Bộ Công Thương nói gì về đề xuất giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước?

Không chỉ ủng hộ đề xuất giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Công Thương cũng cho rằng nên kéo dài đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đến hết tháng 10/2023.
Bộ Công Thương vừa có công văn trả lời Bộ Tài chính về đề xuất giảm mức thu lệ phí trước bạ và gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Bộ Công Thương vừa có công văn trả lời Bộ Tài chính về đề xuất giảm mức thu lệ phí trước bạ và gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Bộ Công Thương mới đây đã có Công văn số 2464/BCT-CN ngày 25/4/2023 gửi Bộ Tài chính trả lời Công văn số 3346/BTC-CST ngày 10/4/2023 của Bộ Tài chính về việc thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 7/3/2023 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023.

Giảm lệ phí trước bạ để kích cầu thị trường ô tô

Theo đó, về chính sách điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Công Thương cho hay, trong các năm 2020 và 2022, trước sự sụt giảm của thị trường ô tô do tác động của đại dịch Covid-19, theo đề nghị của Bộ Tài chính, Chính phủ đã áp dụng chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thông qua việc ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020) và Nghị định số 103/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022).

"Các chính sách trên được ban hành kịp thời đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phục hồi sản xuất, từng bước mở rộng quy mô đầu tư, nội địa hóa sản phẩm nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh khó khăn chung do đại dịch gây nên", Công văn của Bộ Công Thương nêu rõ.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận định, bước vào đầu năm 2023, trong khi doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch thì nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng hiện hữu đang gây nhiều tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung khi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ cả yếu tố trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng… làm ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu đối với những mặt hàng có giá trị cao.

Căn cứ thực tế thị trường ô tô các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, doanh số toàn thị trường ô tô 3 tháng đầu năm 2023 (bao gồm cả xe du lịch và xe thương mại) sụt giảm đáng kể.

Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Huyndai Thành Công và Vinfast, doanh số bán hàng tháng 1/2023 của toàn thị trường đạt 17.852 xe, giảm 60% so với tháng 12/2022 và giảm 54% so với cùng kỳ năm 2022; doanh số bán hàng tháng 2/2023 của toàn thị trường đạt 26.419 xe, tăng 48% so với tháng 1/2023 và ngang với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù doanh số bàn hàng tháng 3/2023 của toàn thị trường đạt 32.819 xe, tăng 24% so với tháng 2/2023 nhưng giảm tới 28% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 3 tháng năm 2023, doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 77.090 xe, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022.

"Trước thực tế thị trường ô tô giảm sút mạnh, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đều đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sắm ô tô. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp thì sẽ không đủ để tạo ra sức bật giúp thị trường ô tô tăng trưởng trở lại một cách ổn định và bền vững", Bộ Công Thương đánh giá.

Thị trường ô tô đang cần một "bàn tay" tạo sức bật để tăng trưởng trở lại
Thị trường ô tô đang cần một "bàn tay" tạo sức bật để tăng trưởng trở lại

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhận được kiến nghị của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công, UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành chính sách giảm lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô để kích cầu tiêu dùng một cách mạnh mẽ và hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất và kinh doanh, đảm bảo duy trì nguồn thu ngân sách nhà nước từ lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn (lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm về nhu cầu tiêu dùng tại nhiều nước, xu thế tiếp tục tăng lãi suất và áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ; giá năng lượng tăng cao; chiến sự Nga - Ukraine kéo dài…), Chính phủ đã và đang quyết tâm thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm hạn chế tác động xấu và tạo động lực phát triển kinh tế trong nước.

Nhằm tiếp tục triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (thời gian thực hiện đến hết năm 2023 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ), bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp như các chính sách hỗ trợ khác mà Bộ Tài chính đã và đang đề xuất với Chính phủ (gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2023…), việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian thích hợp là cần thiết và phù hợp với tinh thần chung, góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho do tình hình kinh tế khó khăn, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, góp phần giúp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sớm vượt qua khủng hoảng và phát triển.

Hơn nữa, Bộ Công Thương cho rằng có thể cân nhắc thời gian áp dụng chính sách này đến hết năm 2023 - thời điểm kinh tế toàn cầu được kỳ vọng sẽ có những tín hiệu khởi sắc.

Bên cạnh đó, trong thời gian áp dụng chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP và Nghị định số 103/2021/NĐ-CP, ta chưa nhận được bất kỳ ý kiến hay phản đối của các thành viên WTO cũng như các đối tác thương mại trong các khuôn khổ mà ta tham gia.

Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ xem xét, thông qua chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt

Về việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Công Thương cho biết, theo quy định tại Điều 63 Luật Quản lý thuế năm 2019, “Chính phủ quyết định việc gia hạn nộp thuế cho các đối tượng, ngành, nghề kinh doanh gặp khó khăn đặc biệt trong từng thời kỳ nhất định. Việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định”. Bộ Công Thương ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính về phương án gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Điều 63 Luật Quản lý thuế.

Tuy nhiên, tại Công văn số 2914/BTC-CST, Bộ Tài chính hiện chỉ đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt cho các tháng 6, 7, 8, 9 của năm 2023. Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung phương án gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tháng 10/2023 (thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10/2023 chậm nhất là ngày 20/12/2023) để hỗ trợ doanh nghiệp.

Thy Thảo