình thành chuỗi giá trị; Nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất công nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về thị trường, vốn, nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ, quy trình sản xuất… cho doanh nghiệp; Có các cơ chế phát triển các doanh nghiệp dẫn đầu và doanh nghiệp tiềm năng theo định hướng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chính sách 3: Phát triển bền vững trong công nghiệp
Mục tiêu của chính sách nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững kinh tế tuần hoàn; giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu… dần hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới.
Nội dung của chính sách bao gồm bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng trong phát triển công nghiệp: Lộ trình xanh hóa, giảm phát thải, giảm tiêu hao năng lượng, hướng tới sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
Theo dự thảo đề xuất, Bộ Công Thương có trách nhiệm:
- Đầu mối của Chính phủ trong điều phối các chính sách phát triển công nghiệp quốc gia.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành Danh mục các ngành công nghiệp trọng điểm; Danh mục công nghiệp phụ trợ; Chương trình quốc gia về Phát triển công nghiệp; chương trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp trọng điểm; các chương trình chuyển đổi năng lượng phát triển bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; quản lý, phát triển các cụm công nghiệp; an toàn trong sản xuất công nghiệp.
- Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ.